Cần chiến lược bài bản
Trước thực trạng du lịch đường sông gần như bị các doanh nghiệp bỏ ngỏ trong việc khai thác thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng đã có những động thái cụ thể để khơi dậy tiềm năng hiếm có này.
Đáng chú ý có lẽ là cuộc Hội thảo với chủ đề “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp đột phá” được tổ chức vừa qua để tìm kiếm giải pháp cho việc khai thác tiềm năng du lịch đường sông của thành phố Cảng.

Cuộc hội thảo này, các chuyên gia đã nhìn nhận đúng tiềm năng, lợi thế cũng như những "điểm nghẽn", thách thức đang cản trở sự phát triển du lịch đường thủy của Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.
Cuộc hội thảo này đã đánh giá khách quan, tham khảo kinh nghiệm và đề xuất định hướng chiến lược, cũng như tìm kiếm giải pháp cụ thể về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm, cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ môi trường với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch và đối tác liên kết.
Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, du lịch đường thủy không chỉ là sản phẩm đặc thù mà còn là cơ hội để Hải Phòng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức truyền thông. Việc xúc tiến, quảng bá bài bản và chiến lược sẽ đóng vai trò then chốt, góp phần đưa sản phẩm du lịch đường thủy Hải Phòng đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Hải Phòng có mạng lưới sông phong phú và hệ thống cảng biển quốc tế, tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch đường thủy kết nối nội đô và các điểm đến ven biển, liên kết vùng. Đây có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt của Hải Phòng nếu được khai thác triệt để và hiệu quả.
“Cần có chiến lược đầu tư bài bản và lâu dài để phát triển du lịch đường thủy, đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế và nội địa. Cần phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng tour, tuyến theo chuyên đề và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ du khách đến từ đường sông, đường thủy. Địa phương cần có quy hoạch tổng thể để phát triển du lịch sông nước mà không ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường”.

Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng chia sẻ những tiềm năng du lịch đường sông trên địa bàn. Ảnh: Đàm Thanh.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp V24 đánh giá, hệ thống sông tại Hải Phòng có tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đô thị, du lịch xanh gắn với trải nghiệm thiên nhiên và bảo tồn cảnh quan, di tích văn hóa lịch sử, công trình kiến trúc dọc hai bên bờ sông.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, du lịch đường sông ít phát thải, có khả năng giảm áp lực lên hệ thống giao thông mặt đất, đồng thời khuyến khích tái thiết kế không gian hai bên bờ sông thành công viên, bến thuyền, không gian văn hóa - thương mại.
Ông Hoàng Tuấn Anh khẳng định, Hải Phòng có đủ điều kiện, tiền năng để có thể tạo ra bản sắc riêng cho du lịch đường sông, thúc đẩy liên kết vùng và phát triển xanh. Tuy nhiên, để hiện thực hóa, cần sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là thông qua cơ chế hợp tác công - tư (PPP) với tầm nhìn chiến lược và cam kết dài hạn.
“Mô hình hợp tác công - tư là chìa khóa để giải bài toán thiếu vốn, thiếu quản lý hiệu quả, đồng thời khai thác đồng bộ tài nguyên ven sông. Việc quy hoạch rõ ràng, có chiến lược từng giai đoạn, và xác định đúng vai trò các bên là điều kiện tiên quyết để thành công”.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hải Phòng, để phát triển du lịch đường thủy, thành phố cần quy hoạch hành lang du lịch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, bảo tồn giá trị, kết nối giao thông xanh và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, phát triển du lịch đường thủy ở Hải Phòng cũng đối mặt với thách thức như ô nhiễm môi trường nước, xói lở bờ sông, quản lý quy hoạch và kết nối đồng bộ. Để giải quyết các vấn đề này, cần có biện pháp kiểm soát ô nhiễm, giải pháp kè bờ, quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch, và đầu tư vào kết nối hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
4 giải pháp căn cơ
Theo Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, du lịch đường sông là một loại hình du lịch tổng hợp, bao gồm nhiều hoạt động như tìm hiểu văn hóa, lịch sử; tham quan cảnh quan, sinh thái; vui chơi giải trí; ăn uống, mua sắm, nghỉ dưỡng...

