| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức du lịch đường sông ở Hải Phòng: [Bài 1] Những dòng sông đang 'ngủ quên'

Thứ Tư 02/07/2025 , 06:18 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Nếu như du lịch biển, đảo tại TP Hải Phòng đã phần nào định hình, thì du lịch đường sông với tiềm năng lớn vẫn đang bỏ ngỏ như 'nàng công chúa đang ngủ quên'.

Mỗi dòng sông là một câu chuyện

Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất miền Bắc, sông bao quanh từng khu phố, từng xóm làng. Bởi vậy, Hải Phòng được gọi là thành phố của những dòng sông, thành phố của những cây cầu. Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa - lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cảnh sông nước kết hợp đô thị tạo nên vẻ đẹp riêng cho TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Cảnh sông nước kết hợp đô thị tạo nên vẻ đẹp riêng cho TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Với mật độ sông ngòi dày đặc bậc nhất miền Bắc, hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó có những dòng sông huyền thoại như: Bạch Đằng, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình,... len lỏi qua từng khu phố, làng mạc, ôm ấp những di tích lịch sử và tạo nên cảnh quan đô thị ven sông độc đáo, một tài sản vô giá.

Những dòng sông này là “chứng nhân” của lịch sử. Chính trên bờ sông Cấm, nữ tướng Lê Chân đã khai hoang lập ấp, đặt nền móng cho TP Hải Phòng ngày nay. Hay Bạch Đằng Giang - dòng sông linh thiêng, hào hùng, nơi ghi dấu ba trận thủy chiến lừng lẫy chống quân xâm lược, mãi là niềm tự hào dân tộc.

Đi dọc các triền sông là những di tích cổ kính như đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, các đình chùa hàng trăm năm tuổi, những công trình kiến trúc Pháp cổ soi bóng nước hay những làng nghề truyền thống như tạc tượng Bảo Hà, các làng quê, các khu du lịch nông nghiệp nông thôn. Du lịch đường sông tại Hải Phòng phát triển kéo theo đó sẽ giúp các địa phương, các làng nghề, các sản phẩm OCOP được quảng bá, tiếp cận với khách hàng tốt hơn. Từ đó góp phần quan trọng vào thực hiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Sông Bạch Đằng là một dòng sông thi ca nổi tiếng với cảnh quan hùng vĩ và tuyệt đẹp. Sông dài 32km, rộng trung bình 1km, sâu trung bình 8m, đổ ra cửa Nam Triệu, là một trong 2 cửa sông hình phễu lớn nhất Việt Nam. Dòng sông chứa đựng những giá trị văn hóa lịch sử, từng là đường giao thương quan trọng nối Vân Đồn và Thăng Long, nơi diễn ra những trận quyết chiến lịch sử, như 3 trận đại chiến trên sông năm xưa.

Du lịch đường thủy ở Hải Phòng mới đang phát triển tự phát, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Đinh Mười.

Du lịch đường thủy ở Hải Phòng mới đang phát triển tự phát, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Đinh Mười.

Trận chiến năm 1288 do Trần Hưng Đạo chỉ huy đã đánh tan giấc mộng xâm lăng của đế chế Nguyên - Mông, đánh dấu một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử Việt Nam. Khu di tích Bạch Đằng Giang được xây dựng để tưởng nhớ những anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc. Sông Bạch Đằng được coi là một trong chín dòng sông tiêu biểu của Việt Nam, được khắc lên Cửu đỉnh đặt tại sân chầu của cung đình Huế.

Còn với sông Cấm, đây là biểu tượng của sự hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của thành phố Hải Phòng, từng được chọn bởi nữ tướng Lê Chân để lập trang An Biên. Cảng Hải Phòng, hình thành từ bến Ninh Hải của làng chài Cửa Cấm, đã phát triển từ thế kỷ 18 và trở thành cảng duy nhất có đường sắt chạy sát tới cầu cảng. Sắp tới, Cảng Hoàng Diệu sẽ di dời để hình thành dải đô thị hướng sông, tạo điểm du lịch độc đáo. Hai bờ bắc và nam sông Cấm sẽ kể câu chuyện 150 năm của thành phố, với đô thị nội đô lịch sử và đô thị hiện đại.

Ngoài 2 con sông này, Hải Phòng còn có nhiều dòng sông khác như Sông Tam Bạc, Sông Giá, Sông Đa Độ, Sông Thái Bình, Sông Lạch Tray và Sông Văn Úc, mỗi dòng sông đều chứa đựng những câu chuyện riêng biệt.

Ông Vũ Văn Tăng, một người dân sống lâu năm ven sông Lạch Tray, chia sẻ: “Sông nước ở Hải Phòng đẹp và có bề dày lịch sử như thế mà chỉ thấy thuyền chở cát, chở hàng. Thỉnh thoảng có thuyền nhỏ chở vài người đi ngắm cảnh chơi thôi, chứ làm du lịch chuyên nghiệp thì chưa thấy, cũng tiếc lắm”.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Tiềm năng về sông nước là vậy, nhưng thực trạng lại đáng suy ngẫm. Hiện tại, gần như chưa có một tour du lịch đường sông đúng nghĩa nào được tổ chức bài bản tại Hải Phòng. Hoạt động chủ yếu chỉ dừng lại ở vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa hoặc một vài chuyến tham quan tự phát, ngắn ngủi, thiếu điểm nhấn.

