Ngành trồng trọt Quảng Ninh bước vào năm 2025 với tinh thần khẩn trương, chủ động. Ngay sau thiên tai, các giải pháp ứng cứu và phục hồi được triển khai đồng bộ, không chỉ giúp nông dân ổn định sản xuất mà còn mở ra hướng đi mới: chủ động cơ cấu cây trồng, ưu tiên giống có năng suất, khả năng chống chịu tốt, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp với đất đai, thời tiết, nhu cầu thị trường.

Người dân phường Đông Triều thu hoạch lúa vụ xuân. Ảnh: Nguyễn Thành.
Nhờ vậy, kết thúc nửa đầu năm 2025, diện tích gieo trồng vụ đông xuân toàn tỉnh đạt hơn 33.000 ha, sản lượng lương thực hơn 100.000 tấn, đạt theo kế hoạch đề ra.
Trong bức tranh ấy, cây lúa tiếp tục là trụ cột khi năng suất bình quân được nâng lên, thể hiện rõ dấu ấn của việc sử dụng giống mới, canh tác hợp lý và kiểm soát sâu bệnh hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Liệu, phường Đông Triều, chia sẻ, năm nay lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất đạt khoảng hơn 2 tạ một sào.
Không chỉ dừng lại ở cây lúa, những cánh đồng rau màu cũng đang cho thấy sự thay đổi rõ rệt. Diện tích cây trồng vụ đông tiếp tục được mở rộng và canh tác theo phương thức gối vụ, tận dụng tối đa thời gian và diện tích. Hoa, cà chua, khoai tây hay bí xanh, những loại cây trồng tưởng chừng chỉ mang giá trị bổ sung, giờ đây đã trở thành trụ cột quan trọng trong cơ cấu sản xuất.
Tăng trưởng về diện tích đi kèm với tăng trưởng giá trị, cụ thể, tổng doanh thu vụ đông ước đạt gần 1.800 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ so với cùng kỳ. Đây là bước tiến không nhỏ cho một tỉnh thường xuyên chịu tác động từ biến đổi khí hậu.
Với cây ăn quả, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 3, sự phục hồi càng thể hiện rõ tính bền bỉ và chủ động trong chăm sóc. Nhờ kỹ thuật cắt tỉa, bón phân cân đối và khôi phục tán cây kịp thời, năng suất không suy giảm mà còn nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm trước. Người nông dân Quảng Ninh chứng minh khả năng thích ứng ngày càng cao trước rủi ro khí hậu.

Vải chín sớm Phương Nam phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng của thiên tai. Ảnh: Nguyễn Thành.
Phía sau các con số ấn tượng ấy là sự đồng lòng từ cấp quản lý đến người sản xuất. Sự chủ động của các địa phương trong triển khai vụ mới, cùng với sự vào cuộc từ ngành nông nghiệp tỉnh trong hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, tổ chức lớp tập huấn… đã tạo nên nền tảng vững chắc để nông dân yên tâm xuống giống, bám ruộng, bám vườn.
Sáu tháng cuối năm là giai đoạn then chốt để hiện thực hóa kịch bản tăng trưởng cả năm 2025, với tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm dự kiến đạt hơn 62.000 ha, sản lượng lương thực hơn 215.000 tấn. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống ngành trồng trọt phải tiếp tục duy trì tinh thần chủ động, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ đông xuân, chuẩn bị tốt cho vụ mùa và vụ đông sắp tới.
Theo ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn sẽ là giải pháp chiến lược, không chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn gia tăng giá trị kinh tế cho mỗi đơn vị diện tích. Đi cùng với đó là các bước tiến trong áp dụng cơ giới hóa, xây dựng vùng sản xuất tập trung, nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn, hướng tới nền sản xuất bền vững.
Một điểm sáng cần tiếp tục phát huy là việc phát triển mã số vùng trồng, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu. Những yếu tố này nếu được triển khai hiệu quả sẽ mở rộng cánh cửa thị trường cho nông sản Quảng Ninh, cả trong nước lẫn xuất khẩu.