| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết giúp cây mắc ca giảm rụng trái

Thứ Tư 09/07/2025 , 17:38 (GMT+7)

Chuyên gia khuyến cáo một số biện pháp khắc phục tình trạng rụng trái non đồng loạt trên cây mắc ca.

Cây mắc ca được xác định là cây trồng chủ lực tại tỉnh Điện Biên với hơn 10.300 ha đã được trồng, trong đó có trên 1.500 ha đang cho thu hoạch. Thời gian gần đây, tình trạng rụng quả non đang diễn ra tại nhiều khu vực như Tuần Giáo, Mường Ảng - những vùng chuyên canh chính cây trồng này. Tại một số vườn, nhiều trái non bị rụng. Tuy nhiên, cũng có những vườn trái mắc ca chuyển màu vàng, sau đó rụng đồng loạt, đây là biểu hiện bất thường so với chu kỳ sinh trưởng bình thường của cây.

Trái mắc ca chuyển màu vàng rồi rụng tại một số địa phương ở tỉnh Điện Biên. Ảnh: Người dân cung cấp.

Trái mắc ca chuyển màu vàng rồi rụng tại một số địa phương ở tỉnh Điện Biên. Ảnh: Người dân cung cấp.

Theo các chuyên gia, hiện tượng rụng trái mắc ca do nhiều nguyên nhân như rụng sinh lý, thời tiết bất lợi (mưa, gió thất thường), thiếu dinh dưỡng và cũng có thể do sinh vật hại chích hút. Chuyên gia khuyến cáo bà con một số biện pháp để khắc phục tình trạng này. 

Bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ cho cây 

Theo phân tích của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, hiện tượng rụng quả trên cây mắc ca là tổng hợp của nhiều nguyên nhân. Trước hết là rụng sinh lý. Đây là hiện tượng tự nhiên sau quá trình thụ phấn không thành công hoặc khi cây mang lượng quả vượt quá khả năng nuôi dưỡng. Mức độ rụng có thể gia tăng khi cây thiếu dinh dưỡng hoặc thời tiết thay đổi đột ngột.

Để khắc phục hiện tượng này, bà con nên bón phân NPK cân đối, kết hợp với phân hữu cơ, đặc biệt là bổ sung các nguyên tố vi lượng như Bo, kẽm. Những chất này giúp tăng tỷ lệ đậu quả, nuôi quả tốt và giảm rụng quả non. Ngoài ra, bà con có thể phun thêm phân bón lá có chứa vi lượng trong giai đoạn cây đang mang quả để bổ sung dinh dưỡng nhanh chóng, nhất là khi thời tiết không thuận lợi. Với những cây còn nhỏ hoặc yếu, bà con nên chủ động tỉa bớt quả phù hợp với sức nuôi.

Cần thường xuyên thăm vườn, kiểm tra tình trạng cây và phát hiện sâu bệnh sớm để kịp phòng trừ. Ảnh: Thanh Thủy.

Cần thường xuyên thăm vườn, kiểm tra tình trạng cây và phát hiện sâu bệnh sớm để kịp phòng trừ. Ảnh: Thanh Thủy.

Thăm vườn, phát hiện sâu bệnh sớm

Một nguyên nhân khác gây rụng quả mắc ca là những sinh vật gây hại như rệp muội, bọ xít muỗi, rệp kim… Những loài này gây hại ở lá non, hoa và quả non, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng trái sau này. Bà con cần thường xuyên kiểm tra vườn cây, nhất là vào đầu mùa mưa hoặc thời điểm cây ra hoa, đậu quả để phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Hiện chưa có danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây mắc ca. Tuy nhiên, bà con có thể dùng các loại thuốc BVTV đã được phép sử dụng cho cây ăn quả theo đúng hướng dẫn kỹ thuật và đảm bảo thời gian cách ly an toàn. Bà con tuyệt đối không nên phun thuốc trừ cỏ hóa học trong vườn mắc ca. Việc này làm đất bị chai cứng, tiêu diệt vi sinh vật có lợi trong đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, khiến cây yếu, dễ bị sâu bệnh tấn công và khó giữ quả.

Đảm bảo nước tưới và chăm sóc hợp lý

Nhiệt độ tăng cao, độ ẩm lớn, mưa nắng thất thường dễ khiến cây mắc ca bị sốc sinh lý, ảnh hưởng đến quá trình nuôi quả. Những biến động này thường xảy ra vào mùa xuân, hè hoặc khi chuyển mùa.

Vào mùa khô, nếu đất thiếu nước, cây sẽ bị sốc, dễ rụng hoa và quả. Bà con nên tưới đủ ẩm trong suốt thời kỳ ra hoa, nuôi quả, nhất là với những cây dưới 5 năm tuổi. Tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ, bà con có thể làm cỏ thủ công rồi tủ gốc giúp tăng độ ẩm đất, hạn chế cỏ mọc lại. Bên cạnh đó, việc bổ sung phân hữu cơ hoai mục không chỉ giúp đất tơi xốp mà còn tăng sức đề kháng cho cây, giúp cây khỏe mạnh và thích nghi tốt hơn trước những biến động của môi trường. 

Hiện tượng rụng quả trên cây mắc ca có thể phòng ngừa và hạn chế nếu bà con chủ động áp dụng đúng kỹ thuật, bón phân đầy đủ, theo dõi sâu bệnh và canh tác sạch.

Mắc ca là cây trồng tiềm năng, nếu chăm sóc tốt sẽ cho năng suất cao, đầu ra ổn định. Mong bà con hãy cùng thực hiện các biện pháp trên để giữ vững năng suất, nâng cao giá trị.

Trong lúc chưa có danh mục các loại thuốc BVTV được dùng trên cây mắc ca, bà con tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ để phun phòng trừ sâu bệnh. Chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV được khuyến cáo dùng trên cây ăn quả nói chung. Nếu sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại, thời gian tồn dư kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ sản phẩm sau này và đe dọa đến môi trường, sức khỏe.

Xem thêm
Thu nhập tiền tỷ từ nuôi dúi, don, chồn theo chuỗi khép kín

Nhiều hộ dân miền Tây chọn nuôi dúi, don, chồn... theo mô hình liên kết bao tiêu, vừa giúp tăng thu nhập, vừa mở ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp đặc sản.

Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nâng tầm nông sản từ những mô hình trang trại bền vững

Hưng Yên đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư phát triển trang trại theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất - tiêu thụ, tạo nền tảng vững chắc để nâng tầm giá trị nông sản.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Bình luận mới nhất