Vina T&T Group là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu hiện nay. Trong thời gian qua, bên cạnh thị trường Trung Quốc, công ty đã đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang nhiều thị trường khác, trong đó có thị trường Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group, cho biết, công ty đã xuất khẩu trái cây sang thị trường Hoa Kỳ từ nhiều năm qua và đã có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường này.

Trái cây Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu tới nhiều thị trường. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo ông Phú, trong quá trình tìm hiểu thị trường, quảng bá, tiếp thị sản phẩm, Vina T&T nhận thấy trái cây nhiệt đới Việt Nam được rất nhiều thị trường ưa thích. Người tiêu dùng ở nhiều thị trường có mong muốn được sử dụng trái cây Việt Nam thường xuyên.
Tuy nhiên, trái cây tươi có thời gian bảo quản không dài trong khi vận chuyển trái cây hàng hóa đến những thị trường xa mất rất nhiều thời gian. Đưa trái cây sang Hoa Kỳ bằng đường biển mất ít nhất từ 25 đến 30 ngày, đi sang châu Âu mất từ 30 đến 40 ngày.
Do vấn đề vận chuyển và bảo quản trái cây, nên khi phát triển thị trường xuất khẩu, Vina T&T tập trung phát triển thị trường Hoa Kỳ. Sau khi đã đứng vững ở thị trường này, công ty phát triển các thị trường khác như châu Âu, Úc, Hàn Quốc... Đây đều là những thị trường có nhu cầu lớn với trái cây nhiệt đới, trong đó có trái cây Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho hay, ngoài thị trường Trung Quốc, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Việt Nam tới nhiều thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy thị phần còn khiêm tốn, nhưng có thể nói, những thị trường này đã trở thành thị trường truyền thống của trái cây Việt Nam.

Nhiều thị trường có nhu cầu cao với trái cây nhiệt đới. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thị trường rất tiềm năng mà các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần chú trọng khai thác. Trước hết, đó là những thị trường nằm trong 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hết những hiệp định tự do mà Việt Nam đã ký để khai thác các thị trường trong những hiệp định này.
Ngoài ra, các thị trường như Trung Đông, Nam Mỹ... cũng có tiềm năng lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trái cây.
Nhìn chung, còn rất nhiều thị trường ngoài Trung Quốc để các doanh nghiệp khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu trái cây. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trước hết ngành trái cây nên tập trung khai thác triệt để các thị trường lớn và truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU. Những thị trường này vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam. Nhưng để khai thác được triệt để, ngành trái cây cần phải tập trung cải thiện năng lực để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn và truyền thống.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong khi xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm trong 5 tháng đầu năm nay, thì xuất khẩu sang nhiều thị trường khác lại tăng trưởng tốt, nhất là thị trường Hoa Kỳ. 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 208 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2024.
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả sang một số thị trường lớn vẫn duy trì được đà tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2024, như Nhật Bản (tăng 21%), Đài Loan (tăng 20%), Hà Lan (tăng 21%), Úc (tăng 19%), UAE (tăng 41%) và Đức (tăng 32%).