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch đường sông tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.
Đây là một trải nghiệm độc đáo, ấn tượng cho du khách, mang lại cảm giác thư thái, mênh mang, khoáng đạt. Nhiều quốc gia trên thế giới như Thụy Sỹ, Pháp, Úc, Ý, Trung Quốc, Thái Lan,... đã phát triển du lịch đường sông thành công.
Tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, du lịch đường sông chưa được khai thác xứng với tiềm năng. Đây là vấn đề mới và khó, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với những thế mạnh của mình, du lịch Hải Phòng đang được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa, sinh thái sẽ là hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2030. Trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tập trung nghiên cứu, thực hiện 4 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, quy hoạch đồng bộ hạ tầng du lịch đường sông và xây dựng đề án phát triển du lịch đường sông, đồng thời thu hút các nguồn lực để thực hiện đề án. Các tuyến đường sông cần được nạo vét, mở rộng để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các hoạt động du lịch. Cần xây dựng các bến tàu, cầu cảng phù hợp, đồng thời phát triển các dịch vụ hỗ trợ như nhà hàng, khách sạn, khu trải nghiệm ven sông, hệ thống chiếu sáng,… để nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc cùng cảnh quan các làng quê tuyệt đẹp từ chương trình xây dựng nông thôn mới, du lịch đường sông hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách nếu được khai thác hiệu quả. Ảnh: Đinh Mười.
Thứ hai, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, riêng có của Hải Phòng. Mở tuyến du lịch sông - biển kết nối đô thị nội đô lịch sử với di sản thiên nhiên thế giới là quần đảo Cát Bà, đồng thời mở các tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm đến văn hóa, lịch sử của địa phương và kết nối các di sản của nền văn minh sông Hồng.
Xây dựng các show diễn đẳng cấp quốc tế trên mặt sông, thiết kế những con tàu thật đẹp, mang đặc trưng Hải Phòng và phù hợp với từng loại hình du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, để mỗi dòng sông sẽ kể một câu chuyện lịch sử, chở đầy những giá trị văn hóa và được bao bọc bởi các cảnh quan và hệ sinh thái riêng biệt. Khi đó, các sản phẩm du lịch đường sông sẽ tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách.
Thứ ba, cần tăng cường liên kết vùng, phát huy lợi thế vùng cửa sông, cửa biển với có 16 tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Từ Hải Phòng, tàu du lịch có thể đi đến hầu hết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Việc tăng cường liên kết vùng, xây dựng các tour liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông sẽ giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn.
Cuối cùng là sẽ tăng cường quản lý về lĩnh vực môi trường. Du lịch đường sông phải là du lịch xanh và phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường sông nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong phát triển du lịch đường sông. Trong quá trình phát triển du lịch đường sông cần áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, rác thải hiệu quả để cảnh quan thiên nhiên ven sông đảm bảo xanh mát, sạch đẹp và được bảo tồn theo quy định.
Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2021-2030, Hải Phòng sẽ nâng cấp và mở rộng các cảng khách, đầu tư xây dựng 5 cảng khách mới. Cảng khách Hải Phòng sẽ được nâng cấp từ bến Bính và cảng Hoàng Diệu, có công suất khoảng 500 nghìn hành khách/năm. Ngoài ra, còn có kế hoạch nâng cấp 2 bến khách và 2 bến tàu khách tại Cát Bà, cũng như xây dựng cảng hành khách tại vịnh Đồng Hồ. Quy hoạch cũng bao gồm việc xây dựng 2 cảng tổng hợp tại Bạch Long Vỹ và xã Hoàng Động để phục vụ vận chuyển người, hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đảo Bạch Long Vỹ.