Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Từ hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi, đến tham gia xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng. Hàng loạt mô hình cây ăn quả an toàn, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, sản xuất rau màu… đã dần được hình thành và nhân rộng.
Đáng chú ý, nhiều mô hình phát triển theo hướng liên kết sản xuất - tiêu thụ với các HTX đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ tăng giá trị sản phẩm mà còn góp phần định hình vùng chuyên canh bền vững. Tiêu biểu là mô hình sản xuất và tiêu thụ nhãn của HTX Nông sản sạch Minh Bảo ở xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu cũ - nay là xã Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, một điển hình cho sự đổi thay tư duy canh tác theo hướng an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Diện tích nhãn của HTX Nông sản sạch Minh Bảo ở xã Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Tú Thành.
HTX Nông sản sạch Minh Bảo (HTX Minh Bảo) được thành lập năm 2016 với 20 thành viên. Trang trại của HTX hiện có diện tích hơn 6 mẫu Bắc Bộ, chuyên canh nhãn theo hướng cải tạo giống, áp dụng đồng bộ quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng quả, hạ giá thành sản xuất và bảo vệ tài nguyên đất, nước. Đây được xem là hướng đi đúng đắn, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, bền vững.
Người tái sinh những gốc nhãn già
Đầu những năm 2000, ở vùng quê Bình Kiều, cây nhãn là niềm tự hào cũng trở thành nỗi trăn trở. Trồng nhiều, chăm mãi mà năng suất chẳng đạt, giá bán bấp bênh. Nhiều gia đình tiếc nuối đốn bỏ cả vườn nhãn để chuyển sang cây trồng khác. Nguyên nhân, theo anh Phạm Đức Long, Giám đốc HTX Minh Bảo không nằm ở giống cây, mà ở chỗ người nông dân thiếu kỹ thuật, chưa nắm vững quy trình canh tác.
Giữa lúc người người từ bỏ, anh Long lại đi ngược dòng, thu mua những gốc nhãn to, sau đó tiến hành ghép cải tạo giống, từ giống T1, T2 với nhãn ta truyền thống... Bằng sự cần mẫn, anh đã chứng minh được, nếu chăm đúng cách, nhãn vẫn là “vàng” của đất Hưng Yên.

Anh Phạm Đức Long, Giám đốc HTX Nông sản sạch Minh Bảo đang kiểm tra vườn nhãn canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: An Khang.
Từ năm 2002, anh bắt đầu đầu tư mạnh cho cây giống. Tới năm 2016, anh chính thức thành lập HTX Minh Bảo, quy tụ những người có kinh nghiệm và tâm huyết với cây nhãn. Cột mốc năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lớn khi giống nhãn Hương Chi do HTX phát triển cho năng suất cao, quả đẹp dần được đưa vào Tây Nguyên. Anh Long và cộng sự trực tiếp đi từng vùng đất, thuyết phục nông dân, hướng dẫn kỹ thuật. Kết quả sau vài năm, có năm HTX cung cấp tới hơn 10 vạn cây giống vào thị trường Tây Nguyên.
Tuy nhiên, khó khăn cũng không kể hết. Đặc biệt, năm 2024, một năm giông bão theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã thực sự thử thách sức bền của vùng đất Khoái Châu. Những đợt mưa lớn bất thường, bão lũ lụt dồn dập đã tràn về sau vụ nhãn vừa thu hoạch xong, để lại những tàn tích nặng nề. Dù diện tích nhãn của HTX thoát được phần nào nhờ thu sớm, nhưng không ai kịp trở tay với gần một mẫu Bắc Bộ trồng táo, có những cây trĩu trịt cả tạ quả, tan hoang trong chớp mắt, thiệt hại khi ấy không thể đếm nổi.
Chính thời khắc đó, HTX Minh Bảo càng kiên định hơn với con đường đã chọn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bền vững và an toàn. Từ đó, một làn sóng chuyển đổi đã lan rộng khắp xã Khoái Châu bây giờ. Ngày càng nhiều hộ gia đình tin tưởng và làm theo hướng dẫn của HTX, dần dà hình thành nên một vùng nhãn hữu cơ xanh mướt, vững chãi trước biến đổi khí hậu và những rủi ro sản xuất truyền thống.

