Vụ đông xuân 2025, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (cũ) sản xuất một số cây trồng chủ lực gồm 7.020 ha lúa, hơn 4.342 ha lạc, 1.942 ha sắn, hơn 556 ha ớt, 273 ha dưa hấu và 150 ha hành... Trong vụ này, toàn huyện đã triển khai thực hiện được 3 cánh đồng lớn sản xuất lúa giống với tổng diện tích hơn 108 ha. Các cánh đồng lớn lúa đều phát triển tốt hơn hẳn so với diện tích ngoài cánh đồng trong cùng điều kiện chân đất và mức độ thâm canh, năng suất cao hơn từ 2 đến 4 tạ/ha so với đối chứng.

Lạc là một trong những cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Phù Cát (cũ). Ảnh: Trường Giang.
Nhằm ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết và nâng cao hiệu quả kinh tế huyện Phù Cát đã chuyển đổi 1.683 ha đất trồng lúa và trồng sắn kém hiệu quả sang cây trồng cạn, tăng 14 ha so với cùng kỳ. Việc thực hiện chuyển đổi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản xuất lúa và chuyên sắn trên cùng chân đất, giúp tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh và phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã triển khai thực hiện 3 mô hình khuyến nông ở các địa phương có điều kiện gồm: Mô hình trồng dừa theo hướng hữu cơ ở xã Cát Hiệp (cũ) quy mô 30 ha; mô hình trồng xoài theo hướng VietGAP ở xã Cát Hanh (cũ) quy mô 20ha và mô hình trồng ớt VietGAP ở xã Cát Minh (cũ) quy mô 2ha. Đồng thời hướng dẫn nhân dân quy trình kỹ thuật canh tác thâm lạc sử dụng phân bón cân đối, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hợp lý gắn với sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Vụ hè thu 2025, trên địa bàn huyện Phù Cát (cũ) triển khai thực hiện 33 cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết với diện tích 1.464 ha. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa và trồng sắn kém hiệu quả sang cây trồng cạn với diện tích 1.214 ha.