| Hotline: 0983.970.780

Phát triển bền vững dược liệu dưới tán rừng

Thứ Ba 08/07/2025 , 06:42 (GMT+7)

Nếu thiếu quy hoạch và kỹ thuật, mô hình dược liệu dưới tán rừng rất dễ đi chệch hướng.

Cái giá của sự phát triển tự phát

Trong hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng của Việt Nam, tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là vô cùng lớn. Đây là hướng đi đặc biệt phù hợp với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dựa vào rừng, khi vừa tạo sinh kế ổn định, vừa góp phần bảo vệ và làm giàu tài nguyên rừng.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, không ít bài học đã cho thấy, nếu thiếu quy hoạch và kỹ thuật, mô hình này rất dễ đi chệch hướng. Trường hợp của cây thảo quả và sa nhân là ví dụ điển hình.

Việc phát triển các mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng hoặc tán cây ăn quả sẽ phù hợp hơn về mặt sinh thái, đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng rửa trôi và xói mòn đất. Ảnh: Duy Học.

Việc phát triển các mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng hoặc tán cây ăn quả sẽ phù hợp hơn về mặt sinh thái, đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng rửa trôi và xói mòn đất. Ảnh: Duy Học.

TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ, thảo quả từng được mệnh danh là “cây đổi đời” của nhiều hộ đồng bào vùng cao. Với giá trị thương mại cao, cây thảo quả nhanh chóng được trồng phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang...

“Tuy nhiên, thảo quả là loài cây cần cường độ ánh sáng cao trong giai đoạn ra hoa, kết trái, vì thế, không ít người dân đã tự ý tỉa thưa tán rừng, thậm chí chặt hạ các cây gỗ lớn để mở rộng không gian đón ánh sáng cho cây. Đáng lo ngại hơn, sau thu hoạch, thay vì sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện hoặc năng lượng mặt trời để sấy quả nhiều nơi vẫn dùng củi rừng. Điều này dẫn đến tình trạng suy giảm kép tài nguyên rừng, vừa mất tán che, vừa mất gỗ”, TS. Tuyến nói thêm.

Cây sa nhân cũng đối mặt với vấn đề tương tự, sự thiếu quy hoạch và kỹ thuật cũng làm gia tăng tác động xấu đến môi trường, do việc can thiệp vào cấu trúc sinh thái của rừng. Với nhu cầu ánh sáng cao, việc phá bỏ tầng tán để đảm bảo năng suất đã khiến mô hình trồng cây dược liệu - vốn được kỳ vọng là “giải pháp kép” dần trở thành tác nhân góp phần làm suy thoái rừng.

TS Tuyến phân tích: “Ban đầu, các mô hình trồng thảo quả, sa nhân đem lại thu nhập khá cho người dân. Nhưng vì trồng tự phát, thiếu kỹ thuật, không có sự giám sát hay quy hoạch cụ thể, nên người dân đã có những can thiệp quá mức vào hệ sinh thái rừng. Nhận thấy hệ quả của việc tác động suy giảm chất lượng rừng đến nay nhiều tỉnh không còn khuyến khích trồng thảo quả, sa nhân và đang dần thay thế bằng các loại cây dược liệu quý hơn, phù hợp hơn với điều kiện rừng, đặc biệt là các loại cây họ nhân sâm”.

"Đối với sa nhân, nếu muốn phát triển bền vững, cần ưu tiên các mô hình trồng dưới tán rừng trồng hoặc tán cây ăn quả, bởi đây là hướng đi phù hợp hơn về mặt sinh thái, đồng thời giúp hạn chế tình trạng rửa trôi và xói mòn đất thường xảy ra trong các mô hình canh tác độc canh", TS Tuyến gợi ý thêm.

Cần một tầm nhìn dài hạn

Nghiên cứu và thực tế phát triển cây dược liệu dưới tán rừng cho thấy, có rất nhiều loài dược liệu quý hoàn toàn có thể trồng dưới tán rừng mà không phá vỡ cấu trúc sinh thái, thậm chí còn góp phần phục hồi rừng. Điển hình là sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tam thất hoang, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, hoàng tinh, cẩu tích…, những cây dược liệu ưa bóng, sinh trưởng tốt dưới tầng cỏ quyết hoặc tầng dưới tán của rừng tự nhiên.

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu chung là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đây là cơ hội để các địa phương phát huy tiềm năng bản địa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng và chế biến dược liệu, đặc biệt là cây sâm nhằm tạo chuỗi giá trị khép kín, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển bền vững.

Nhiều loài dược liệu quý có thể trồng dưới tán rừng góp phần phục hồi rừng, điển hình là sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tam thất hoang, bảy lá một hoa... Ảnh: Duy Học.

Nhiều loài dược liệu quý có thể trồng dưới tán rừng góp phần phục hồi rừng, điển hình là sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tam thất hoang, bảy lá một hoa... Ảnh: Duy Học.