Với tư duy làm nông nghiệp bài bản, bền vững, anh Phạm Đức Long là người tiên phong tái sinh những gốc nhãn già, từng bước đưa đặc sản nhãn lồng Hưng Yên vươn xa. Ảnh: An Khang.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định rõ triết lý sản xuất, an toàn, bài bản và có kiểm soát. Các quy trình từ bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đến cắt tỉa, tạo tán đều tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, dựa trên nguyên tắc “4 đúng”. Không dừng lại ở đó, mô hình hữu cơ cũng dần hình thành, phân bón hóa học được thay thế bằng phân chuồng ủ hoai mục, kết hợp chế phẩm vi sinh. Một số hộ còn sáng tạo sử dụng ngô, cá, đỗ tương ủ suốt 6 tháng để tạo ra phân sinh học chất lượng cao.
Thay vì dùng thuốc hóa học, người trồng nhãn tận dụng các bài thuốc dân gian, dùng gừng, tỏi, ớt giã nhỏ để làm dung dịch xịt chống côn trùng giúp bảo vệ cây trồng hiệu quả, giữ được chất lượng quả sạch, không tồn dư, đáp ứng yêu cầu của siêu thị, nhà hàng và thị trường tiêu dùng cao cấp.
Mỗi vụ một hành trình
Giữa vườn nhãn vào vụ, anh Long vẫn đều đặn đi từng luống cây trong vườn, cắt tỉa cành, chọn trái. Mỗi cành chỉ giữ lại 30 - 40 quả. “Không quá nhiều, không quá ít. Quả phải đủ chỗ để lớn, đủ nắng để ngọt, đủ không gian để đẹp. Đó là cách mình giữ uy tín cho nhãn Hưng Yên”, anh cho hay.
Chị Nguyễn Thị Quế, thành viên HTX chia sẻ: “Làm nhãn hữu cơ vất hơn, nhưng bù lại không bị hít hóa chất, môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn.”.

Chị Nguyễn Thị Quế, thành viên HTX Nông sản sạch Minh Bảo. Ảnh: An Khang.
Thời kỳ đậu quả non được xem là giai đoạn quan trọng nhất. Các chủ vườn đều được HTX hướng dẫn bổ sung dinh dưỡng đúng lúc, tăng cường phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học, kết hợp sử dụng phân hữu cơ. Nhờ vậy, tỷ lệ đậu quả đạt cao, sản lượng ổn định, chất lượng đảm bảo.
“Theo tình hình hiện nay, tỉ lệ đạt vụ mùa có thể lên tới trên 90%. Quả đồng đều hơn mọi năm. Kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán cũng được bà con nắm rất vững rồi, nên sản phẩm chắc chắn sẽ đạt chất lượng thương phẩm cao nhất”, anh Long tự tin khẳng định.
Đến nay, HTX Minh Bảo đã phát triển hơn 55ha nhãn theo hướng hữu cơ. Với cá nhân anh Long, có năm, tổng thu nhập lên tới hơn 1 tỷ đồng, con số cho thấy rằng làm nông nếu đi đúng hướng, vẫn có thể làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Nhưng điều khiến anh Long và các thành viên tâm đắc hơn cả là việc họ đang góp phần bảo tồn giống nhãn lồng, thứ “quả tiến vua” đã gắn bó với Hưng Yên suốt bao đời. Bằng kinh nghiệm, bằng kỹ thuật, bằng lòng kiên định với nông nghiệp sạch, họ đang đưa cây nhãn bước sang một chương mới, không chỉ sống, mà sống bền vững, chất lượng và đầy triển vọng.

Anh Phạm Đức Long, Giám đốc HTX Minh Bảo đang cắt tỉa cành, cắt bỏ những chùm quả quá to hoặc quá nhỏ. Ảnh: An Khang.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có trên 4.800 ha nhãn, chủ yếu tập trung tại các vùng trồng truyền thống như Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi...
Nhờ vào tư duy mới trong canh tác, vận dụng linh hoạt những cách làm hay, các HTX trồng nhãn tại Hưng Yên đang từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm. Nhãn không chỉ to đều, mẫu mã đẹp hơn, mà còn sạch hơn, an toàn hơn, một thương hiệu nông sản đang vững vàng chinh phục thị trường bằng chính chất lượng sau mỗi mùa vụ.
Để tạo đà cho sự phát triển bền vững của kinh tế trang trại, gia trại, thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX và nông dân bằng những chính sách thiết thực, từ hỗ trợ cơ chế sản xuất, chuyển giao kỹ thuật mới, đến đẩy mạnh quảng bá sản phẩm tại siêu thị, trung tâm thương mại, hội chợ và cả các sàn thương mại điện tử, từng bước thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp thông minh, sạch và vững bền.