Bà Phạm Thị Minh Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ chỉ ra những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy đất trồng sầu riêng trên địa bàn đang bị thoái hóa.
Khi quan sát bằng mắt thường, đất bị nén lại, khi tưới nước, nước không thấm sâu mà chỉ đọng trên mặt, làm rễ cây khó hấp thu dinh dưỡng. Dấu hiệu tiếp theo là đất đóng váng, lớp đất mặt bị đóng cứng, nước khó thấm. Đặc biệt là hiện tượng đất bị bốc hơi nước nhanh, vườn cây vừa được tưới nước xong, đất đã khô ráo nhanh chóng, cho thấy khả năng giữ ẩm kém.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.
Bên cạnh các biểu hiện vật lý, đất thoái hóa còn đi kèm sự suy giảm về đặc tính hóa học và sinh học. Độ pH thường giảm xuống dưới mức bình thường (5-7), khiến đất bị chua; dinh dưỡng mất cân đối, thiếu các nguyên tố trung, vi lượng; lượng mùn và vi sinh vật có lợi sụt giảm rõ rệt. Khi đất không còn trùn, côn trùng hoặc vi sinh vật, mà thay vào đó là nhiều nấm bệnh, thì đó là dấu hiệu đất đang “bệnh nặng”.
PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa, Phó trưởng khoa Khoa học đất (Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ) cho biết thêm, qua khảo sát thực tế của trường, các chuyên gia đã ghi nhận mức độ suy thoái đất rõ nét tại những vườn sầu riêng có tuổi liếp từ 15 năm tuổi trở lên.
“Ở các liếp trồng sầu riêng trên 20 năm, độ pH đất giảm mạnh chỉ còn ở mức 4-5, đây là mức chua nghiêm trọng. Không chỉ pH, các yếu tố dinh dưỡng như đạm, hữu cơ, trung vi lượng đều suy kiệt nghiêm trọng”, PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa nhấn mạnh.
Phân tích nguyên nhân, chuyên gia này cho rằng, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích ra hoa nguồn gốc hóa học là yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây trồng.

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích ra hoa nguồn gốc hóa học là yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây sầu riêng. Ảnh: Kim Anh.
PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa cảnh báo, không chỉ cây sầu riêng mà nhiều loại cây khác như chuối, mít… cũng không thể phát triển trên nền đất cũ do tồn dư hóa chất. Thậm chí, bùn được lấy từ mương lên đắp mô, bà con nông dân nghĩ là phù sa, nhưng lại chứa nhiều tạp chất độc hại do không được luân chuyển và làm sạch đúng cách.
Thực tế đáng lo ngại là phần lớn nông dân trồng sầu riêng tại TP. Cần Thơ chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây ăn trái, nhưng lại chưa trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm về đặc tính sinh trưởng, nhu cầu dinh dưỡng hay điều kiện lý tưởng của cây sầu riêng. Trong khi đó, trồng sầu riêng đòi hỏi hiểu biết kỹ lưỡng về đất, thủy cấp, kỹ thuật làm liếp, xử lý phân bón và kiểm soát sâu bệnh.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ lưu ý thêm: “Nếu giai đoạn đầu bà con nông dân không chú trọng đến sức khỏe đất, về sau cây sẽ suy yếu nghiêm trọng. Liếp trồng sầu riêng phải cao hơn mực thủy cấp để rễ không bị ngập úng và có điều kiện phát triển mạnh”.
Trước thực trạng trên, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ đã phối hợp cùng Đại học Cần Thơ và các viện nghiên cứu triển khai chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), trong đó có chuyên đề riêng về quản lý sức khỏe đất.
Một trong những hướng đi bền vững là hướng dẫn nông dân tự ủ vi sinh để làm phân hữu cơ, giảm dần sự phụ thuộc vào phân bón hóa học và thúc đẩy sử dụng thuốc sinh học. Hoạt động này không chỉ cải thiện sức khỏe đất mà còn giúp nông dân thích ứng với các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu.

Cây sầu riêng thường xuyên mắc bệnh là biểu hiện cho thấy sức khỏe đất trồng đang bị thoái hóa sau nhiều năm canh tác. Ảnh: Kim Anh.
TP. Cần Thơ cũng đang xây dựng các vùng trồng tập trung từ 10 ha trở lên để phục vụ cho mục tiêu cấp mã số vùng trồng, một trong những điều kiện bắt buộc khi xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tại các vùng trồng này, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật, ghi chép nhật ký sản xuất, tuân thủ thời gian cách ly và kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt.
Để ngành sầu riêng TP. Cần Thơ phát triển bền vững, chuyên gia khuyến cáo bà con phải bảo vệ cả sức khỏe đất và cây. Vì nếu đất yếu, cây bệnh, lợi nhuận chỉ là nhất thời. Việc phát triển cây sầu riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên và áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý là yếu tố then chốt để cây trồng phát triển ổn định, lâu dài.