TS Tuyến cho hay: “Khác với thảo quả, cây sâm yêu cầu độ tán che cao, từ 70% trở lên. Điều này đồng nghĩa, muốn trồng được sâm, người dân không chỉ không được chặt phá rừng, mà còn cần trồng thêm cây gỗ, để đảm bảo độ tàn che, tạo điều kiện sống giống môi trường tự nhiên cho sâm phát triển”.

Hiện nhiều địa phương như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai... đã có các mô hình trồng sâm dưới tán rừng thành công. Lai Châu đã phát triển được trên 130 ha mô hình sâm Lai Châu dưới tán rừng. Tại Sơn La, Điện Biên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư trồng sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh trong các khu rừng tự nhiên hoặc rừng trồng. Hay Cao Bằng còn chủ động phối hợp với các viện nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật riêng phù hợp với điều kiện sinh thái bản địa.

Theo TS. Tuyến: “Đây là hướng đi không chỉ phù hợp về sinh thái mà còn tạo ra giá trị kinh tế cao, bền vững, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả người dân và môi trường”.

Đồng bộ từ quy hoạch - kỹ thuật - chế biến

Tiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng là rất lớn, nhưng để khai thác hiệu quả và bền vững cần phải có sự đồng bộ từ quy hoạch, kỹ thuật cho đến chế biến.

TS Tuyến cho rằng, trước hết, cần có quy hoạch vùng trồng rõ ràng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, độ cao và sinh thái rừng của từng địa phương, tránh tình trạng người dân trồng tự phát trong rừng đặc dụng, vùng lõi, gây mất kiểm soát và nguy cơ suy thoái hệ sinh thái.

TS. Phạm Quang Tuyến (ảnh phải) giới thiệu các sản phẩm từ sâm Lai Châu tại Phòng trưng bày sản phẩm sâm và lâm sản ngoài gỗ của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Duy Học.

TS. Phạm Quang Tuyến (ảnh phải) giới thiệu các sản phẩm từ sâm Lai Châu tại Phòng trưng bày sản phẩm sâm và lâm sản ngoài gỗ của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Duy Học.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao kỹ thuật cũng là yếu tố sống còn, bởi nếu người dân không được hướng dẫn cụ thể, họ sẽ có xu hướng phát dọn sạch rừng để trồng, trong khi thực tế chỉ cần xử lý dây leo, tạo lối đi, giữ lại cây tái sinh và duy trì lớp cây kế cận để bảo đảm rừng đa tầng.

Cùng với đó, hệ thống chế biến và bảo quản sau thu hoạch cũng cần phải được đầu tư đồng bộ ngay tại vùng trồng. Hiện nay, do chưa có nhà máy hoặc trạm sơ chế tại chỗ, người dân thường phải sấy dược liệu bằng củi rừng - một thực tế dẫn đến tình trạng mất rừng nghiêm trọng. Việc ứng dụng năng lượng tái tạo như điện hoặc mặt trời để sấy dược liệu là hướng đi đúng nhưng vẫn còn manh mún và cần được nhân rộng.

Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng phải được kết nối với các cơ sở chế biến đạt chuẩn, sản xuất theo quy trình GACP-WHO, theo các tiêu chuẩn quốc tế hướng tới xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Khi tất cả các khâu được liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, dược liệu dưới tán rừng mới thực sự trở thành ngành hàng kinh tế sinh thái có giá trị lâu dài.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, việc khai thác tiềm năng cây dược liệu dưới tán rừng một cách thông minh và bền vững không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn là chiến lược quan trọng để xóa đói giảm nghèo, phát triển vùng sâu vùng xa.

TS Phạm Quang Tuyến nhấn mạnh: “Trồng dược liệu dưới tán rừng không hề mâu thuẫn với việc bảo vệ rừng, ngược lại nếu làm đúng biện pháp kỹ thuật lâm sinh sẽ góp phần phục hồi rừng tự nhiên, tạo ra sinh kế ổn định, lâu dài cho đồng bào dân tộc miền núi. Điều cốt lõi là phải có tầm nhìn dài hạn, quy hoạch bài bản và chuyển giao kỹ thuật kịp thời”.

Xem thêm
Người được dúi 'trả lương' mỗi tháng hơn 20 triệu đồng

'Vợ nhà nước trả lương, còn chồng thì được con dúi trả lương'. Bà con ở xã Tân Sơn mới, tỉnh Phú Thọ thỉnh thoảng lại tếu táo về anh Nguyễn Trung Nam như vậy.

Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Khẩn trương phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng

Tại các địa phương từ Nghệ An đến TP Huế, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng đang gia tăng do thời tiết thuận lợi cho sinh vật hại phát triển.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nâng tầm nông sản từ những mô hình trang trại bền vững

Hưng Yên đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư phát triển trang trại theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất - tiêu thụ, tạo nền tảng vững chắc để nâng tầm giá trị nông sản.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Biến vùng đất sâu, trũng thành 'vựa' cá Koi tiền tỷ

HẢI PHÒNG Từ bỏ lối canh tác truyền thống, anh Vũ Văn Quân táo bạo chuyển đổi sang nuôi cá Koi Nhật Bản kết hợp kinh tế tuần hoàn, tạo ra giá trị bất ngờ.

Bình luận mới nhất