| Hotline: 0983.970.780

Châu chấu tre tràn xuống ruộng vườn, phá trụi hoa màu

Thứ Tư 09/07/2025 , 19:00 (GMT+7)

HÀ TĨNH Châu chấu tre đang xuất hiện với mật độ cao, gây hại nặng trên một số cây trồng ở Hà Tĩnh.

Khoảng gần 1 tháng trở lại đây, châu chấu tre đã xuất hiện và phá hại hơn 2 sào mía, 4 sào ngô và 1 mẫu cỏ voi của gia đình anh Cao Văn Hùng ở thôn Hòa Sơn, xã Cẩm Hưng, tỉnh Hà Tĩnh. “Châu chấu xuất hiện ở các vườn tre, sau khi ăn hết vườn tre chúng tràn xuống vườn hoa màu của gia đình tôi, toàn bộ diện tích ngô, cỏ, mía bị châu chấu tàn phá. Hiện chúng tôi chưa có biện pháp xử lý triệt để”, anh Hùng lắc đầu ngao ngán.

Nhiều diện tích hoa màu tại Hà Tĩnh bị châu chấu tre phá hại. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhiều diện tích hoa màu tại Hà Tĩnh bị châu chấu tre phá hại. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Không chỉ gây thiệt hại cho các loại cây trồng như ngô, mía, cỏ voi…, châu chấu tre đã xuất hiện tại các cánh đồng lúa tại xã Cẩm Duệ.

Những ngày này, bà Trần Thị Minh (thôn Mỹ Hà, xã Cẩm Duệ) ra đồng từ sáng sớm để kiểm tra và thực hiện các biện pháp đuổi châu chấu đang gây hại trên ruộng lúa. Bà lo lắng cho biết: "Châu chấu đã phá hại cây trồng trong vườn, giờ đã lan ra ruộng lúa. Hiện chúng tôi đang chờ cơ quan chuyên môn hướng dẫn xử lý”.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng thôn Mỹ Hà cho biết, hiện châu chấu đã tràn về phá hại rất nhiều cây trồng tại các cánh đồng của thôn. "Người dân đã dùng các biện pháp như bẫy, bắt, đồng thời lấy nước ngập ruộng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu tre gây ra. Ngoài ra, sâu cuốn lá và các loại rầy như rầy nâu, rầy lưng trắng hiện cũng phát sinh gây hại cho lúa với diện tích khá lớn khiến chúng tôi hết sức lo lắng”, ông Thuận nói.

Châu chấu tre xuất hiện mật độ cao tại các cánh đồng lúa. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Châu chấu tre xuất hiện mật độ cao tại các cánh đồng lúa. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Qua kiểm tra của ngành chuyên môn, châu chấu tre là đối tượng dịch hại lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với mật độ cao, gây hại nặng trên một số cây trồng như tre, giang, ngô, cỏ voi, mía..., nhất là tại khu vực rừng phòng hộ Kẻ Gỗ, vùng ven rừng thuộc các xã Cẩm Duệ, Cẩm Lạc, Cẩm Hưng... với diện tích nhiễm khoảng 10 ha. Cùng với châu chấu, dự báo thời gian tới một số dịch hại tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ lây lan ra diện rộng, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến năng suất cây trồng vụ hè thu.

Để chủ động hạn chế thấp nhất thiệt hại do sinh vật gây hại trên gây ra, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh đã trực tiếp kiểm tra tại các địa phương, chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá tình hình, diễn biến dịch hại. Huy động các nguồn lực, nhân lực tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, trừ dịch hại hiệu quả, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất. Thường xuyên bám sát đồng ruộng, thực hiện điều tra, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến để phát hiện sớm và tham mưu, thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, trừ dịch hại.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh kiểm tra thiệt hại do châu chấu tre gây ra tại xã Cẩm Hưng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh kiểm tra thiệt hại do châu chấu tre gây ra tại xã Cẩm Hưng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Đồng thời trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ dịch hại. Cụ thể như sau:

- Đối với châu chấu tre: Khi mật độ cao và thiếu thức ăn, châu chấu tre di cư từ khu vực rừng phòng hộ, các vùng ven rừng về vùng đồng bằng gây hại trên lúa và cây trồng cạn, sử dụng các biện pháp phòng, trừ như:

Biện pháp thủ công: Sử dụng vợt, bẫy (túi nilon lớn mở miệng, dùng đèn để thu hút châu chấu bay vào rồi đóng miệng túi lại).

Biện pháp hóa học: Hiện nay, châu chấu tre xuất hiện với pha phát dục trưởng thành, việc sử dụng thuốc BVTV để phòng, trừ hiệu quả thấp so với thời điểm châu chấu non còn co cụm chưa phát tán rộng. Thời điểm phun vào sáng sớm hoặc chiều mát vì đây là thời điểm châu chấu ít di chuyển. Khi tiến hành phun trừ nên tổ chức phun tập trung, phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt, tránh để châu chấu phát tán gây hại trên diện rộng rất khó kiểm soát.

Sau khi gây hại ở các rừng tre, châu chấu tràn xuống các cánh đồng gây hại lúa. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sau khi gây hại ở các rừng tre, châu chấu tràn xuống các cánh đồng gây hại lúa. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sử dụng thuốc BVTV có nồng độ, liều lượng khuyến cáo phun cho 1 ha (10.000 m2) như sau:

+ Diditox 40EC: Pha 1 lít thuốc vào 600 lít nước.

+ Neretox 95WP: Pha 1 kg thuốc vào 600 lít nước

+ Anvado 100WP: Pha 0,75 kg thuốc vào 600 lít nước.

Lưu ý: Trong quá trình sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng trừ dịch hại trên cây trồng vụ hè thu 2025. Theo đó yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ngành chức năng khẩn trương tổ chức, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng vụ hè thu.

 

Xem thêm
Thu nhập tiền tỷ từ nuôi dúi, don, chồn theo chuỗi khép kín

Nhiều hộ dân miền Tây chọn nuôi dúi, don, chồn... theo mô hình liên kết bao tiêu, vừa giúp tăng thu nhập, vừa mở ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp đặc sản.

Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nâng tầm nông sản từ những mô hình trang trại bền vững

Hưng Yên đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư phát triển trang trại theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất - tiêu thụ, tạo nền tảng vững chắc để nâng tầm giá trị nông sản.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Bình luận mới nhất