Rất ít tàu, thuyền du lịch khai thác các tuyến sông để chở khách du lịch đi trải nghiệm. Ảnh: Đinh Mười.

Rất ít tàu, thuyền du lịch khai thác các tuyến sông để chở khách du lịch đi trải nghiệm. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc tiềm năng du lịch đường thủy chưa được phát huy. Đầu tiên là do cảnh quan hai bên sông chủ yếu là đất nông nghiệp, bãi bồi, nhiều hộ dân sinh sống ven sông và các cơ sở công nghiệp, cảng biển dọc các con sông lớn, không có các yếu tố độc đáo để thu hút quan tâm của khách du lịch.

Thứ hai, chất lượng nước sông đang có dấu hiệu ô nhiễm do nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình và có đường bờ biển dài, Hải Phòng là nơi hứng chịu nhiều nguồn ô nhiễm từ thượng nguồn đổ về kết hợp với tốc độ phát triển của các ngành kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp, gia tăng dân số đô thị nhanh chóng đã xả ra lượng nước thải lớn ra các con sông.

Cuối cùng là do các con sông lớn chủ yếu phục vụ cho giao thông, lượng tàu bè di chuyển trên sông khá lớn, không có không gian cho các hoạt động trải nghiệm du lịch.

Ở góc độ khác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng đã chỉ ra 4 nguyên nhân, trong đó rào cản lớn nhất chính là hạ tầng giao thông đường thủy còn kém. Hải Phòng thiếu trầm trọng các bến tàu du lịch chuyên dụng, hiện đại cho cả khách nội địa và quốc tế, đặc biệt là các bến phục vụ tour sông.

Khách du lịch thích thú khi được trải nghiệm trên các con sông ngắm thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Khách du lịch thích thú khi được trải nghiệm trên các con sông ngắm thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Các cảng hiện có chủ yếu phục vụ hàng hóa, không gian và dịch vụ không phù hợp đón khách du lịch. Ngay cả bến du thuyền Vũ Yên do doanh nghiệp đầu tư cũng có quy mô còn khiêm tốn và chủ yếu phục vụ nội khu. Luồng lạch một số tuyến sông chưa được nạo vét thường xuyên, gây khó khăn cho tàu thuyền lớn. Rồi cảnh quan ven sông nhiều nơi còn nhếch nhác, ô nhiễm cục bộ từ rác thải sinh hoạt và công nghiệp cũng làm giảm sức hấp dẫn.

Thêm vào đó, Hải Phòng chưa có một chiến lược tổng thể, một quy hoạch bài bản dành riêng cho phát triển du lịch đường sông. Các sản phẩm du lịch gần như bằng không, thiếu sự đầu tư sáng tạo để biến những câu chuyện lịch sử, những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc ven sông thành những trải nghiệm hấp dẫn du khách. Việc kết nối du lịch đường sông với các điểm tham quan trên bờ, với du lịch biển đảo cũng còn rất lỏng lẻo.

“Điều trăn trở nhất của những người làm du lịch đất Cảng là mặc dù là thành phố có tài nguyên sông nước đa dạng, phong phú nhất Miền Bắc, được mệnh danh là thành phố của những dòng sông và những cây cầu, vậy mà Hải Phòng lại chưa phát triển du lịch đường sông. Mỗi dòng sông Hải Phòng đều có câu chuyện riêng rất hay, rất hấp dẫn, vậy tại sao du lịch đường sông Hải Phòng vẫn ngủ yên? Đến bao giờ du lịch đường sông mới thành sản phẩm chủ lực, đẳng cấp quốc tế”, Tiến sĩ Dương Đức Hùng – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng trăn trở.

Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 300 phương tiện thuỷ nội địa hoạt động vận tải hành khách và khách du lịch thuộc 150 đơn vị kinh doanh vận tải. Trong đó các phương tiện hoạt động vận tải khách du lịch chủ yếu tập trung tại khu vực các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà (hơn 200 phương tiện) với hình thức đưa đón khách tham quan vịnh và lưu trú ngủ đêm; một số ít hoạt động vận tải khách du lịch tuyến Đồ Sơn - Hòn Dấu (chủ yếu hoạt động đưa đón khách vào mùa lễ hội); Vận tải khách theo tuyến cố định chủ yếu tập trung tại tuyến bến Đồng Bài (Cát Hải) và bến Cái Viềng (Cát Bà).

Xem thêm
Cậu bé Tày vẫn khám phá những linh hồn ẩn giấu

Cậu bé Tày Hoàng Nhật Quang từng được trao giải thưởng Dế Mèn 2023, tiếp tục chứng minh tài năng mỹ thuật ở tuổi 13 bằng triển lãm ‘Những linh hồn ẩn giấu 2'.

Công an Hà Nội vào chung kết Cúp Quốc gia 2024/2025

Tối 26/6, Công an Hà Nội giành quyền vào chơi trận chung kết Cúp Quốc gia 2024/25 sau chiến thắng 3-1 trước Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất