Giữa rừng núi Sẹc Lống Mìn, xã Quảng Tân, tỉnh Quảng Ninh, nơi tưởng như chỉ có cây keo và quế, một mô hình nuôi cá tầm đã được gây dựng trên diện tích gần 2 ha. Chủ nhân của mô hình không phải là kỹ sư thủy sản mà là anh Vũ Đình Hảo (sinh năm 1992) đến từ phường Quảng Yên, cách đó gần 150 km.
Con đường của Hảo đến với Quảng Tân là hành trình của sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Sau nhiều lần thăm dò các vùng đất miền đông của Quảng Ninh, anh dừng chân nơi đây không chỉ vì khí hậu mát lạnh mà còn bởi dòng nước chảy ra từ rừng già - thứ tài nguyên vô giá mà không phải nơi nào cũng có. Nhận thấy tiềm năng, anh Hảo bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm, bắt đầu chỉ với 5 bể chìm.

Anh Vũ Đình Hảo (bìa trái) giới thiệu về mô hình nuôi cá tầm trong bể nổi. Ảnh: Nguyễn Thành.
Trong vòng chưa đầy hai năm, anh Hảo không chỉ nắm chắc kỹ thuật nuôi mà còn mạnh dạn chuyển sang hình thức nuôi bằng bể nổi, tận dụng triệt để ưu thế của công nghệ mới. Việc thay thế bể chìm bằng bể nổi không đơn giản là thay vật liệu mà là thay đổi tư duy sản xuất, từ cố định sang linh hoạt, từ thủ công sang hiện đại, từ loay hoay trong chi phí sang tối ưu đầu tư.
“Bể nổi có thể tháo dỡ, di chuyển dễ dàng. Khi cần mở rộng hoặc thay đổi vị trí nuôi chỉ mất vài thao tác kỹ thuật, trong khi bể chìm thì đành chịu vì đã xây cố định”, anh Hảo chia sẻ.
Với 86 bể nổi, trong đó 80 bể ươm cá giống cung cấp cho thị trường và 6 bể nuôi cá thương phẩm, anh Hảo đã làm chủ cả chuỗi sản xuất.
Không giữ thành quả cho riêng mình, anh Hảo còn kết nối với những người cùng chí hướng để thành lập HTX Cá tầm bản Sẹc Lống Mìn. 7 thành viên HTX là hạt nhân cho phong trào chuyển đổi sinh kế trong vùng. Với kế hoạch đưa ra thị trường 20 - 30 tấn cá thương phẩm mỗi năm và hàng triệu con giống, HTX dần khẳng định vị thế của mình trong bản đồ nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Ninh.
Không phải ai cũng tin tưởng vào cá tầm ở vùng núi ngay từ đầu. Nhưng khi thấy những lứa cá lớn đều, sinh trưởng tốt, sản lượng ổn định và chi phí giảm nhờ ứng dụng công nghệ bể nổi, niềm tin bắt đầu lan rộng. Chính quyền xã cũng không đứng ngoài cuộc.

HTX Cá tầm bản Sẹc Lống Mìn đã cung cấp 10 vạn cá tầm giống ra thị trường trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Nguyễn Thành.
Theo Phòng Kinh tế xã Quảng Tân, đây là mô hình tiên phong trong việc khai thác nguồn nước lạnh hiệu quả, giúp đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, thay thế dần thế độc canh cây keo và quế vốn đã bộc lộ nhiều giới hạn.
Giá trị của công nghệ trong nông nghiệp không phải là những thiết bị xa xỉ mà nằm ở khả năng thích nghi, nhất là tại các vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như Quảng Tân. Công nghệ bể nổi không chỉ giúp anh Hảo quản lý tốt môi trường nước, giảm rủi ro dịch bệnh mà còn dễ dàng thay đổi quy mô khi cần thiết. Đây chính là chìa khóa giúp nghề nuôi cá tầm nơi rừng sâu không bị bó hẹp trong tiềm năng mà từng bước vươn tới thị trường lớn.
Từ đầu năm đến nay, HTX Cá tầm bản Sẹc Lống Mìn đã cung cấp 10 vạn cá giống cho Sapa - nơi có truyền thống nuôi cá tầm lâu đời. Sự công nhận từ thị trường vốn được xem là cái nôi của nghề nuôi cá tầm nước lạnh chính là minh chứng rõ nhất cho chất lượng sản phẩm mà mô hình tại xã Quảng Tân tạo ra.