Nông nghiệp sinh thái kết hợp tri thức truyền thống
Lấy cảm hứng từ hệ sinh thái tự nhiên, dự án “Nông nghiệp sinh thái cho cảnh quan bền vững nhằm giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc” (A4P) đã triển khai nông nghiệp sinh thái kết hợp tri thức của người dân địa phương và khoa học. Trong đó, tập trung vào sự tương tác giữa các loài thực vật, động vật, con người và môi trường, đồng thời, tìm cách để tạo lập tính bền bỉ về cả sinh kế lẫn cảnh quan. Từ đó lấp đầy những khoảng trống giữa tri thức và thực hành nhằm hỗ trợ tiến trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái.
Trên nền tảng này, Dự án A4P đã hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây khoai sọ nương tại huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) với sự giúp sức của khoa học dựa trên tri thức truyền thống của người Mông.
Theo tri thức truyền thống “khoai đất lạ mạ đất quen”, bà con huyện Trạm Tấu đã luân canh cây trồng trong quá trình canh tác để đạt năng suất tốt hơn. Tức là, khi trồng cây khoai sọ nương trên một đơn vị diện tích liên tục, sau khoảng 3 năm bà con sẽ "đổi chân đất" để canh tác cây đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, bà con vận dụng những kiến thức bản địa bằng cách bảo quản củ giống trực tiếp ở trên nương để giữ chất lượng củ tốt nhất và giảm thiểu công vận chuyển từ nương về nhà.

Huyện Trạm Tấu đang tiếp tục hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng khoai sọ để nâng cấp sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Tiến.
Tuy nhiên, với xu hướng phát triển sản xuất hàng hóa như hiện nay, một số kỹ thuật truyền thống của người Mông đã không còn phù hợp, cần được cải tiến như: Chọn củ giống cho vụ sau, cách sử dụng phân bón, phòng trừ sâu, bệnh hại và chọn thời gian trồng, thu hoạch nhằm cho hiệu quả kinh tế cao.
Dự án A4P đang hỗ trợ cộng đồng người Mông tại huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) thông qua nghiên cứu khoa học nhằm hướng tới việc chọn lọc giống khoai sọ nương, tạo được quần thể khoai sọ nương thuần và đồng nhất; lựa chọn được kích thước củ giống trồng phù hợp. Bên cạnh đó, nghiên cứu cải tiến một số biện pháp kỹ thuật canh tác (thời vụ trồng tập trung, mật độ và liều lượng phân bón hợp lý, thời điểm thu hoạch...) để việc canh tác giống khoai sọ nương đạt được năng suất cao, chất lượng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, phát triển canh tác khoai sọ nương bền vững hơn, gắn với bảo tồn tại chỗ.
Về thử nghiệm bảo tồn giống khoai sọ nương Trạm Tấu, tiến sĩ Hoàng Thị Nga thuộc Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Tài nguyên thực vật chia sẻ, chọn đúng giống là bước tiên quyết trong nghiên cứu phục tráng giống khoai sọ Trạm Tấu. Sau đó áp dụng đúng các kỹ thuật tiên tiến để giữ gìn và nâng cao chất lượng giống khoai sọ nương, hình thành thói quen canh tác bền vững cho bà con nông dân.
“Một yếu tố quan trọng khác là phải thu hoạch khoai sọ đúng thời điểm. Nếu thu hoạch đúng lúc, khoai sẽ đạt chất lượng tốt nhất về hàm lượng tinh bột, protein và chất béo. Điều này giúp nâng cao giá trị của khoai sọ nương Trạm Tấu trên thị trường, tạo vị thế riêng trong mắt người tiêu dùng. Nhờ đó, việc sản xuất được thúc đẩy, giống khoai quý tại địa phương được bảo tồn và phát triển theo hướng bền vững hơn”, bà Nga cho biết.
Nông nghiệp sinh thái: Phục hồi môi trường và tạo sinh kế bền vững
Dự án A4P bắt đầu triển khai từ 9/2021 – 8/2025 và được tài trợ bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) thông qua tổ chức Bánh mỳ Thế giới (BftW); Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) và Tổ chức Khuyến lâm Đan Mạch thông qua Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA).

Trong khuôn khổ dự án A4P, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế tại Việt Nam (ICRAF), Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và Yên Bái tổ chức khóa tập huấn cho tập huấn viên (TOT) về nông nghiệp sinh thái. Ảnh: CISDOMA.
Trong hai năm đầu, dự án tập trung khảo sát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; điều tra sâu bệnh trên cây chè Shan và khoai sọ; đưa ra phương án sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp và nghiên cứu thị trường cho các sản phẩm bản địa. Đặc biệt, dự án nhấn mạnh vai trò của phụ nữ tại hai xã Bản Mù và Hồi (Trạm Tấu), đồng thời thiết lập cảnh quan sinh thái trên diện tích 46ha cây ăn quả, chè Shan tuyết và cây lấy gỗ.
Bên cạnh mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số Mông và Mường tại Trạm Tấu (Yên Bái) và Kim Bôi (Hòa Bình), dự án A4P còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ và phục hồi môi trường tự nhiên. Thông qua phục hồi cảnh quan nông nghiệp sinh thái tại các địa bàn xã thuộc hai huyện, dự án đã giúp cải thiện chất lượng đất, giảm xói mòn và suy thoái đất, từ đó duy trì độ màu mỡ và năng suất lâu dài. Đồng thời, các mô hình canh tác sinh thái bền vững cũng hỗ trợ nhằm bảo vệ nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 2024 - 2025, dự án sẽ mở rộng diện tích cảnh quan sinh thái lên 50ha, nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái sang các vùng lân cận và thử nghiệm thuốc trừ sâu sinh học phù hợp. Đồng thời, tập huấn về kỹ thuật canh tác cây ăn quả, hoàn thiện vườn ươm cây giống bản địa, thí nghiệm sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao và tiếp tục chọn lọc giống khoai sọ. Đại diện dự án A4P cho biết sẽ tổ chức cho người dân tham quan mô hình chè Shan tuyết tại xã Xứ Giàng, kết hợp với tập huấn kỹ thuật thu hái, chế biến và đóng gói. Từ đó, chuẩn bị các bước bàn giao lại toàn bộ mô hình cho địa phương tiếp tục quản lý và phát triển.