| Hotline: 0983.970.780

Biến vùng đất sâu, trũng thành 'vựa' cá Koi tiền tỷ

Thứ Bảy 05/07/2025 , 16:49 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Từ bỏ lối canh tác truyền thống, anh Vũ Văn Quân táo bạo chuyển đổi sang nuôi cá Koi Nhật Bản kết hợp kinh tế tuần hoàn, tạo ra giá trị bất ngờ.

Chuyển mình từ tư duy “bỏ lúa, nuôi cá”

Men theo con đường bê tông nhỏ dẫn sâu vào thôn Kỳ Sơn, xã Kiến Hưng, TP Hải Phòng, trước mắt chúng tôi là một trang trại rộng lớn, được quy hoạch bài bản với những rặng dừa thẳng tắp soi bóng xuống hàng chục mặt hồ tĩnh lặng.

Tại đây, giữa vùng đất từng được biết đến là chân ruộng trũng cấy lúa “một vụ ăn, một vụ thua”, anh Vũ Văn Quân, một nông dân thế hệ 8X, đã viết nên câu chuyện khởi nghiệp đầy ấn tượng, biến sình lầy thành “mỏ vàng” từ những chú cá Koi rực rỡ sắc màu.

Anh Vũ Văn Quân, một nông dân thế hệ 8X, đã viết nên câu chuyện khởi nghiệp đầy ấn tượng từ trang trại cá Koi. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Vũ Văn Quân, một nông dân thế hệ 8X, đã viết nên câu chuyện khởi nghiệp đầy ấn tượng từ trang trại cá Koi. Ảnh: Đinh Mười.

Đi cùng chúng tôi là ông Đoàn Quang Đức, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào cũ (nay đã sáp nhập thành xã Kiến Hưng). Dù đã nghỉ hưu, nhưng trong ánh mắt của người cán bộ lão thành vẫn ánh lên sự tự hào khi kể về sự đổi thay của quê hương, một quá trình mà ông là người trong cuộc, trực tiếp tham gia và chứng kiến.

Đứng bên hồ cá của anh Quân, ông Đức chậm rãi kể lại câu chuyện của hơn một thập kỷ trước: “Khu vực này, trước kia nhân dân thường cấy lúa. Nhưng đây là vùng đất sâu trũng, việc canh tác vô cùng bấp bênh, năng suất thấp, không đem lại hiệu quả kinh tế. Thấy được điều đó, từ những năm 2010-2011, một số hộ dân thuộc thôn Kỳ Sơn, trong đó tiên phong có hộ anh Vũ Văn Quân, đã có đơn đề nghị chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi mô hình”.

Theo lời ông Đức, quyết định này không hề dễ dàng, nó là kết quả của nhiều đêm trăn trở, nhiều cuộc họp thôn bàn tính của bà con nông dân, những người đã quá mệt mỏi với việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà thu nhập vẫn chẳng đủ trang trải chi phí phân bón, giống má. Lá đơn xin chuyển đổi khi đó mang theo cả niềm hy vọng lẫn sự rủi ro của hơn 50 hộ dân trên tổng diện tích 14ha của khu đồng sâu trũng này.

Nhiều hộ dân tại khu vực thôn Kỳ Sơn vẫn nuôi cá theo phương pháp truyền thống và có thu nhập chưa cao như kỳ vọng. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều hộ dân tại khu vực thôn Kỳ Sơn vẫn nuôi cá theo phương pháp truyền thống và có thu nhập chưa cao như kỳ vọng. Ảnh: Đinh Mười.

Ban đầu, hầu hết các hộ bắt đầu với các loại cá thương phẩm truyền thống như trắm, chép, rô phi... Tuy nhiên, anh Vũ Văn Quân, với niềm đam mê cá cảnh từ nhỏ và sự nhạy bén đặc biệt với thị trường, đã sớm nhìn ra một hướng đi khác biệt và tiềm năng hơn. Anh nhận thấy thú chơi cá Koi Nhật Bản đang ngày càng phát triển tại Việt Nam nhưng nguồn cung cá chất lượng cao còn hạn chế.

