Để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trái cây Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khác. Tuy nhiên, để trái cây đứng vững tại các thị trường khác và ngay tại chính thị trường Trung Quốc, chất lượng và an toàn thực phẩm luôn phải đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khẳng định, trước đây, chúng ta phân ra những thị trường khó tính và những thị trường dễ tính dựa trên yêu cầu của các thị trường về chất lượng và nhất là an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay, thị trường nào cũng là thị trường khó tính, thị trường nào cũng yêu cầu chất lượng phải cao và phải an toàn cho người sử dụng.

Các thị trường nhập khẩu trái cây hiện đều yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm. Ảnh: Minh Sáng.
Chính vì vậy, để trái cây Việt Nam có thể vào được bất cứ thị trường nào, điều đầu tiên là phải đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị trái cây.
Đồng thời, sản xuất trái cây phải được tổ chức lại để có sản phẩm đủ lớn, đồng đều, đồng nhất về kích thước, hình dạng, chất lượng... Vì thế, ông Bình cho rằng phải có sự liên kết giữa những nhà vườn, trang trại với nhau, để sản xuất ra cùng một loại sản phẩm với sản lượng lớn và chất lượng như nhau. Khi ấy, ngành trái cây sẽ có sự chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cao và việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, sản xuất trái cây cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao tỉ lệ tự động hóa, cơ giới hóa, qua đó có thể tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.
Ứng dụng các công nghệ mới cũng sẽ giúp cho sản xuất trái cây giảm sử dụng tài nguyên và tăng cường bảo vệ môi trường, qua đó xây dựng hình ảnh tốt hơn cho trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo ông Bình, đây là một yêu cầu rất quan trọng vì hiện nay tất cả các thị trường trên thế giới đều đang yêu cầu về sản xuất xanh, giảm phát thải...
Phát triển công nghiệp chế biến trái cây cũng là một giải pháp quan trọng nhằm đưa trái cây Việt Nam đi xa hơn. Ông Bình cho biết, Trung Quốc là thị trường gần, thuận lợi cho việc xuất khẩu trái cây tươi. Nhưng để đưa trái cây tới những thị trường xa như châu Âu, Mỹ..., nếu chỉ dựa vào trái cây tươi thì không thể xuất được nhiều, vì thời gian bảo quản của trái cây tươi rất ngắn. Nhiều thị trường lại có xu hướng thích sử dụng trái cây chế biến hơn là trái cây tươi do tính tiện dụng.

Mùa mận chín ở cao nguyên Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Minh Sáng.
Vì vậy, cần phải đẩy mạnh đầu tư vào chế biến trái cây để khắc phục những nhược điểm của trái cây tươi, đồng thời tạo ra được nhiều loại sản phẩm khác nhau, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng ở những thị trường xa, thị trường lớn. Sản xuất, xuất khẩu trái cây chế biến còn làm tăng cao giá trị của trái cây Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần đảm bảo sao cho doanh nghiệp, nông dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định liên quan tới trái cây xuất khẩu, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm nhằm răn đe các tổ chức, cá nhân đang có ý định vi phạm về mã vùng trồng, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm.
Về mặt thị trường, ngoài việc đẩy mạnh khai thác tối đa những thị trường truyền thống, phải có chính sách thiết thực nhằm phát triển những thị trường mới cho trái cây nói riêng, nông sản nói chung. Cụ thể là Nhà nước cần có những quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động như xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.