Theo TS Nguyễn Ngọc Quất - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), diện tích trồng lạc ở Việt Nam hiện khoảng 150.000 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên với năng suất trung bình 2,6 tấn/ha. Nghị định thư hợp tác nghiên cứu và phát triển một số cây đậu đỗ và lạc giữa hai nước Việt Nam - Cuba nhằm mục đích trao đổi giống cũng như kỹ thuật của nhau.

Thăm ruộng lạc VL20 trồng ở Bình Định. Ảnh: DĐT.
Bộ giống lạc của Việt Nam đang có chủ yếu tập trung vào năng suất, trong khi khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt khá hạn chế. Trong khi đó bộ giống lạc của Cuba có một số nguồn gen chịu hạn, chịu bệnh tốt. Bởi thế sự hợp tác này là sự bổ trợ tốt cho những gì đôi bên còn thiếu. Nếu như Cuba thích các giống lạc của Việt Nam bởi năng suất cao và chứa nhiều lipit (dầu) thì Việt Nam lại thích các giống lạc của Cuba bởi chất lượng thơm ngon, nhiều protein, đặc biệt là khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt.
Các nhà khoa học Việt Nam đã nhập 10 giống lạc của Cuba về khảo sát, đánh giá, trong đó lựa chọn ra giống LV20 với các đặc tính nổi trội. Giống lạc LV20 chứa tới 11 gen chịu hạn trong khi các giống thông thường chỉ chứa 2 - 3 gen chịu hạn nên có khả năng phục hồi cao hơn hẳn khi bị thiếu nước. Đánh giá khả năng chịu hạn trong điều kiện nhân tạo, mức độ suy giảm năng suất cá thể của giống lạc LV20 là 36,53%, chỉ số chịu hạn là 0,69. Các chỉ tiêu sinh lý, năng suất cá thể của LV20 đạt giá trị cao nhất so với các giống lạc khác.

LV20 là giống lạc chất lượng, chống hạn tốt. Ảnh: DĐT.
Không chỉ thế, chất lượng của lạc LV20 cũng rất cao. Cụ thể, hàm lượng lipit của giống lạc LV20 tương đương với lạc đỏ Bắc Giang (một giống chất lượng của Việt Nam) là 52,5%; hàm lượng protein của giống lạc LV20 đạt 27%, cao hơn giống lạc đỏ Bắc Giang. Nhờ chất lượng cao, thơm ngon nên LV20 được định hướng sản xuất cho mục đích ăn tươi nhưng khi bảo quản trong điều kiện khô cả củ cũng có thể để được 6 tháng.
TS Nguyễn Ngọc Quất phân tích, lạc thường được trồng ở vùng đất chuyên màu khiến sâu bệnh, đặc biệt nguy hiểm là bệnh héo xanh tồn lưu nhiều, chực chờ tấn công những giống có sức đề kháng yếu. LV20 có khả năng chống chịu khá với các bệnh hại chính như đốm nâu, đốm đen và héo xanh vi khuẩn nên không đáng ngại khi trồng ở những vùng có áp lực sâu bệnh.
Giống thuộc dạng hình sinh trưởng hữu hạn, chiều cao thân chính biến động từ 43 - 56 cm, số cành cấp 1 trung bình đạt 4,9 cành/cây, số quả chắc đạt 14 - 16 quả/cây, năng suất trung bình đạt từ 3,5 - 3,7 tấn/ha - hơi kém so với các giống lạc thiên về năng suất của Việt Nam khi đạt cỡ 4 tấn/ha. Lạc LV20 ít bị tình trạng gần thu hoạch nảy mầm ngay trên ruộng. Hạt lạc bị nảy mầm rất dễ nhiễm nấm aflatoxin, khi ăn không chỉ gây ra vị đắng mà còn có nguy cơ gây bệnh ung thư.

Giống lạc LV20 thích hợp với nhiều vùng sinh thái. Ảnh: Đ.Đ.T.
Giống lạc LV20 có nguồn gốc nhập nội từ Cuba do nhóm tác giả của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tuyển chọn. Giống có thời gian sinh trưởng trong vụ đông xuân từ 96 - 100 ngày, vụ hè thu từ 92 - 96 ngày, có khả năng thích ứng rộng với điều kiện bất thuận, phù hợp với nhiều vùng sinh thái, năng suất có thể đạt 3,5 - 3,7 tấn/ha.
Khi thu hoạch lạc bà con nên phơi trên sân gạch hoặc bê tông có lót nilon từ 4 - 5 nắng hoặc sấy trong điều kiện nhiệt độ không quá 36 độ C khoảng 2 - 3 ngày đến khi thủy phần không quá 10% rồi phân loại, làm sạch, để nguội mới đóng vào bao nilon hoặc cho vào chum vại, đậy kín, cất nơi khô mát để bảo quản. Nếu để làm giống phải kiểm tra định kỳ tình trạng sức sống của hạt (tỷ lệ nảy mầm), theo dõi phòng trừ sâu mọt, chuột bọ phá hại.
Lạc LV20 có thể trồng được ở tất cả các vùng sinh thái nhưng hợp nhất là những vùng thường xuyên xảy ra khô hạn cục bộ. Tuy nhiên cần lưu ý phải có hệ thống tiêu nước tốt phòng khi thu hoạch xảy ra mưa lũ. Hiện giống lạc LV20 đang được mở rộng phát triển ở Bình Định, Gia Lai, Quảng Nam… với tổng diện diện tích hơn 100 ha.