Bí quyết “Giống tốt, thức ăn sạch và tư duy 4.0”

Hiện nay, trang trại của anh Quân có quy mô hơn 5ha, một cơ ngơi đáng nể được xây dựng từ mồ hôi và trí tuệ hàng chục năm trời. Điểm nhấn và linh hồn của trang trại chính là những đàn cá Koi bố mẹ thuộc các dòng quý như Kohaku, Sanke, Showa... được anh Quân dày công tuyển chọn và nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản.

Đây là khoản đầu tư tốn kém nhưng lại là căn cơ vững chắc nhất cho chất lượng sản phẩm sau này. Từ nguồn giống thuần chủng ưu việt, anh Quân đã tự nhân giống thành công, chủ động cung cấp cả cá giống và cá trưởng thành cho người chơi trên cả nước.

“Theo kinh nghiệm của tôi, khi bán hàng quan trọng nhất là chia sẻ kiến thức. Người chơi thấy mình có kiến thức, có tâm, họ sẽ tin tưởng và tìm đến. Đó chính là đầu ra bền vững nhất cho sản phẩm của mình”, anh Vũ Văn Quân đúc kết.

Quy trình này được gọi là “tuyển cá”, những con cá con sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt về màu sắc (sắc độ, sự phân bố mảng màu), hình dáng (body cân đối, dáng bơi uyển chuyển) và tiềm năng phát triển. Những con không đạt chuẩn sẽ bị loại bỏ, chỉ những cá thể ưu tú nhất mới được giữ lại nuôi dưỡng, đảm bảo sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng luôn là những con cá đẹp nhất, giá trị nhất.

Yếu tố quyết định thành công của mô hình nằm ở quy trình tuyển chọn cực kỳ khắt khe, một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và con mắt tinh tường. Một năm chúng tôi có thể cho sinh sản ra cả trăm vạn con cá bột. Tuy nhiên, qua quá trình sàng lọc, chỉ giữ lại khoảng 1-2 vạn con đạt tiêu chuẩn để nuôi tiếp. Càng lớn, quá trình chọn lọc càng kỹ hơn, đến khi cá đạt trọng lượng 5-7 kg thì có khi chỉ còn lại vài nghìn con xuất sắc nhất”, anh Quân chia sẻ.

Nguồn thức ăn cho cá Koi được anh Quân chủ động từ việc nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: Đinh Mười.

Nguồn thức ăn cho cá Koi được anh Quân chủ động từ việc nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh con giống tốt, một bí quyết khác để thành công của anh Quân là tự chủ nguồn thức ăn tươi, sạch và giàu dinh dưỡng là ấu trùng ruồi lính đen (sâu canxi). Nhận thấy thức ăn công nghiệp vừa tốn kém, vừa khó kiểm soát chất lượng và có thể ảnh hưởng đến môi trường nước, anh đã dành ra 4-5 năm nghiên cứu và phát triển mô hình nuôi sâu canxi ngay tại trang trại. Đến nay, anh có thể sản xuất 3-5 tạ sâu canxi mỗi ngày. Nguồn thức ăn giàu đạm và canxi này không chỉ giúp cá tăng màu sắc, phát triển khung xương tốt mà còn giúp anh giảm đáng kể chi phí đầu vào.

Tuy nhiên, yếu tố làm nên sự khác biệt thực sự của nông dân 8X này chính là tư duy kinh doanh hiện đại. Thay vì ngồi chờ thương lái đến mua với giá bị động, anh chủ động xây dựng thương hiệu cá nhân và tiếp cận khách hàng trực tiếp qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok. Anh không chỉ đăng ảnh bán cá mà còn đầu tư làm những video chất lượng, livestream chia sẻ kiến thức.

