| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

Thứ Năm 10/07/2025 , 08:36 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Cộng hưởng sức mạnh, kiến tạo cực tăng trưởng mới

TP Hải Phòng mới đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử, sau khi sáp nhập cùng tỉnh Hải Dương, một không gian phát triển mới đã mở ra, đòi hỏi một cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện và sâu sắc. Kế hoạch này không chỉ là một sáng kiến của ngành mà còn được định hướng bởi tầm nhìn chiến lược và sự thống nhất hành động ở cấp cao nhất, với quyết tâm kiến tạo một cực tăng trưởng nông nghiệp hiện đại, xứng tầm vị thế mới.

Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh (cũ) đang chờ được quy hoạch lại với những định hướng phát triển bài bản hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh (cũ) đang chờ được quy hoạch lại với những định hướng phát triển bài bản hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Với Hải Phòng (cũ), thế mạnh biển là không thể bàn cãi, kinh tế thủy sản luôn là ngành sản xuất chính, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 1,71%/năm. Thành phố đã quyết liệt trong việc chống khai thác IUU, hiện đại hóa đội tàu, đưa công tác quản lý đi vào nền nếp với 100% tàu cá bắt buộc đã lắp đặt VMS. Đây chính là vai trò "cửa ngõ ra biển", một trung tâm logistics và kinh tế biển hàng đầu.

Trong khi đó, Hải Dương (cũ) lại là một “vựa lúa”, một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của đồng bằng sông Hồng. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 2,8%/năm, nông nghiệp Hải Dương đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đặc biệt là rau màu và cây ăn quả. Tỉnh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chương trình OCOP với 475 sản phẩm OCOP và 60 làng nghề truyền thống, trong đó có 8 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao. Đặc biệt, Hải Dương đã sớm tiên phong trong chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.

Do vậy, việc sáp nhập đã tạo ra cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của 2 địa phương tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, đồng thời cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp, nông thôn khi hai địa phương sáp nhập. Bên cạnh đó, sự kết hợp của 2 địa phương, giữa thế mạnh cảng biển và một Hải Dương với nền nông nghiệp nội địa phát triển chính là tiền đề hiếm có để tạo ra một chuỗi giá trị nông sản hoàn chỉnh, kết nối liền mạch từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu.

Hải Dương có thể mạnh về trồng trọt, được ví như một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Dương có thể mạnh về trồng trọt, được ví như một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng có nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là thủy sản và chăn nuôi. Trước khi sáp nhập, thành phố đã và đang tập trung vào các loại thủy sản chủ lực, năng suất cao như tôm thẻ, tôm sú, cá trắm, cá rô phi, đồng thời khuyến khích các mô hình nuôi theo hướng chế biến và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến. Trong chăn nuôi, Hải Phòng có thể hướng tới phát triển trang trại quy mô lớn, an toàn sinh học và hữu cơ.

Không gian mới, kỳ vọng mới

Tầm nhìn phát triển của ngành nông nghiệp và môi trường Hải Phòng mới không chỉ dừng lại ở định hướng chung mà đã được cụ thể hóa bằng những chỉ tiêu rõ ràng, là kết quả của sự thống nhất cao giữa lãnh đạo ngành nông nghiệp của hai địa phương.

Theo đó, tại kỳ Đại hội Đảng bộ ngành nông nghiệp và môi trường thành phố Hải Phòng diễn ra ngay trước thềm sáp nhập đã đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt từ 2-3%/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp, thủy sản đạt 230 triệu đồng.

Đặc biệt, chương trình OCOP sẽ được đẩy mạnh với mục tiêu đạt 500 sản phẩm, trong đó có ít nhất 30% sản phẩm đạt 4 sao trở lên, và 100% sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển ít nhất 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Hải Phòng có lợi thế về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng có lợi thế về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Ảnh: Đinh Mười.

Về môi trường, các chỉ tiêu cũng rất cụ thể: 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 95% ở nông thôn được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn; duy trì độ che phủ rừng đạt 8,5%. Đây là một kế hoạch hành động bài bản, có lộ trình, đo lường được, thể hiện sự cộng hưởng sức mạnh và quyết tâm biến tiềm năng thành những kết quả cụ thể.

