Mới đây, tại hội thảo “Giải pháp chuyển đổi hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo ở vùng ĐBSCL: Nghiên cứu, phát triển và kinh doanh” tổ chức tại TP Cần Thơ, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL kiến nghị cần có gói giải pháp tích hợp để liên tục cải tiến hệ sinh thái sản xuất và kinh doanh lúa gạo ở vùng ĐBSCL. Kiến nghị này xuất phát từ thực trạng ngành hàng lúa gạo ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội đan xen.

TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL kiến nghị giải pháp sản xuất lúa gạo bền vững ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.
TS Đặng Kiều Nhân đánh giá, thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã áp dụng nhiều nhóm giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa như hướng công nghệ sinh thái, "1 phải 5 giảm", tiêu chuẩn SRP, giảm mức lưu tồn hóa chất nông nghiệp trong lúa gạo..., đặc biệt là triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Tuy nhiên, việc nhân rộng quy mô các giải pháp kỹ thuật này vẫn còn nhiều lực cản do hạn chế về hạ tầng đồng ruộng, thủy lợi và giao thông nội đồng, sự liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với HTX và doanh nghiệp.
Theo quan điểm của TS Nhân, muốn tăng lợi nhuận bền vững cho nông dân sản xuất lúa, cần một nhóm giải pháp tổng thể mang tính cộng đồng. Ông cho rằng, việc ứng dụng giống lúa chất lượng cao đi kèm gói kỹ thuật canh tác phù hợp có thể giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 10 – 15%. Nếu biết tận dụng phụ phẩm như rơm rạ hoặc chuyển đổi sang canh tác thích nghi, người dân có thể tăng thêm 10 – 50% lợi nhuận. Bên cạnh đó, xây dựng liên kết chuỗi giá trị và thị trường có thể mang lại 20 – 30% giá trị gia tăng.
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật, TS Nhân mong muốn nâng cao năng lực và niềm tin của các HTX, sự phối hợp giữa các nông dân trong một cộng đồng sản xuất để phát huy giá trị kinh tế và sản phẩm của hệ sinh thái cộng đồng ngoài sản phẩm chính là lúa gạo.

Thu mua lúa dài hạn và có chính sách ứng tiền trước cho nông dân là một trong những giải pháp giúp bà con ổn định sản xuất. Ảnh: Kim Anh.
TS Nhân nhấn mạnh, dù còn nhiều khó khăn, thách thức lẫn cơ hội đan xen, nhưng nếu nông dân và HTX tiếp cận và ứng dụng nền tảng số hiệu quả, nâng cao năng lực kinh doanh để liên kết với doanh nghiệp, sẽ chuyển hóa được những khó khăn, thách thức thành cơ hội chung cho cả tiểu vùng sản xuất.
“Sản phẩm cuối cùng tạo ra không chỉ là hạt gạo mà phải là cả một hệ sản phẩm đa dạng của hệ sinh thái sản xuất và kinh doanh lúa gạo, bao gồm phụ phẩm, cây trồng, vật nuôi kết hợp, sản phẩm chế biến và cả giá trị môi trường từ hệ sinh thái canh tác bền vững”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL bày tỏ.
Minh chứng cho cách tiếp cận hệ sinh thái nông nghiệp cộng đồng là HTX nông nghiệp Kiến Thành ở xã Vị Thanh 1, TP Cần Thơ. HTX hiện có 120 thành viên chính thức và 53 thành viên liên kết, canh tác trên diện tích khoảng 250 ha, trong đó khoảng 200 ha đạt chuẩn VietGAP.
HTX này đã thiết lập được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong cả dịch vụ đầu vào (giống, phân, thuốc) và đầu ra (bao tiêu sản phẩm). Đồng thời ứng dụng hiệu quả các thực hành nông nghiệp tiên tiến như "1 phải 5 giảm", IPM, đảm bảo mức lưu tồn hóa chất nông nghiệp tối đa cho phép (MRL), ứng dụng nền tảng số để quản lý kỹ thuật và tài chính của thành viên và HTX...
Tuy nhiên, điểm nghẽn còn tồn tại là trong khu vực sản xuất của HTX còn khoảng 30% thành viên liên kết chưa đồng nhất về kỹ thuật, quy trình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và kinh doanh. HTX cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, dịch vụ và tái chế rơm rạ.

Với hạn chế, thách thức và cơ hội đan xen, ngành hàng lúa gạo luôn phải thay đổi. Ảnh: Kim Anh.
Qua thực tế đó, TS Đặng Kiều Nhân nhấn mạnh: “Với hạn chế, thách thức và cơ hội đan xen, ngành hàng lúa gạo luôn phải thay đổi. Vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng nội đồng, chuyển đổi số, nâng cao năng lực nông dân, HTX và doanh nghiệp nhỏ thông qua ươm tạo công nghệ và kinh doanh, phát triển nhãn hiệu và thị trường cho sản phẩm là cần thiết. Để làm được như vậy, cần vai trò hỗ trợ liên tục của Nhà nước, các viện, trường và cơ quan khuyến nông địa phương. Tất cả cần được thiết kế dựa trên tư duy hệ sinh thái sản xuất và kinh doanh thay vì tiếp cận đơn lẻ”.
Theo TS Đặng Kiều Nhân, các tổ chức khuyến nông cộng đồng, nhà khoa học, doanh nghiệp chế biến và đơn vị logistics cần tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị để cùng tạo ra một cấu trúc cộng sinh. Trong đó lợi ích của nông dân cũng là lợi ích chung của toàn chuỗi. Khi cả cộng đồng cùng tham gia vào sản xuất, chế biến và phân phối, giá trị sản phẩm từ lúa gạo sẽ không dừng lại ở lợi ích kinh tế mà còn lan tỏa sang môi trường, xã hội và phát triển bền vững.