| Hotline: 0983.970.780

Thấp thỏm xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Thứ Năm 10/07/2025 , 13:12 (GMT+7)

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng dù tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lo ngại suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Xuất khẩu tôm, cá tra tăng trưởng chậm lại

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng mạnh trên 20% trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta trong tháng 6 vẫn cao hơn cùng kỳ nhưng mức tăng khiêm tốn chỉ còn 4%, đạt 876 triệu USD. Nguyên nhân là sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 891 triệu USD, vẫn tăng 16% nhờ đợt “tăng tốc” giao hàng trước mốc 9/7 - thời điểm Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng mới. Tuy nhiên, từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dừng xuất khẩu sang Hoa Kỳ để tránh rủi ro bị đánh thuế cao.

Tính đến hết tháng 6/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 2,07 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Hồng Thắm.

Tính đến hết tháng 6/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 2,07 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Hồng Thắm.

Ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong tháng 6, tăng từ 15% đến gần 28%.

Trong khi đó, xuất khẩu sang EU chững lại, giảm nhẹ 1%, trong khi khu vực Trung Đông giảm mạnh 16% do ảnh hưởng của chiến sự. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Israel - thị trường tiêu thụ lớn cá ngừ hộp, giảm hơn 50%.

Đối với hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta là tôm và cá tra đà tăng trưởng chậm lại, do cũng bị ảnh hưởng từ chính sách thuế của Hoa Kỳ. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 2,07 tỷ USD, tăng 26%; cá tra đạt 1 tỷ USD, tăng 10%.

Triển vọng nửa cuối năm 2025 đối với hai ngành hàng chủ lực này phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Đặc biệt, tôm có nguy cơ đối mặt với  “thuế chồng thuế”  gồm thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Ngành cá tra có phần lạc quan hơn khi mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng kỳ rà soát POR20, với 7 doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu mức thuế đối ứng sắp tới được kiểm soát tốt, đây có thể là cơ hội để cá tra Việt Nam bứt phá.

Cá ngừ sụt giảm mạnh

Cũng theo số liệu của Vasep, cá ngừ là nhóm sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do ảnh hưởng thuế quan từ Hoa Kỳ - thị trường chiếm tỷ trọng lớn. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ giảm gần 2%. Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ nước ta đang nỗ lực khai phá các thị trường mới như: Ai Cập, Litva...

Tại thị trường Ai Cập, từ năm 2023 trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang đây liên tục tăng trưởng. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt gần 4 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2024.

Cá ngừ là nhóm sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Kim Sơ.

Cá ngừ là nhóm sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Kim Sơ.

Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, cá ngừ đóng hộp là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm tới hơn hơn 82% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn lại là cá ngừ chế biến khác và thịt/loin cá ngừ đông lạnh.

Với mặt hàng cá ngừ đóng hộp, Thái Lan là nhà cung cấp chính cho Ai Cập. Tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu của Ai Cập đang tìm kiếm đối tác khác, trong đó có Việt Nam nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam chen chân vào thị trường này.

Với thị trường Litva - cửa ngõ vào khu vực Trung Đông Âu, theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Litva là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 12 trong khu vực EU, chiếm 1,2% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của EU. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Litva từ ngoài khối EU trong năm 2022, chiếm 3,54% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của EU.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của nước ta sang thị trường này đã tăng từ mức 229.000 USD năm 2021 lên gần 16 triệu USD năm 2024, tăng gấp 69 lần. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Litva tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 8 triệu USD. Các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh (mã HS0304) đang là sản phẩm xuất khẩu chính sang thị trường này, chiếm tới 98% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn như: Hoa Kỳ, EU gặp nhiều trở ngại, Ai Cập, Litva… được coi là lựa chọn khả quan cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu cá ngừ. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đang lựa chọn những thị trường này là điểm đến mới… Do đó, cạnh tranh trong thời gian tới sẽ gia tăng, doanh nghiệp cần phải chủ động đón đầu để có thể khai phá được các thị trường này.

Hai kịch bản đều dưới 10 tỷ USD

VASEP dự báo 2 kịch bản xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm. Kịch bản thứ nhất, thuế đối ứng của Hoa Kỳ sau 9/7 là 10%, khi đó tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể giảm còn khoảng 9,5 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với dự báo trước đó. Các thị trường khác như: Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU có thể hấp thụ một phần hàng hóa điều tiết từ Hoa Kỳ.

Kịch bản thứ hai, thuế đối ứng trên 10%, có thể đến 46%, xuất khẩu thủy sản có nguy cơ giảm sâu, chỉ còn 9 tỷ USD hoặc thấp hơn. Hoa Kỳ sẽ không còn là thị trường ổn định, nhất là với các mặt hàng có chuỗi cung ứng phức tạp. Trong kịch bản xấu nhất, cạnh tranh từ các quốc gia có thuế thấp hơn như: Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia sẽ trở nên gay gắt hơn. Cơ hội sẽ dịch chuyển sang các thị trường trung lập như: Nhật Bản, EU và ASEAN, nhưng khả năng bù đắp là có hạn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi mạnh.

Xem thêm
Phê duyệt dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao hơn 8.000 tỷ đồng

LÂM ĐỒNG Lâm Đồng phê duyệt dự án bò sữa công nghệ cao hơn 8.000 tỷ đồng tại xã Quảng Sơn, quy mô 50.000 con, kỳ vọng tạo đột phá cho nông nghiệp địa phương.

Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Giống lúa KU57 và sự cố lúa lép: Thông tin dễ gây hiểu lầm pháp lý

Pháp luật về giống lúa quy định giống phải được công nhận lưu hành, không có các khái niệm đăng ký, xin phép trình diễn khảo nghiệm hay cơ cấu giống.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Bình luận mới nhất