Để biến tầm nhìn thành hiện thực, Hải Phòng cần xác định 4 nhóm giải pháp đột phá, được xem là 4 trụ cột chính cho sự phát triển của ngành trong giai đoạn tới. Một là, đột phá về thể chế và chính sách, thành phố sẽ chủ động rà soát, điều chỉnh các quy hoạch vùng sản xuất, không gian biển cho phù hợp với quy hoạch tổng thể mới, kết nối hài hòa giữa các vùng sản xuất nội địa của Hải Dương (cũ) với các khu vực ven biển và trung tâm logistics của Hải Phòng (cũ). Đồng thời, sẽ tham mưu xây dựng các chính sách đặc thù, đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp "đầu đàn" đầu tư vào cả lĩnh vực chế biến sâu và logistics nông nghiệp, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai.

Hai là, đột phá về khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, đây được xác định là động lực chính cho tăng trưởng. Hải Phòng cần kế thừa và phát huy kinh nghiệm đi đầu về chuyển đổi số của Hải Dương (cũ) trong nông nghiệp, nhân rộng các mô hình ứng dụng bản đồ số, truy xuất nguồn gốc, nhật ký điện tử ra toàn bộ địa bàn thành phố mới, hướng tới mục tiêu 100% sản phẩm OCOP có mặt trên không gian mạng.

Trước khi sáp nhập, Hải Phòng và Hải Dương từng thường xuyên phối hợp để kết nối tiêu thụ nông sản, cùng cộng hưởng để phát huy các thế mạnh của nhau để phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

Trước khi sáp nhập, Hải Phòng và Hải Dương từng thường xuyên phối hợp để kết nối tiêu thụ nông sản, cùng cộng hưởng để phát huy các thế mạnh của nhau để phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.

Ba là, đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố sẽ ưu tiên đào tạo nông dân sản xuất các ngành hàng chủ lực, lao động trong các trang trại, doanh nghiệp. Đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kiến thức thị trường và marketing, năng lực khởi nghiệp cho các chủ thể OCOP, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã. Cùng với đó sẽ có các chương trình đào tạo chéo, đưa kinh nghiệm sản xuất công nghệ cao từ vùng nội địa ra ven biển và ngược lại.

Bốn là, đột phá về hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, đây là giải pháp mang tính nền tảng và bền vững. Hải Phòng sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ, từ hệ thống thủy lợi nội đồng đến hệ thống đê biển. Trọng tâm là xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu dịch vụ hậu cần thủy sản hiện đại để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm nghề cá lớn, đồng thời đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh (kho lạnh, xe chuyên dụng) để kết nối các vùng sản xuất với cảng biển.

Việc đưa ra những chiến lược chung mới về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hải Phòng sau sáp nhập không chỉ là một kế hoạch kinh tế, mà còn là một cuộc cách mạng trong tư duy và hành động. Sự kết hợp lợi thế, nguồn lực giữa “đất Cảng” và “xứ Đông” chắc chắn sẽ đánh thức tiềm năng về nông nghiệp, tạo ra trụ cột phát triển vững chắc bên cạnh công nghiệp và dịch vụ, góp phần xây dựng TP Hải Phòng ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

Trước khi sáp nhập, tỉnh Hải Dương có nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Địa phương này đã xây dựng 6 vùng sản xuất nông nghiệp dựa trên những thế mạnh riêng, với các sản phẩm chủ lực như lúa, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi và thủy sản. Hải Dương cũng đang hướng tới việc trở thành trung tâm sản xuất và chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Hồng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xem thêm
Phê duyệt dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao hơn 8.000 tỷ đồng

LÂM ĐỒNG Lâm Đồng phê duyệt dự án bò sữa công nghệ cao hơn 8.000 tỷ đồng tại xã Quảng Sơn, quy mô 50.000 con, kỳ vọng tạo đột phá cho nông nghiệp địa phương.

Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Giống lúa KU57 và sự cố lúa lép: Thông tin dễ gây hiểu lầm pháp lý

Pháp luật về giống lúa quy định giống phải được công nhận lưu hành, không có các khái niệm đăng ký, xin phép trình diễn khảo nghiệm hay cơ cấu giống.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Chàng trai lặng lẽ nuôi cá tầm bằng công nghệ bể nổi giữa rừng sâu

QUẢNG NINH Công nghệ bể nổi không chỉ giúp quản lý tốt môi trường nước, giảm rủi ro dịch bệnh mà còn dễ dàng thay đổi quy mô khi cần thiết.

Bình luận mới nhất