Nhiều triển vọng nhưng lắm thách thức
Trước tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, áp lực từ thị trường quốc tế và yêu cầu phát triển vùng ĐBSCL, khái niệm chuyển đổi nông nghiệp sinh thái được đặt ra rất nhiều trong các chương trình, dự án.
Tại hội thảo “Giải pháp chuyển đổi hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo ở vùng ĐBSCL: Nghiên cứu, phát triển và kinh doanh” do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức mới đây, PGS.TS Đào Thế Anh - nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, nông nghiệp sinh thái là khái niệm rất rộng, gồm nhiều trường phái kỹ thuật khác nhau.

PGS.TS Đào Thế Anh chia sẻ về chính sách và định hướng nghiên cứu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Kim Anh.
Hiện nay, nhiều dự án khác nhau được triển khai và mỗi dự án đều có một tên gọi kỹ thuật riêng như: Nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp phát thải thấp thích ứng với biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, tất cả những khái niệm này đều hướng đến nông nghiệp sinh thái với mục tiêu chung là sản xuất hiệu quả, chất lượng sản phẩm tốt hơn, tiêu tốn ít tài nguyên, không làm ô nhiễm đất, ô nhiễm môi trường, đảm bảo đa dạng sinh học cũng như thu nhập và sinh kế cho người sản xuất.
Đối với lúa gạo, một trong những ngành hàng chủ lực của vùng ĐBSCL, việc chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái được cho là có nhiều triển vọng. Trong đó, các HTX trồng lúa đang là lực lượng nòng cốt trong quá trình chuyển đổi.
Tuy nhiên, sự khác biệt về quy mô, năng lực quản trị và mức độ sẵn sàng của các HTX đang đặt ra nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi.
TS Hà Minh Tuấn (Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế - CIAT) phân tích, một số HTX quy mô lớn với nền tảng tài chính vững chắc, diện tích sản xuất tập trung và liên kết ổn định với doanh nghiệp sẽ có mức độ sẵn sàng chuyển đổi cao. Bởi bản thân các HTX có động lực nhờ các hợp đồng bao tiêu minh bạch, giá bán cao hơn, được hỗ trợ máy móc, công nghệ và xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, những HTX này đã áp dụng công cụ số để thực hành nông nghiệp sinh thái, truy xuất nguồn gốc và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Tại ĐBSCL xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: Kim Anh.
Ngược lại, phần lớn các HTX quy mô nhỏ, siêu nhỏ hoặc mới thành lập, đang gặp nhiều rào cản do thiếu năng lực quản trị khiến họ chưa hình dung được lợi ích cụ thể khi chuyển đổi. Ngay cả một số HTX đang hoạt động hiệu quả theo mô hình kết hợp lúa – thủy sản cũng gặp khó trong việc mở rộng thị trường do thiếu chứng nhận và phụ thuộc lớn vào giá cả. Điều này dẫn đến tâm lý ngại thay đổi từ nông dân, nhất là phải bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu cao.
Ngoài ra theo TS Hà Minh Tuấn, thực tế đang hiện hữu là thiếu các thương hiệu gạo sinh thái được công nhận rộng rãi. Điều này khiến sản phẩm gạo sản xuất theo hướng bền vững chưa có lợi thế cạnh tranh rõ ràng.
Bên cạnh đó, bài toán tài chính cũng trở thành nút thắt lớn khi phần lớn HTX không đủ năng lực để đầu tư máy móc, công cụ số, hệ thống sản xuất, xây dựng thương hiệu hay chi trả cho các chứng nhận đạt chuẩn quốc tế như VietGAP, SRP hoặc hữu cơ.
Cần cơ chế, chính sách đột phá
Chuyên gia từ CIAT cho rằng, một trong những đột phá cần có để thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái là cơ chế tài chính phù hợp. TS Hà Minh Tuấn đề xuất thành lập Quỹ Chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái theo mô hình đồng tài trợ công – tư.
Giải pháp này rút ra từ các bài học của các chương trình như AgriFI - Sáng kiến Tài chính Nông nghiệp của Liên minh châu Âu; Quỹ chia sẻ rủi ro AGRA tài trợ bởi Liên minh vì Cách mạng xanh ở châu Phi hay các chương trình hỗ trợ nông nghiệp sinh thái của NABARD (Ấn Độ).

Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ra đời là minh chứng cho công cuộc chuyển đổi nông nghiệp sinh thái trong ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.
Theo đó, hợp đồng bao tiêu có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm vay vốn, giúp HTX giải quyết được vấn đề dòng tiền, thanh toán kịp thời cho nông dân và đầu tư dài hạn. Các gói đầu tư cũng cần được thiết kế riêng phù hợp với hình thức và mức độ sẵn sàng chuyển đổi của từng HTX.
Về chính sách, PGS.TS Đào Thế Anh cho biết thêm, thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách chuyển đổi nông nghiệp sinh thái. Điển hình là Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL; Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học; Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về hệ thống lương thực minh bạch, có trách nhiệm và bền vững đến 2030...
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đào Thế Anh, vấn đề không nằm ở việc thiếu chính sách, mà ở khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn. Để chính sách đi vào cuộc sống, cần có sự điều phối liên ngành chặt chẽ, sự tham gia chủ động của chính quyền địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các sáng kiến khu vực.
Cụ thể, để đạt được mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần phối hợp với các ngành liên quan, các tỉnh, thành phố và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân để xây dựng kế hoạch hành động quốc gia. Xây dựng các giải pháp hợp tác nghiên cứu, phát triển các hệ thống sản xuất thân thiện với thiên nhiên thông qua việc cải thiện đất, tăng cường các hoạt động phục hồi hệ sinh thái.

Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái cần đảm bảo thu nhập và sinh kế cho nông dân. Ảnh: Kim Anh.
Các HTX cần được đào tạo và nâng cao năng lực về lập kế hoạch kinh doanh, quản trị tài chính, đàm phán thị trường. Việc sử dụng công cụ số như Facefarm, Mekong App nên được mở rộng, tích hợp thêm chức năng truy xuất, cảnh báo thời tiết, theo dõi khí phát thải… để hỗ trợ thực hành sản xuất bền vững đồng bộ giữa các thành viên.
Tạo lập thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm nông nghiệp sinh thái cũng không kém phần quan trọng. Các chiến dịch truyền thông cần được triển khai để nâng cao nhận thức người tiêu dùng về giá trị gạo sinh thái không chỉ sạch mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải, bảo tồn tài nguyên. Các HTX sản xuất gạo sinh thái cần được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối với các chuỗi bán lẻ, siêu thị, nhà hàng cao cấp và cả thị trường xuất khẩu.
Cần khuyến khích thanh niên tham gia nông nghiệp sinh thái thông qua các mô hình kinh doanh mới mẻ như nông nghiệp số, du lịch nông nghiệp sinh thái, sản xuất sản phẩm hữu cơ gắn với thương mại điện tử. Đây không chỉ là hướng đi để tăng thu nhập mà còn giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trẻ trong nông nghiệp hiện nay.
Phong trào chuyển đổi nông nghiệp sinh thái chỉ thật sự hình thành khi các nhà nghiên cứu, các tổ chức phát triển và cộng đồng sản xuất cùng chia sẻ cách hiểu, cùng hành động và đầu tư.
Hiện nay, tại ĐBSCL đã và đang triển khai một số giải pháp nông nghiệp sinh thái như: Tưới ngập – khô xen kẽ (AWD); áp dụng "1 phải -5 giảm" trong sản xuất lúa; bản đồ rủi ro khí hậu cho sản xuất lúa; nền tảng lúa gạo bền vững (SRP); xử lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn; hệ thống canh tác kết hợp lúa - tôm, lúa - cá; sử dụng phân bón theo công nghệ chính xác; du lịch nông nghiệp sinh thái…