
Nạn châu chấu giai đoạn 2019-2020 đã đẩy người dân châu Phi đến bờ vực khi thường xuyên phải đối mặt với xung đột, thiên tai, khủng hoảng thiếu hàng tiêu dùng, lương thực và nạn đói. Ảnh: FAO.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vừa phát đi cảnh báo về tình hình dịch hại châu chấu sa mạc tại khu vực Tây Bắc châu Phi. Các đàn châu chấu, xuất phát từ vùng Sahel, đang di chuyển về phía nam Sahara, đang có nguy cơ bùng phát thành dịch hại nghiêm trọng.
Hoạt động sinh sôi của châu chấu sa mạc gia tăng rõ rệt từ cuối tháng 2 đến tháng 3, bắt đầu từ khu vực miền trung Algeria, phía tây Libya và miền nam Tunisia. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi cho sinh sản, mật độ châu chấu năm nay được ghi nhận cao hơn nhiều so với hàng năm.
Gió và mưa - hai yếu tố chính góp phần đưa châu chấu từ miền nam Algeria, bắc Mali, Niger và Chad tiến lên phía bắc. Tại các vùng Sahel, châu chấu đã sinh sản từ tháng 8 đến tháng 3 và đang đổ về khu vực Tây Bắc châu Phi, đặc biệt tại hai bên dãy núi Hoggar (Algeria) và vùng Fezzan (tây nam Libya).
Hiện FAO đã nâng mức cảnh báo tình hình ở khu vực phía Tây, đồng thời kêu gọi tăng cường theo dõi, giám sát.
“Cần khẩn trương triển khai khảo sát và kiểm soát tại những nơi có mưa vào mùa đông và đầu xuân – vốn là điều kiện lý tưởng cho châu chấu sinh sản", ông Cyril Piou, chuyên gia giám sát và dự báo châu chấu của FAO cho biết. “Từ tháng 1, FAO đã dự báo rằng trứng châu chấu sẽ nở và hình thành các đàn non trong tháng 4. Nếu không kiểm soát kịp thời, các bầy đàn này sẽ phát triển thành châu chấu trưởng thành vào tháng 5 và 6, đe dọa nghiêm trọng mùa màng và các đồng cỏ".
FAO khuyến cáo các nước tiến hành khảo sát thực địa chuyên sâu tại các khu vực "nóng" mà châu chấu sinh sản - trải dài từ phía nam dãy Atlas (Maroc), xuyên qua Sahara (Algeria), đến miền nam Tunisia và phía tây Libya. Những khu vực này đã có đủ lượng mưa để phát triển thảm thực vật – môi trường lý tưởng cho châu chấu sinh sôi.
Châu chấu sa mạc (Schistocerca gregaria) là một trong những loài côn trùng di cư gây hại nghiêm trọng nhất thế giới. Khi gặp điều kiện thời tiết và môi trường thuận lợi, chúng kết thành những đàn lớn, di chuyển nhanh và tàn phá trên diện rộng. Mỗi đàn có thể trải rộng từ vài đến hàng trăm km², với mật độ lên tới 80 triệu con mỗi km² – tiêu thụ lượng thực phẩm tương đương khẩu phần ăn của 35.000 người mỗi ngày. Sự bùng phát của các đàn châu chấu như vậy là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người dân nông thôn.
Thông qua Hệ thống Thông tin Châu chấu Sa mạc toàn cầu (DLIS) và Ủy ban Kiểm soát Châu chấu Sa mạc khu vực Tây (CLCPRO), FAO theo dõi 24/7 diễn biến dịch hại, kết hợp dữ liệu thực địa từ các quốc gia, thông tin thời tiết và hình ảnh vệ tinh để đưa ra cảnh báo và dự báo trước tới 6 tuần. Đồng thời, FAO phối hợp với các quốc gia tổ chức các chiến dịch khảo sát, kiểm soát, nâng cao năng lực phòng chống và hỗ trợ khẩn cấp khi xảy ra dịch châu chấu quy mô lớn.