Dự án “Giảm thiểu rủi ro tác động giữa con người - động vật thông qua sáng kiến kiểm soát dịch bệnh và an toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi lợn” do Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) làm chủ dự án, được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-BNN-HTQT ngày 25/2/2025.
Dự án do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, được triển khai trong 2 năm 2025 - 2026 tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là TP. Hồ Chí Minh), với tổng vốn viện trợ do Việt Nam tiếp nhận và trực tiếp quản lý là 140.000 USD.

Mục tiêu cụ thể của Dự án là áp dụng phương pháp tiếp cận “Cải tiến an toàn sinh học theo lộ trình - PMP” cho ít nhất 2 chuỗi chăn nuôi lợn quy mô trang trại vừa và nhỏ. Ảnh: Hồng Thắm.
Mục tiêu chung của Dự án là nâng cao năng lực quản lý và cải tiến hiệu quả của hệ thống giám sát và các giải pháp đảm bảo ATSH nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của các mối nguy về các bệnh truyền lây từ động vật sang người, bệnh truyền nhiễm mới nổi, tình trạng kháng kháng sinh và các mối đe dọa sinh học khác ảnh hưởng tới sức khỏe của động vật và con người trong các chuỗi giá trị chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Mục tiêu cụ thể của Dự án là áp dụng phương pháp tiếp cận “Cải tiến ATSH theo lộ trình - PMP” cho ít nhất 2 chuỗi chăn nuôi lợn quy mô trang trại vừa và nhỏ, từ đó đưa ra các biện pháp đảm ATSH trong chăn nuôi, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, xây dựng được 1 tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch ATSH và hướng dẫn đánh giá giám sát thực hiện kế hoạch ATSH cho cơ sở chăn nuôi lợn thuộc nhóm đối tượng trang trại quy mô vừa và nhỏ.
Đồng thời, thiết lập ban đầu hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc cơ sở chăn nuôi lợn và sản phẩm chăn nuôi lợn, qua đó giúp tăng cường năng lực quản lý, công cụ chính sách và cải tiến hệ thống giám sát, kiểm soát và các biện pháp đảm bảo ATSH trong các chuỗi giá trị chăn nuôi ở cấp Trung ương và địa phương.
Quá trình triển khai dự án có sự lồng ghép linh hoạt, hài hòa giữa mục tiêu tổng thể của dự án với mục tiêu quản lý của ngành chăn nuôi với hai hoạt động chính liên quan đến các vấn đề lớn của ngành. Đó là vấn đề về ATSH trong chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc cơ sở chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi.
Về ý tưởng thiết kế hệ thống truy xuất nguồn gốc cơ sở và sản phẩm chăn nuôi, hệ thống này sẽ được quản lý và vận hành trực tiếp trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.
Các mã số được cấp theo tiêu chuẩn quốc tế (GS1) đối với tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi tại mọi công đoạn sản xuất. Các trường thông tin được quản lý, kê khai theo đúng quy định của pháp luật về chăn nuôi.
Cơ quan quản lý nhà nước về chăn nuôi dễ dàng cập nhật số liệu thống kê chăn nuôi theo thời gian thực để phục vụ công tác quản lý (dưới dạng văn bản, bảng biểu, biểu đồ, bản đồ…) được cấp quyền.
Đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc cơ sở, sản phẩm chăn nuôi thì quy trình cấp mã số được thực hiện theo hướng minh bạch và có kiểm soát.
Sau khi chủ cơ sở đăng ký tài khoản và kê khai thông tin đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra, xác nhận thông tin trong vòng 7 ngày làm việc. Nếu đúng, hệ thống sẽ tự động cấp mã số trong vòng 3 ngày. Nếu chưa đầy đủ hoặc chưa đúng, hệ thống phản hồi thông báo chỉnh sửa và từ chối cấp mã cho đến khi hoàn thiện đúng yêu cầu.

Với mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn sinh học, vừa tăng cường truy xuất nguồn gốc, Dự án góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Hồng Thắm.
Kết quả dự kiến của Dự án bao gồm: Áp dụng thành công phương pháp tiếp cận “Cải tiến ATSH theo lộ trình - PMP” cho ít nhất 2 chuỗi giá trị chăn nuôi lợn quy mô trang trại vừa và nhỏ.
Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc cơ sở chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi được thiết lập. Mã số cơ sở chăn nuôi, mã số sản phẩm chăn nuôi phục vụ truy xuất được cấp thí điểm cho các cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh chăn nuôi thuộc ít nhất 2 chuỗi chăn nuôi lợn quy mô trang trại vừa và nhỏ được lựa chọn tham gia dự án. Xây dựng dược các báo cáo kỹ thuật và tài liệu kỹ thuật trong quá trình triển khai dự án.
Với mục tiêu kép vừa đảm bảo ATSH, vừa tăng cường truy xuất nguồn gốc, Dự án không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn tạo nền tảng cho phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng hiện đại, bền vững.
Những kết quả dự kiến từ mô hình thí điểm sẽ là cơ sở quan trọng để nhân rộng trên phạm vi cả nước, từng bước nâng cao năng lực quản lý, chủ động phòng chống dịch bệnh và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.