| Hotline: 0983.970.780

Xanh lại những rừng lim xanh

Thứ Tư 07/05/2025 , 07:22 (GMT+7)

THANH HÓA Dự án JICA2 đã trồng 591ha cây lim xanh, góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phục hồi loài cây bản địa

Cây lim xanh từng phân bố tập trung ở các huyện Như Thanh, Như Xuân, Cẩm Thủy của tỉnh Thanh Hóa và nổi tiếng vì chất lượng gỗ tốt. Qua thời gian, nguồn gen quý hiếm trong tự nhiên dần suy giảm. Năm 2014, dự án JICA2 thực hiện tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Như Thanh đã trồng và phục hồi giống lim xanh bản địa.

Mục tiêu của dự án là xây dựng và phát triển rừng phòng hộ ổn định, bền vững trên cơ sở nâng cao độ che phủ của rừng; tăng khả năng bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế xói mòn đất, nước; giảm thiệt hại do thiên tai, tạo nguồn sinh thủy phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân trong vùng dự án.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với khoa học kĩ thuật trong sản xuất nông lâm nghiệp, nâng cao trình độ dân trí.

Dẫn chúng tôi thăm rừng lim, anh Lê Văn Phương, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Thanh Vinh (Ban QLRPH Như Thanh) chia sẻ: Thời điểm hơn 10 năm trước, khu vực trồng lim xanh hiện tại chủ yếu là keo và bạch đàn, mùa mưa bão rất dễ gãy đổ, không phát huy được chức năng phòng hộ của rừng.

Năm 2014, dự án trồng rừng JICA2 đã chọn cây lim xanh là cây bản địa để trồng phục hồi. Lim xanh là cây gỗ lớn trồng với mục đích phòng hộ lâu dài. Cây keo là cây đa tác dụng vừa phòng hộ, vừa là cây kinh tế. Trải qua 10 năm, cây lim xanh sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ sống lên tới 90%.

“4 năm đầu tiên, việc chăm sóc vất vả hơn, mỗi năm phải bón phân định kỳ 1 lần, thường xuyên phát thực bì, trồng bổ sung các cây bị chết. Tới thời điểm hiện tại, khi cây lim đã lớn, chủ yếu khoanh nuôi và bảo vệ, mỗi năm chỉ cần phát thực bì, tỉa cành 1 lần”, anh Phương cho biết.

Dự án JICA2 đã phục hồi và trồng được hơn 591ha cây Lim xanh bản địa của Thanh Hóa. Ảnh: Thanh Tâm

Dự án JICA2 đã phục hồi và trồng được hơn 591ha cây Lim xanh bản địa của Thanh Hóa. Ảnh: Thanh Tâm

Đi sâu vào trong khu rừng của xã Thanh Tân, dân cư dần thưa thớt, những cánh rừng lim phủ kín các quả đồi. Anh Phương kể rằng khi dự án triển khai, xã Thanh Tân còn nghèo lắm. Nhưng khi BQLRPH Như Thanh tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc phục hồi giống lim xanh bản địa, đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. 144 hộ dân tự nguyện nhận trồng và chăm sóc, vì với họ, cây lim xanh đã gắn bó từ đời cha ông, tới tuổi thơ của mỗi người. 

Ngày triển khai dự án, thôn Thanh Vinh (xã Thanh Tân) nhộn nhịp như công trường lâm nghiệp, người phát quang cây dây leo, bụi rậm, người đào hố, bỏ phân, người trồng. Những gia đình nhận khoán huy động cả nhà tham gia. Chính bằng sức người, những rừng lim dần được hình thành, ngày một xanh tốt và phủ xanh những quả đồi trơ trọi trước đây.

“Lợi ích kép” từ dự án

Theo thiết kế của dự án, sẽ trồng với mật độ 800 cây keo và 800 cây lim xanh/ha. Việc trồng xen canh cây keo giúp các hộ dân nhận giao khoán chăm sóc và bảo vệ có thêm nguồn lợi từ rừng, tạo sinh kế cho người dân, gắn quyền lợi và trách nhiệm để các hộ chăm sóc cây lim xanh tốt hơn.

Lứa keo đầu tiên trồng xen canh vào rừng lim đã cho thu hoạch, nhiều hộ gia đình đã có được nguồn thu lớn, bù lại công sức chăm sóc, bảo vệ rừng. Đơn cử như hộ gia đình anh Đỗ Văn Hường ở thôn Khe Cát, xã Thanh Tân.

Gia đình anh Hường nhận trồng và chăm sóc 30ha rừng. Được BQLRPH Như Thanh hướng dẫn kĩ thuật trồng, anh Hường trồng với tỉ lệ 800 cây lim xanh và 800 cây keo/ha. Năm 2023, gia đình anh đã thu hoạch lứa keo đầu tiên, trừ chi phí thu về lợi nhuận 50 triệu đồng/ha.

Gia đình anh Đỗ Văn Hường nhận trồng và chăm sóc 30ha cây lim xanh. Ảnh: Thanh Tâm.

Gia đình anh Đỗ Văn Hường nhận trồng và chăm sóc 30ha cây lim xanh. Ảnh: Thanh Tâm.

Anh Hường kể: Từ năm lên 10 tuổi, anh đã theo bố mẹ lên vùng đất Thanh Tân định cư, ngày ấy đường sá đi lại rất vất vả, trong ký ức của anh có những cây lim 3 - 4 người ôm mới xuể. Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn, nhiều hộ gia đình phát nương rẫy trồng ngô, sắn nên cây lim trong tự nhiên suy giảm, anh vẫn mong mỏi được phục hồi loài cây bản địa này. Khi BQLRPH Như Thanh phổ biến thực hiện dự án, không suy nghĩ nhiều, anh xung phong nhận trồng 30ha.

Để phát quang, đào hố và trồng được 30ha, gia đình anh Hường đã đổ rất nhiều mồ hôi. “Việc trồng cây keo xen canh với cây lim đã mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho gia đình tôi. Ngoài ra, hàng năm gia đình đều nhận được tiền chăm sóc, bảo vệ rừng của nhà nước chi trả. Việc trồng và chăm sóc cây lim xanh gia đình tôi chưa nghĩ tới lợi nhuận, chỉ đơn giản nghĩ rằng cây lớn lên, độ che phủ rừng tăng sẽ hạn chế được lũ lụt, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn mà chính gia đình tôi cũng đang sử dụng hàng ngày”, anh Hường nói.

30ha cây lim xanh do gia đình anh Hường nhận trồng và chăm sóc đều phát triển tốt vì được phát thực bì và tải cành thường xuyên. Ảnh: Thanh Tâm

30ha cây lim xanh do gia đình anh Hường nhận trồng và chăm sóc đều phát triển tốt vì được phát thực bì và tải cành thường xuyên. Ảnh: Thanh Tâm

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc BQLRPH Như Thanh cho biết: Dự án JICA2 được triển khai đã góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua 10 năm, cây lim xanh sinh trưởng, phát triển tốt, dự án đã phát huy được hiệu quả. Với việc thực hiện hợp đồng giao khoán đến từng hộ trồng rừng, gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ rừng phòng hộ, các hộ dân đã có trách nhiệm trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng lâu dài.

"Định hướng những năm tới, khi cây lim đã khép tán, không trồng xen được cây keo, Ban sẽ hướng dẫn người dân cách trồng nấm lim xanh dưới tán rừng để tạo sinh kế lâu dài, ổn định đời sống của 144 hộ nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng thuộc dự án JICA2", ông Dũng chia sẻ.

Trong các năm từ 2014 – 2015 và năm 2022, thực hiện dự án trồng rừng tập trung từ nguồn vốn dự án JICA2 và dự án trồng rừng thay thế từ nguồn vốn ủy thác, BQLRPH Như Thanh đã chỉ đạo các hộ nhận khoán trồng được 591,08ha rừng lim xanh.

Đến nay, cây lim xanh đang sinh trưởng, phát triển tốt, đã hình thành vùng lim xanh tập trung lớn trên địa bàn các xã Xuân Thái, Thanh Tân của huyện Như Thanh. Dự án đã phát huy được hiệu quả phòng hộ cao và ổn định, lâu dài trong khu vực, góp phần bảo tồn và phục hồi nguồn gen quý hiếm.

Xem thêm
Nuôi cầy hương nếu chủ quan rất dễ trắng tay

Việc chăm sóc cầy hương không khó, nhưng nếu người nuôi không có niềm say mê, kiến thức, thậm chí chỉ cần lơ là, chủ quan là rất dễ trắng tay.

Hơn 50.000 người dân Bắc Ninh tham gia tổng vệ sinh môi trường

BẮC NINH Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh triển khai thành công tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2025 trên địa bàn toàn tỉnh.

Hành trình từ đất dốc đến những mùa quả ngọt: [Bài 2] 'Cây đổi đời' của người Mai Sơn

SƠN LA Diện tích và sản lượng cây na trên đất Mai Sơn đã tăng gần gấp đôi sau 6 năm, từ hơn 400ha nay đã gần 800ha.

Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững

Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Sống chung với khô hạn: [Bài cuối] Liên thông hồ chứa, chuyển nước các lưu vực

Dù nguy cơ thiếu nước sản xuất luôn thường trực, song với kế hoạch tưới chi tiết từng mùa vụ cũng như điều tiết khoa học, Ninh Thuận vẫn đảm bảo nước tưới.

‘Cha đẻ’ của những giống cà phê chủ lực

Trải qua hơn 40 năm nghiên cứu, WASI đã chọn tạo ra nhiều giống cà phê chủ lực phục vụ trồng và tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài cuối] Chìa khóa để phát triển bền vững

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để nuôi biển phát triển bền vững trong bối cảnh ngành thủy sản nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ.