Từ cây lương thực phụ, chủ yếu chống đói trước đây, củ khoai lang giờ còn là thực phẩm chức năng do chứa nhiều chất xơ giúp nhuận tràng, chứa ít năng lượng giúp người dùng thường xuyên không sợ béo.
Tổng diện tích khoai lang của nước ta hiện khoảng 100.000 ha (năm 2024), năng suất trung bình 13 - 15 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 1,2 - 1,3 triệu tấn củ. Ba vùng trồng tập trung chính gồm các tỉnh đồng bằng của miền Bắc, trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Gần đây nổi lên các giống khoai lang của Nhật khiến nhiều giống khoai lang bản địa bị lép vế, thu hẹp dần diện tích.

Thạc sĩ Vũ Văn Tùng bên những củ khoai bản địa. Ảnh: Dương Đình Tường.
Thạc sĩ Vũ Văn Tùng - Trưởng Bộ môn Bảo tồn In-situ và Khai thác nguồn gen (Trung tâm Tài nguyên Thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết qua điều tra, đánh giá, Trung tâm đã phát hiện một số giống khoai lang bản địa có nhiều đặc tính quý như chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh và các điều kiện thời tiết bất thuận. Đề tài cấp nhà nước "Đánh giá tiềm năng di truyền và phát triển nguồn gen khoai lang ở Việt Nam" thuộc nhiệm vụ quỹ gen quốc gia đã ra đời năm 2020 và được thực hiện đến năm 2025.
Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa trong Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia, Trung tâm đã sàng lọc ra 300 giống theo ba tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu với thời tiết, sâu bệnh (bọ hà, virus gây ra bệnh xoăn lá). 300 giống này được đánh giá ngoài đồng ruộng, mỗi giống trồng diện tích 10 m2 rồi theo dõi khả năng sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu, chất lượng, năng suất qua 2 vụ.
Ngoài ra Trung tâm còn đánh giá trong phòng thí nghiệm về đa dạng di truyền và xác định tính kháng, chống chịu của 300 nguồn gen khoai lang địa phương bằng chỉ thị phân tử… Tổng hợp tất cả các đánh giá trên, đã chọn ra được 5 giống phù hợp với đề bài của đề tài, đầu tiên là chất lượng, thứ hai là năng suất từ khá trở lên, thứ ba là khả năng chống chịu.

Đào khảo sát các giống khoai lang. Ảnh: DĐT.
Cụ thể, khoai lang Phổ Cường của Quảng Ngãi có chất lượng tốt, khả năng chịu mặn, chịu hạn tốt. Khoai lang bở và khoai lang ngọt Bắc Giang chất lượng tốt, chịu úng và kháng virus tốt. Khoai lang Dây Bầu và khoai lang Trầm Dâu trắng Thanh Hóa chất lượng tốt, chịu mặn, chịu hạn, chịu bọ hà tốt.
Trước khi có đề tài, nhiều giống khoai lang bản địa lâm vào tình trạng thoái hóa vì sâu bệnh, bị “già” về sinh lý, kỹ thuật canh tác chưa phù hợp nên hiệu quả kinh tế thấp. Các nhà khoa học của Trung tâm Tài nguyên Thực vật đã phục tráng 5 giống khoai lang bản địa bằng cách nuôi cấy mô đỉnh sinh trưởng nhằm loại bỏ virus, trẻ hóa giống rồi nhân ra, đưa vào sản xuất. Đồng thời hoàn thiện quy trình nhân giống và canh tác phù hợp với các địa phương. Tổ chức các mô hình trình diễn, mỗi giống có diện tích 5 ha.
Nhờ những kỹ thuật đó, năng suất các giống này được nâng lên khoảng 30% so với trước khi phục tráng. Về chất lượng, các giống khoai được đánh giá cảm quan bằng cách luộc ăn thử hoặc dùng máy trong phòng thí nghiệm để đo hàm lượng tinh bột.

Giống khoai lang bở Bắc Giang. Ảnh: DĐT.
Cũng theo Thạc sĩ Vũ Văn Tùng, nếu phân chia 5 giống khoai lang trên về dòng ngọt có khoai lang ngọt Bắc Giang, khoai lang Trầm Dâu trắng; dòng bở và thơm có các giống khoai lang bở Bắc Giang, khoai lang Phổ Cường Quãng Ngãi, khoai lang Dây Bầu. Đặc biệt về chịu sâu hà - thủ phạm gây ra tình trạng đắng trên củ có khoai lang Dây Bầu và khoai lang Trầm Dâu trắng Thanh Hóa.
Hiện nay nhiều người tiêu dùng biết đến khoai lang Nhật bởi chúng được các doanh nghiệp trồng và xuất khẩu trên diện tích lớn, được đầu tư quảng bá liên tục. Tuy nhiên Việt Nam cũng có những giống khoai lang quý, chất lượng thơm ngon, khả năng chống chịu tốt, thích nghi với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Nếu biết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu thì hoàn toàn có thể nâng cao vị thế và gia tăng hiệu quả kinh tế cho cây khoai lang Việt Nam.