Sáng 13/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ, với nội dung bổ sung quy định chi tiết về nuôi, trồng, phát triển và thu hoạch cây dược liệu trong rừng. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính và đại diện một số địa phương có tiềm năng dược liệu lớn như Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu, Yên Bái.
Mở rộng không gian phát triển dược liệu từ rừng
Việt Nam hiện sở hữu nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng với nhiều loài quý như Sâm Việt Nam, Tam thất, Đảng sâm... Nhiều địa phương đã triển khai mô hình lâm - nông kết hợp, phát triển dược liệu dưới tán rừng, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu dưới tán rừng hiện nay vẫn đối mặt nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách và quy định pháp lý. Do đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Dự thảo Nghị định sửa đổi phải giải quyết được những vướng mắc thực tiễn, đồng thời đảm bảo nguyên tắc quản lý, bảo vệ chặt chẽ tài nguyên rừng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần chú trọng đến vai trò cộng đồng, giữ dân mới giữ được rừng, người dân phải có sinh kế, cuộc sống ổn định từ chính sách nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu. Ảnh: VGP/Minh Khôi.
Dự thảo bổ sung các khái niệm như “cây dược liệu” và “thu hoạch cây dược liệu”; quy định cụ thể về phương thức canh tác, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án nuôi, trồng, thu hoạch. Đặc biệt, điểm mới đáng chú ý là đề xuất cơ chế cho thuê môi trường rừng để người dân và doanh nghiệp phát triển dược liệu, gắn với bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng một cách bền vững.
Kết nối chính sách, thúc đẩy liên kết
Lãnh đạo các địa phương tham dự cuộc họp đồng thuận cao với chủ trương ban hành Nghị định mới, coi đây là bước tiến quan trọng nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế từ rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải kiến nghị cần miễn tiền thuê môi trường rừng đối với khu vực khó khăn, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất mở rộng phạm vi được phép nuôi, trồng dược liệu sang cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vườn quốc gia, khu bảo tồn…, với điều kiện quản lý phù hợp. Các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị cũng cần được xác lập rõ trong Nghị định.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, Nghị định phải xây dựng các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật liên quan đến trồng dược liệu, đồng thời tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở chế biến, nghiên cứu, logistics... tại các vùng nguyên liệu trọng điểm.
Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sinh kế bền vững
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Giữ dân thì mới giữ được rừng. Phải làm sao để người dân sống được bằng rừng, sống tốt bằng rừng”. Do đó, Dự thảo Nghị định phải làm rõ mục tiêu tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển dược liệu gắn với quản lý rừng bền vững, hài hòa lợi ích sinh kế - kinh tế - môi trường.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Minh Khôi.
Theo đó, cần phân loại rõ khu vực rừng để có cơ chế chính sách phù hợp. Với vùng lõi rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, cần kiểm soát nghiêm hoạt động khai thác, thậm chí quy định hạn ngạch thu hoạch đối với cây dược liệu tự nhiên. Với vùng đệm, có thể mở rộng không gian trồng dược liệu nhưng phải có phương thức canh tác phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thiết kế hệ thống ưu đãi toàn diện cho các tổ chức, doanh nghiệp liên kết với người dân phát triển vùng dược liệu quy mô lớn: từ tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ đến hỗ trợ nhà xưởng, chế biến, chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu.
Dự thảo Nghị định cần xây dựng trình tự thủ tục rõ ràng, giao quyền và phân cấp mạnh cho địa phương, giảm tối đa các thủ tục phát sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu số, bản đồ vùng dược liệu, sàn thương mại điện tử... cũng được đặt ra như những yêu cầu cấp thiết trong quản lý và thúc đẩy phát triển dược liệu dưới tán rừng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất chính sách bảo hiểm cây dược liệu, sử dụng các quỹ phát triển rừng để hỗ trợ người dân; tích hợp chính sách này với các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình phát triển Sâm Việt Nam và Chiến lược phát triển rừng đa dụng đến năm 2050.
Với định hướng rõ ràng, cơ chế sát thực tiễn và giải pháp đồng bộ, việc phát triển dược liệu dưới tán rừng không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn là giải pháp căn cơ cho mục tiêu “giữ rừng từ gốc” - chính là giữ dân và nuôi sống người dân bằng chính tài nguyên rừng.