Ngày 10/7, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp (Viện AMI) tổ chức Hội thảo Tăng cường huy động khu vực tư nhân trong chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm (LTTP) tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ chế đối tác và tài chính cho chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm ở Việt Nam", do Quỹ chung vì các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (UN Joint SDG Fund) tài trợ thông qua FAO, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD).

Hội thảo tăng cường sự tham gia của nhóm tư nhân trong chuyển hệ thống lương thực - thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững, do FAO tổ chức. Ảnh: Kiều Chi.
Phát biểu khai mạc, ông Ngô Sỹ Đạt - Giám đốc Viện AMI cho biết: "Từ thực tiễn, sự tham gia của khu vực tư nhân vẫn còn hạn chế do nhiều rào cản, từ thiếu thông tin, thiếu minh bạch, đến hạn chế trong tiếp cận tài chính và chính sách. Vì vậy, hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm truyền thông và chia sẻ về các chủ trương, định hướng lớn của Chính phủ liên quan đến chuyển đổi hệ thống LTTP và thảo luận về những kinh nghiệm quốc tế có thể áp dụng tại Việt Nam".
Quan trọng hơn, các đại biểu cùng rà soát, đề xuất các cơ chế, mô hình hợp tác nhằm thu hút sự tham gia mạnh mẽ và hiệu quả hơn từ khu vực tư nhân.

Giám đốc Viện AMI Ngô Sỹ Đạt phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Kiều Chi.
Theo TS Đặng Kim Sơn - Chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia Chuyển đổi hệ thống LTTP, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân tạo điều kiện xóa bỏ rào cản, phát triển đột phá cho doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, vai trò của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP càng trở nên cấp thiết và không thể thiếu.
"Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ mối quan hệ kinh tế - dinh dưỡng và môi trường, vừa đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia, vừa phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, xây dựng trên các lợi thế hiện có", TS Sơn chia sẻ thêm về mục tiêu Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.
Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc CTCP Thực phẩm Vinh Hà - thông tin, doanh nghiệp nhỏ hiện nay gặp rào cản thiếu thông tin về thị trường, đặc biệt thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Do thiếu kênh chính thống, doanh nghiệp chưa xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững phục vụ chế biến. Ngoài ra, khu vực tư nhân còn gặp khó khăn tiếp cận nguồn tài chính từ các quỹ quốc tế, hay có các văn bản hướng dẫn triển khai theo các chính sách hiện hành.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, quy mô sản xuất của cả hợp tác xã và người dân còn nhỏ, khiến việc mở rộng thị trường và phát triển bền vững gặp nhiều trở ngại. Ảnh: Kiều Chi.
Với đồng bào tại các địa phương, thông tin và kết nối cũng còn hạn chế; điều kiện địa lý và khả năng liên kết giữa hợp tác xã với người dân, cũng như giữa các hợp tác xã với nhau, còn nhiều bất cập.
Phiên thảo luận tại hội thảo nhận diện 5 "nút thắt" chính đang cản trở sự tham gia của khối tư nhân, bao gồm: chính sách chưa ổn định; tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; rủi ro cao trong nông nghiệp bền vững; lao động nông thôn già hóa và khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế.
Do đó, cần nâng cao năng lực cho hợp tác trong quản lý tài chính, hoạt động kinh doanh, thương mại điện tử và chuyển đổi số. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc trở thành trung tâm sản xuất, mà còn hướng tới việc có đủ năng lực hội nhập, tham gia thị trường và tiếp cận các nguồn lực tài chính.
Việc đánh giá - quản lý - truyền thông rủi ro cũng được các đại biểu đề xuất là giải pháp cho khối tư nhân bứt phá, tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng thị trường.
Hội thảo đã thống nhất rằng, để tháo gỡ các rào cản, cần có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là việc xây dựng một chiến lược quốc gia dài hạn, thiết lập cơ chế quản trị đa bên hiệu quả, và phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo như quỹ xanh, tín dụng ưu đãi, và các mô hình hợp tác công - tư (PPP) linh hoạt hơn để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân.