20 năm duyên nợ với con ốc
Quả thật, con ốc nuôi ở xã Hương Sơn (TP Hà Nội) - nơi có chùa Hương, có suối Yến - thân đầy và giòn, thơm ngon hơn hẳn ốc nơi khác. Chuyện khởi nghiệp với con ốc bươu đen của anh Nguyễn Văn Hạnh cũng chìm nổi như chính bản thân loài nhuyễn thể này.

Anh Nguyễn Văn Hạnh bên ao nuôi ốc giữa vườn cây ăn quả. Ảnh: Dương Đình Tường.
Năm 2005, anh thử nghiệm nuôi 2 ao ốc bươu đen trong trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với các ao thả cá của người bố truyền lại. Lúc đó, phần do chưa có kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen nên năng suất không cao, phần do con cá vẫn còn được giá nên chỉ được một vụ là anh bỏ. Đến năm 2018, khi con cá rẻ mạt, giá cám lên cao, bán được bao nhiêu cá chỉ nuôi nhà máy cám hết, anh quyết định trở lại với con ốc bươu đen và thả giống xuống 3 cái ao.
Rồi cứ thế, mỗi năm diện tích nuôi ốc mở rộng dần. Hiện anh có 13 ao nuôi ốc bươu đen nằm xen kẽ với vườn cây ăn quả. Việc nuôi ốc trong vườn cây ăn quả giúp cho mùa hè mát hơn, mùa đông ấm hơn, chỉ có chút nhược điểm là lá cây, cành cây rụng xuống dễ gây thối nước, mỗi năm phải cải tạo ao, phơi khô đáy một lần.
Ít mô hình nông nghiệp nào lại có phong thủy đẹp như mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Hạnh. Dưới ao là bèo xanh, là súng tím, trên bờ là bưởi, là nhãn, là ổi la đà trĩu trịt quả, xa xa là dãy Hương Sơn xanh thẳm, trập trùng từng được chúa Trịnh Sâm mệnh danh “kỳ sơn tú thủy”.
Khi làm nông nghiệp kiểu thuận thiên như vậy, điều anh tâm đắc nhất là không khí trong lành, tinh thần sảng khoái, nhờ đó mà sức khỏe của vợ chồng được cải thiện dần: “Trước đây, khi tôi lấy vợ, nhà rất nghèo. Vợ thì K tuyến giáp, tôi thì bệnh gan phải uống thuốc cả đời nên tư tưởng không thông, sức khỏe kém, người rất gầy. Tôi đã thử đủ thứ nghề, từ nuôi cá, nuôi gà, nuôi ngan, nuôi lươn, nuôi chạch nhưng đều không thành công cho đến khi thử nuôi ốc bươu đen. Giờ đây, tư tưởng của tôi rất thoải mái vì môi trường trong lành, thu nhập ổn định, sức khỏe được cải thiện. Nhà ở trong làng, chỉ cách trang trại 2km nhưng nhiều khi tôi còn không muốn về”.

Anh Nguyễn Văn Hạnh kiểm tra trứng ốc. Ảnh: Dương Đình Tường.
Vợ làm công nhân trong khu công nghiệp nên ở trang trại chỉ có ba người làm, gồm mẹ anh lo việc cây cối trên bờ, hai anh em lo việc con ốc bươu đen dưới nước. Chất lượng nước là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của việc nuôi ốc. Nếu ở đầu nguồn sông, suối, có nước sạch ra vào thường xuyên thì rất phù hợp, còn nếu nguồn nước chất lượng không ổn định thì hạn chế cho ra vào mà phải nuôi kiểu tuần hoàn.
Một vật nuôi tận dụng hết những nông sản dư thừa
Anh Hạnh đã thử nuôi qua ốc lát của Thái Lan nhưng không hiệu quả bởi đẻ kém, chất lượng thịt kém so với ốc bươu đen của Việt Nam nên giờ chỉ tập trung vào loại này.
“Nuôi ốc bươu đen tận dụng gần như hết các loại thức ăn trong tự nhiên như quả bưởi loại, quả đu đủ loại, rau sắn, thậm chí là những nông sản dư thừa đi xin được nên chỉ mất công mà thôi. Cứ 1 vạn giống nuôi nếu đạt sẽ thu được 2-2,5 tạ ốc, chi phí cả giống lẫn thức ăn mất khoảng 3-4 triệu đồng trong khi bán được 13-15 triệu đồng.
Lưu ý nhất trong quá trình nuôi phải thường xuyên sát khuẩn nguồn nước bằng cách dùng vôi bột hòa ra rồi tạt xuống ao hoặc dùng thuốc sát khuẩn của thủy sản. Cho ăn với lượng vừa phải kẻo dư thừa gây thối nước, nổi khí độc từ bùn ao khiến cho con ốc nằm đơ, mắc bệnh sưng vòi. Năm 2023, do không để ý, tôi để nước bẩn từ ao cá bên ngoài tràn vào. Hậu quả là mất 8 tấn ốc vì bệnh sưng vòi, thiệt hại vài trăm triệu đồng”, anh Hạnh nói.
Mỗi năm, anh Hạnh sản xuất khoảng 300 vạn ốc giống, giữ lại 70 vạn con để nuôi lên thương phẩm, còn lại là bán. Ốc bươu đen cứ 3,5-4 tháng/lứa nhưng từ tháng 6 trở đi nếu thả giống sẽ phải nuôi vắt sang năm sau, mà qua đông là một giai đoạn khắc nghiệt nhất. Tuy nhiên, có ốc bán vào tháng 4, 5 năm sau là một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng.
"Vì đầu vụ, khi các ao khác chỉ có ốc giống thì ao nhà mình có ốc thương phẩm, thương lái chèo kéo mua, trả giá gấp rưỡi, gấp đôi bình thường", anh Hạnh chia sẻ.
Bởi thế mà một số chủ ao đã mày mò thực nghiệm các kỹ thuật giúp con ốc qua đông. Người thì cho ốc ngủ khô bằng cách rút cạn nước hay vớt hẳn lên bể, riêng anh Hạnh thì cho ốc ngủ ướt bằng cách vẫn giữ nguyên nước và bổ sung một lớp bèo tây dày từ bờ ra đến hơn 1m nước để chúng rúc vào bộ rễ rậm rạp mà tránh rét.

Anh Nguyễn Văn Hạnh kiểm tra ao nuôi ốc con. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Ngủ khô tuy hao hụt ít nhưng khi cho ra lại môi trường nước vào đầu mùa xuân năm sau hay bị nổi nghiêng như một cái phao, con nào nặng sẽ nổi mãi, không ăn rồi chết. Ngủ ướt thì không bị hiện tượng nổi nghiêng này dù vẫn có tỷ lệ hao hụt nhất định. Ốc tháng 5, tháng 6 thường gầy, phải đợi đến tháng 9, tháng 10 trở đi, khi chuẩn bị ngủ đông mới béo. Để cho thịt ốc thêm đầy, thêm ngon, khi nuôi đến giai đoạn bán thương phẩm, ngoài rau, củ, quả tôi còn bổ sung thêm cám gạo hoặc ngô bột”, chủ trang trại ốc bươu đen cho biết.
Tôi hỏi anh Hạnh có lời khuyên gì cho những người đang định khởi nghiệp nuôi ốc. Không ngần ngừ, anh đáp rằng, người mới khởi nghiệp gặp trại giống tư vấn tốt thì sẽ hướng dẫn nuôi với mật độ vừa phải, chỉ khoảng dưới 100 con/m2, còn gặp trại giống tư vấn chỉ để bán giống thì sẽ hướng dẫn nuôi với mật độ cao.
Khi nuôi phải mở rộng diện tích từ từ chứ không nên sản xuất quy mô lớn ngay kẻo gặp thất bại là cụt vốn. Đó cũng là kinh nghiệm của chính gia đình anh, từ hộ nghèo đã thoát nghèo vào năm 2020 và mấy năm gần đây trung bình thu lãi 300-400 triệu đồng nhờ nuôi ốc; hay gia đình người em trai là Nguyễn Văn Thành cùng nuôi ốc trong một trang trại thu lãi mỗi năm 150-200 triệu đồng; các gia đình hàng xóm như anh Lê Văn Dũng nuôi 2 mẫu ốc, chị Nguyễn Thị Huyền nuôi 2 mẫu ốc thu lãi mỗi năm trên dưới 200 triệu đồng.
Từ việc nuôi trồng thuận tự nhiên, tuần hoàn, giữ môi trường sinh thái, họ đã làm chủ công nghệ giống, thương phẩm, không chỉ góp phần tăng sinh kế bền vững cho một vùng quê mà còn mở ra tương lai cho các sản phẩm chế biến sâu, ẩm thực và du lịch nông nghiệp.