Diện tích trồng lạc của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, từ 223.000 ha năm 2011 đến nay chỉ còn khoảng 150.000 ha bởi nhiều lý do như quá trình đô thị hoá khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thời tiết diễn biến bất thường, công đầu tư cao, tiêu thụ không ổn định…

Mô hình trồng lạc Chay trắng tại Hòa Bình (cũ). Ảnh: DĐT.
Trong khi một số đơn vị khác tập trung cho nghiên cứu các giống lạc nhập nội thì Trung tâm Tài nguyên Thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) lại tập trung cho nghiên cứu các giống lạc bản địa. Đề tài “Khai thác, phát triển nguồn gen lạc Chay và lạc Chay trắng tại vùng trung du, miền núi phía Bắc” là một ví dụ.
Lạc Chay và lạc Chay trắng hiện đang được lưu giữ tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia của Trung tâm Tài nguyên Thực vật và đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang và Hòa Bình (cũ) có văn bản xác nhận là các giống lạc được trồng từ lâu tại địa phương, phù hợp cho phát triển sản xuất sản phẩm đặc thù của địa phương.
TS Nguyễn Hữu Hải (Trung tâm Tài nguyên Thực vật) - Chủ nhiệm đề tài cho biết, hai giống lạc trên được trồng chủ yếu ở huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang (cũ) và huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình (cũ) với tổng diện tích chỉ khoảng trên dưới 50 ha. Chúng phát triển mạnh thân lá, chống chịu bệnh đốm lá và chịu hạn ở mức khá, ít cần thâm canh, chất lượng hạt tốt, rất phù hợp cho nhu cầu ăn tươi như luộc vì vị bùi, thơm nhưng năng suất hạn chế, hạt nhỏ do giống lẫn tạp quá nhiều và chưa áp dụng các giải pháp kỹ thuật.

Cây lạc Chay trắng. Ảnh: DĐT.
Bài học kinh nghiệm là muốn bảo tồn được các nguồn gen quý hiếm phải gắn với phát triển, biến các giá trị của chúng thành giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, cần triển khai nghiên cứu đồng bộ từ việc phục tráng giống đến quy trình nhân giống và quy trình thâm canh phù hợp để phát triển rộng ra sản xuất.
Các nhà khoa học đã xây dựng bộ mã vạch ADN đặc trưng của giống lạc Chay và lạc Chay trắng với mục đích nhận dạng chính xác nhất thay cho phân biệt qua hình thái thông thường. Bên cạnh đó phục tráng thành công và sản xuất được các cấp giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận. Xây dựng quy trình sản xuất lạc thương phẩm, trong đó có việc điều chỉnh thời vụ, che phủ nilon, bón phân cân đối giúp cải thiện năng suất từ mức dưới 20 tạ/ha lên 24 - 25 tạ/ha.

Cận cảnh củ và hạt lạc Chay trắng. Ảnh: DĐT.
Mặt khác, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quy mô 5 ha/giống với 30 hộ nông dân tham gia tại xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang (cũ) với giống lạc Chay và 23 hộ nông dân tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình (cũ) với giống lạc Chay trắng. Kết quả, tổng thu của mô hình thử nghiệm đạt 97 triệu đồng/ha, tăng 21 triệu đồng/ha so với đối chứng, lãi thuần của mô hình thử nghiệm đạt 27,5 triệu đồng/ha, trong khi đối chứng chỉ đạt 18,5 triệu đồng/ha, tức tăng thêm 49%.
Những việc cần làm tiếp theo là xây dựng thương hiệu, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và kết nối thị trường. “Nếu bảo quản lạc Chay và lạc Chay trắng tươi bằng cách đông lạnh như Trung Quốc vẫn làm rồi đưa ra thị trường lúc trái mùa thì sẽ rất lợi thế”, TS Nguyễn Hữu Hải gợi mở.
Giống lạc Chay và giống lạc Chay trắng có 2 khung thời vụ trồng: Vụ xuân (chính vụ) gieo từ 15 - 25/2, vụ hè thu gieo từ 15/7 - 25/7, mật độ 35 cây/m2 trồng theo hàng dọc, hàng cách hàng 25 cm, cây cách cây 10 cm, mỗi hốc nên gieo 2 hạt sau tỉa định, chỉ để 1 cây. Lượng phân bón cho mỗi ha gồm 1 tấn phân hữu cơ vi sinh + 40 kg N + 60 kg P2O5 + 60 kg K2O + 400 kg vôi bột, nếu sử dụng NPK thì 500 kg.