Lan tỏa giá trị, làm giàu cho quê hương

Bên cạnh cá Koi, trang trại của anh còn là một mô hình kinh tế tổng hợp đa dạng, xung quanh các ao cá, anh trồng hàng trăm cây dừa xiêm vừa tạo bóng mát, vừa cho thu hoạch. Khu nuôi gà chọi, chó cảnh và vườn lan, vườn mai cũng góp phần tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể, thể hiện tư duy làm nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng tối đa tài nguyên đất đai.

Ngoài nuôi cá, anh Vũ Văn Quân còn kết hợp nuôi gà chọi, trồng dừa,... và kết hợp nhiều cây, con khác, tạo thành một khu trang trại kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Đinh Mười.

Ngoài nuôi cá, anh Vũ Văn Quân còn kết hợp nuôi gà chọi, trồng dừa,... và kết hợp nhiều cây, con khác, tạo thành một khu trang trại kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Đinh Mười.

Sự phát triển của trang trại luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Ông Đức kể lại, những lúc khó khăn như đợt bão số 3 (Yagi) năm 2024 gây ảnh hưởng nặng, lãnh đạo xã, huyện đã trực tiếp về thăm, khảo sát và hỗ trợ anh Quân thuốc tiêu độc khử khuẩn, giúp khắc phục hậu quả. Đồng thời, địa phương cũng đầu tư khơi thông các tuyến kênh mương nội đồng, đảm bảo nguồn nước sạch, không ô nhiễm cho toàn bộ khu vực nuôi trồng, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Với những thành tích xuất sắc, anh Vũ Văn Quân đã nhiều lần được các cấp từ thành phố đến Trung ương Đoàn khen thưởng. Năm 2021, anh vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, một sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Câu chuyện của anh Vũ Văn Quân là minh chứng sống động cho thấy, nông nghiệp Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đồng thời giúp khẳng định thêm việc thành công sẽ đến với những ai dám nghĩ, dám làm, biết kết hợp giữa đam mê, tri thức khoa học, công nghệ và tư duy thị trường. Từ vùng đất trũng, mô hình nuôi cá Koi của anh Quân đang tiếp tục lan tỏa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về con đường làm giàu bền vững ngay trên chính mảnh đất quê hương và ngay từ những vùng đất kém màu mỡ nhất.

"Thành công của anh Vũ Văn Quân không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình mà còn tạo ra sức lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Đây là một điển hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Anh không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7-10 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 7-10 triệu đồng mỗi tháng”, ông Đoàn Quang Đức chia sẻ thêm.

Xem thêm
Người chăn gà du mục và ước mơ thay đổi hình ảnh nông dân Việt

Sáng đó sương dâng ngập trời Tân Sơn, tôi lên núi chăn gà du mục để nghe Đức kể về ước mơ thay đổi hình ảnh 'cổ cày, vai bừa' của nông dân Việt.

Cải tiến an toàn sinh học trước các rủi ro mới

Cải tiến an toàn sinh học và truy xuất nguồn gốc, Dự án hướng đến ngành chăn nuôi lợn an toàn, minh bạch và phát triển bền vững trước các rủi ro sinh học mới.

HTX vùng sâu Sơn La trồng xoài VietGAP xuất khẩu

Nhờ áp dụng kỹ thuật cho cây xoài 'leo đồi', sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều nhà nông ở vùng sâu Sơn La đã đổi đời

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Hải Phòng tìm cách phát huy các 'mỏ vàng' nông nghiệp

Sở hữu tiềm năng lớn từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đến con người, nhưng phát triển sản xuất nông nghiệp Hải Phòng được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng.

Lan tỏa chuyển đổi số đến hợp tác xã lúa gạo ĐBSCL

CẦN THƠ Khóa đào tạo giảng viên nguồn về phần mềm quản lý sản xuất, kế toán và bán hàng cho HTX lúa ĐBSCL góp phần chuyển đổi số và phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Vườn Quốc gia Vũ Quang - tương lai du lịch xanh

HÀ TĨNH Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Vũ Quang, giai đoạn 2025 - 2030.

Bình luận mới nhất