| Hotline: 0983.970.780

Nghị định thi hành Luật Địa chất và khoáng sản

Cắt giảm thủ tục, phân cấp mạnh cho địa phương

Thứ Hai 12/05/2025 , 18:34 (GMT+7)

Dự thảo Nghị định thi hành Luật Địa chất và khoáng sản hướng đến phân cấp mạnh mẽ, cải cách thủ tục, rõ trách nhiệm và minh bạch trong quản lý khoáng sản.

Ngày 12/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến kết hợp trực tiếp với 25 tỉnh, thành phố nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Địa chất và khoáng sản. Cuộc họp tập trung thảo luận các nội dung lớn liên quan đến phân cấp, cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo thống nhất trong triển khai luật.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến kết hợp trực tiếp với 25 tỉnh, thành phố nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: Minh Khôi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến kết hợp trực tiếp với 25 tỉnh, thành phố nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: Minh Khôi.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu làm rõ những quy định còn chưa thống nhất trong Dự thảo Nghị định, nhất là các cơ chế, chính sách có thể gây cách hiểu khác nhau khi thực hiện. Những nội dung còn ý kiến trái chiều về phân cấp, phân quyền cần được bàn thảo kỹ lưỡng trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. “Mục tiêu là tìm ra phương án tốt nhất, theo nguyên tắc một việc không giao cho hai người”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cắt giảm thủ tục, phân cấp mạnh cho địa phương

Dự thảo Nghị định gồm 11 chương, 155 điều, quy định chi tiết 66 nội dung được giao trong Luật, đồng thời bổ sung 6 biện pháp thi hành. Một trong những điểm nhấn là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, nhiều thủ tục sẽ được rút gọn thành phần hồ sơ, đa dạng hóa hình thức nộp, rút ngắn thời gian xử lý, giảm phí, lệ phí và đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu. Ảnh: Minh Khôi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu. Ảnh: Minh Khôi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, việc phân loại khoáng sản thành 4 nhóm đã giúp cơ quan soạn thảo xây dựng tiếp cận mới từ quy hoạch đến cấp phép, thăm dò, khai thác, thu hồi và đóng cửa mỏ. Đáng chú ý, UBND cấp tỉnh được phân cấp tối đa trong quản lý khoáng sản nhóm III và IV, vốn là những khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, có vai trò phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Đối với trường hợp phát hiện khoáng sản đi kèm thuộc nhóm I, II (trừ khoáng sản dự trữ quốc gia), địa phương cũng được trao quyền cấp hoặc điều chỉnh giấy phép khai thác.

“Tinh thần là phân cấp hơn nữa, thông thoáng hơn nữa, thuận lợi hơn nữa cho địa phương”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Gỡ vướng các quy định đặc thù

Cuộc họp ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành và địa phương về các quy định cụ thể như tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác nước khoáng thiên nhiên chỉ dùng cho du lịch, trị liệu; khoáng sản nhóm III phục vụ dự án đầu tư công trọng điểm; hay thăm dò mở rộng đối với tổ chức đang khai thác hợp pháp.

Các địa phương như Quảng Ninh, Lào Cai, An Giang, Kiên Giang, Đắk Nông đều bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận phân cấp mạnh hơn. Tuy nhiên, cũng đề nghị làm rõ thêm các quy định liên quan đến khoáng sản đi kèm, nhất là trường hợp có giá trị cao hơn khoáng sản chính; xác định rõ trách nhiệm các cấp quản lý; cơ chế đóng cửa mỏ linh hoạt tùy loại khoáng sản và điều kiện thực tế.

Cơ quan soạn thảo kiến nghị Chính phủ giao các bộ chuyên ngành như Công Thương, Xây dựng ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực khai thác, chế biến – những nội dung có thể cần điều chỉnh theo thời gian.

Rõ ràng, nhất quán, giảm thiểu giấy tờ

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Dự thảo Nghị định phải cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, bảo đảm không phát sinh thêm các văn bản hướng dẫn chồng chéo. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ các góp ý, rà soát lại toàn diện nội dung để bao quát các yêu cầu của Luật, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về địa chất, yếu tố nền tảng cho nhiều lĩnh vực từ quốc phòng, kinh tế đến an toàn khí hậu.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc áp dụng công nghệ, số hóa để cải cách thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. “Nếu phân cấp, phân quyền mà thủ tục cứ giấy tờ, đi lại nhiều lần thì rất gay go. Phải thực hiện một cửa, một đầu mối, một hồ sơ”, ông nói.

Theo định hướng mới, Trung ương sẽ quản lý chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra và đầu tư khảo sát khoáng sản chiến lược, thiết yếu. Địa phương được phân quyền sâu hơn với nhóm III, IV, và có thể tham gia khảo sát bổ sung với nhóm I, II chưa được đưa vào quy hoạch quốc gia.

Dự thảo cũng sẽ làm rõ cơ chế cấp phép với khoáng sản đi kèm, khuyến khích đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, minh bạch, tránh thất thoát tài nguyên. Bên cạnh đó là nhiều quy định quan trọng như tiêu chí khu vực không đấu giá, điều kiện chế biến trước khi xuất khẩu, bảo đảm an toàn môi trường tại mỏ và quy trình đóng cửa mỏ phù hợp thực tế.

“Không để tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu, mỗi cơ quan làm một nẻo. Luật ra đời là để thi hành hiệu quả, minh bạch và nhất quán từ trên xuống dưới”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Xem thêm
Việt - Trung mở rộng cửa khẩu, tăng tốc xuất khẩu nông sản tiềm năng

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kỳ vọng Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường, đẩy nhanh tiến độ thông quan tại các cửa khẩu.