Được xem là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, sầu riêng đang trở thành mặt hàng chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa, Phó Trưởng khoa Khoa học đất (Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ), đằng sau sự phát triển ồ ạt này là nỗi lo lớn về sức khỏe đất canh tác.

PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa, Phó Trưởng khoa, Khoa Khoa học đất (Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ). Ảnh: Kim Anh.
Theo chuyên gia, hiện nay tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước đã vượt mốc 150.000 ha, gấp đôi kế hoạch đến năm 2030 mà Chính phủ đặt ra. Riêng tại ĐBSCL, diện tích trồng sầu riêng đã tăng đến 40.000 ha, không chỉ tập trung ở những vùng trồng truyền thống của tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ mà còn lan rộng sang nhiều tỉnh khác như Tây Ninh, An Giang.
PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa quan ngại khi phần lớn diện tích mới mở rộng này không nằm trong quy hoạch và thiếu nền tảng kỹ thuật canh tác bền vững. Khảo sát thực tế, PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa cho biết, nhiều nhà vườn chưa hiểu đặc tính đất trồng sầu riêng, thậm chí chưa từng đánh giá xem đất trồng hiện hữu có phù hợp hay không. Một loạt chỉ số cảnh báo được đưa ra từ các cuộc phân tích đất tại vùng ĐBSCL, nhất là ở những liếp có tuổi thọ trên 15 năm đã được triển khai.
Kết quả cho thấy, các chỉ số về sức khỏe đất cho thấy sự suy thoái rõ rệt: pH đất thấp từ 4-5, hàm lượng hữu cơ chỉ từ 2-4%, thiếu hụt đạm (N), kali (K) và các vi lượng như: Bo, Mo, Cu... Ngoài ra, mật số vi sinh vật và hoạt động enzyme trong đất rất yếu, mất cân bằng sinh học nghiêm trọng.
Nghiêm trọng hơn, đất trồng sầu riêng hiện nay còn bị tích tụ độc chất nặng, đó là hệ quả từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đặc biệt là các loại thuốc kích thích ra hoa như Chlorate Kali, Paclobutrazol và các kim loại nặng như Asen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb)...

Diện tích trồng sầu riêng ở vùng ĐBSCL đang phát triển khá nhanh. Ảnh: Kim Anh.
Những tồn dư này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cây trồng, làm giảm năng suất và chất lượng trái sầu riêng, mà còn đe dọa sức khỏe con người và khiến sản phẩm không đạt chuẩn xuất khẩu.
PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa khẳng định: “Tiến trình suy thoái đất là điều tự nhiên theo thời gian, nhưng điều đáng lo là yếu tố chủ quan từ người canh tác đang đẩy nhanh quá trình này một cách nguy hiểm”.
Ông chỉ rõ rằng, nông dân rất giỏi trong việc sử dụng hóa chất, từ phân bón đến thuốc kích thích ra hoa, thuốc trừ sâu, điều trị bệnh. Tuy nhiên, bà con gần như không quan tâm đến sức khỏe đất hoặc cách nuôi dưỡng hệ sinh thái trong đất. Câu hỏi “làm sao để đất khỏe” thường không có câu trả lời.
Hậu quả là khi cây sầu riêng bước vào giai đoạn lão hóa hoặc chết đi do bệnh hại rễ, cây con trồng lại trên nền đất cũ khó sống, chậm phát triển, vàng lá. Điều này cho thấy sự tích tụ độc chất và mất cân bằng sinh học đã vượt ngưỡng chịu đựng của đất.
PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa nhận định, điểm yếu lớn của ĐBSCL là đất tự nhiên vốn không thích hợp để trồng sầu riêng. Cụ thể là vùng có đất sét nặng, thoát nước kém, pH thấp, mực thủy cấp cao, dễ ngập úng. Trong khi cây sầu riêng lại là cây trồng không chịu được ngập, cần độ thông thoáng, tơi xốp, pH trung tính (5,5-7). Những vùng đất lý tưởng cho sầu riêng lại nằm ở miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

“Nếu không thay đổi cách nghĩ, thay đổi tập quán, thì đất trồng sẽ ngày càng suy kiệt, nông sản Việt Nam sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu”, PGS.TS Nguyễn Khởi Nghĩa cảnh báo. Ảnh: Kim Anh.
Bên cạnh đó, chuyên gia về khoa học đất cho rằng bảo vệ sức khỏe đất phải là trách nhiệm của cả hệ thống, từ cơ quan chuyên môn, chính quyền, các viện trường đến cộng đồng.
Trong bối cảnh sức ép thị trường ngày càng lớn, tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe, nếu bà con nông dân tiếp tục vắt kiệt đất, canh tác theo lối thâm canh, sức khỏe đất ngày càng suy kiệt. Điều này rất khó để có thể duy trì ngành sầu riêng phát triển bền vững.