| Hotline: 0983.970.780

Đức chuyển giao hơn 200 tên lửa Patriot và đạn pháo tầm xa cho Ukraine

Chủ Nhật 11/05/2025 , 16:58 (GMT+7)

Sự hỗ trợ quân sự đến từ Berlin trong bối cảnh phương Tây kêu gọi lệnh ngừng bắn không điều kiện kéo dài 30 ngày với Nga.

Tình trạng thiếu hụt vũ khí của Ukraine, đặc biệt là các hệ thống tên lửa tầm xa và phòng thủ như Patriot, đang đặt nước này vào thế khó giữa lúc nguồn viện trợ từ Mỹ có nguy cơ cạn kiệt. Ảnh: Lockheed Martin.

Tình trạng thiếu hụt vũ khí của Ukraine, đặc biệt là các hệ thống tên lửa tầm xa và phòng thủ như Patriot, đang đặt nước này vào thế khó giữa lúc nguồn viện trợ từ Mỹ có nguy cơ cạn kiệt. Ảnh: Lockheed Martin.

Ngày 10/5, The New York Times (NYT) dẫn lời một quan chức Quốc hội Mỹ cho biết, Washington đã phê duyệt đề xuất của Đức trong việc chuyển giao 100 tên lửa phòng không Patriot và 125 tên lửa pháo binh tầm xa cho Ukraine. Mặc dù các khí tài này có nguồn gốc từ Berlin, quy trình chuyển giao vẫn cần có sự đồng thuận từ Mỹ do ràng buộc về xuất khẩu vũ khí.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Friedrich Merz nhậm chức Thủ tướng Đức hồi tuần trước. Ngay sau đó, Berlin cùng với Mỹ và nhiều nước phương Tây đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi Moscow chấp thuận một lệnh ngừng bắn toàn diện và không điều kiện kéo dài 30 ngày, bắt đầu từ 10/5.

Tình trạng thiếu hụt vũ khí của Ukraine, đặc biệt là các hệ thống tên lửa tầm xa và phòng thủ như Patriot, đang đặt nước này vào thế khó giữa lúc nguồn viện trợ từ Mỹ có nguy cơ cạn kiệt. Phát biểu với NYT, ông Yehor Chernev, Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc gia, Quốc phòng và Tình báo của Quốc hội Ukraine, thừa nhận châu Âu chưa đủ năng lực để thay thế vai trò của Mỹ trong hỗ trợ quân sự.

“Châu Âu đang nỗ lực bù đắp sự thiếu hụt từ Mỹ, nhưng thật không may, họ không đủ năng lực để làm điều đó”, ông Chernev nói.

Chuyên gia quốc phòng Matthew Savill từ Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông cho rằng, các nước châu Âu đang rơi vào tình thế lưỡng nan khi vừa phải tự tái vũ trang, vừa hỗ trợ Ukraine, trong khi năng lực công nghiệp quốc phòng hiện tại không thể đáp ứng cả hai yêu cầu cùng lúc. Chuyên gia Savill nhận định, châu Âu chỉ có thể thay thế Mỹ về mặt quân sự “trong trung và dài hạn”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/5 ra tuyên bố kêu gọi Nga thể hiện “hành động cụ thể chứ không chỉ là lời nói” nếu thực sự nghiêm túc với lệnh ngừng bắn.

Khó khăn của Ukraine gia tăng trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump - người đã quay trở lại Nhà Trắng - đang cân nhắc thu hẹp hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu. Nguồn viện trợ từ chính quyền tiền nhiệm Joe Biden dự kiến sẽ cạn kiệt trong mùa hè năm nay.

Tuy vậy, theo nguồn tin ngoại giao của Kyiv Post, ngày 1/5, chính quyền Tổng thống Trump đã gửi thông báo tới Quốc hội Mỹ về ý định cho phép xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng sang Ukraine theo hình thức bán thương mại trực tiếp (DCS) với giá trị từ 50 triệu USD trở lên. Thương vụ này dự kiến bao gồm việc cung cấp cả vật tư, dữ liệu kỹ thuật và dịch vụ quốc phòng liên quan.

Ngoài ra, chỉ hơn một tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua gói cung cấp và bảo dưỡng máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Gói này có giá trị 310 triệu USD.

(Theo NYT, Kyiv Post)

Xem thêm
Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Cần có hành động thực chất để bảo tồn biển

Đây là ý kiến của các đại biểu tham gia tại Hội nghị Đại dương của chúng ta (OOC) lần thứ 10 vừa diễn ra tại Busan, Hàn Quốc.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.