| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

Chủ Nhật 06/07/2025 , 19:27 (GMT+7)

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Không rời nhiệm vụ

Chiều 3/7, khu vườn rộng khoảng trên 500m2 với 2 dãy chuồng heo mới xây dựng, vôi vữa còn mới toanh (mỗi dãy có 5 ô chuồng) của anh Nguyễn Đình Thơ (sinh năm 1984) ở khu vực Háo Đức, phường An Nhơn Đông (tỉnh Gia Lai), trước đây là thôn Háo Đức, xã Nhơn An (Bình Định cũ) có rất đông người tập trung.

Đó không phải là những thương lái đến mua heo mà là những cán bộ thú y và người lao động được thuê đến để vận chuyển heo của anh Thơ đưa đến hố tiêu hủy. Bởi, cả đàn heo của anh Thơ đã dương tính với dịch tả heo Châu Phi.

Heo dính dịch tả lợn châu Phi chết sau khi bị chích điện nằm la liệt trong chuồng. Ảnh: V.Đ.T.

Heo dính dịch tả lợn châu Phi chết sau khi bị chích điện nằm la liệt trong chuồng. Ảnh: V.Đ.T.

Với gương mặt thất thần, anh Thơ buồn bã cho biết: “Cách đây 5 hôm, trong quá trình kiểm tra, giám sát dịch bệnh định kỳ, cán bộ thú y địa phương phát hiện đàn heo của tôi có dấu hiệu bị bệnh dịch tả heo Châu Phi, họ lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, sau đó cho tôi biết là 99 con heo trong dãy chuồng bên ngoài đều dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi nên động viên tôi tiêu hủy để tránh lây lan. Tôi chấp hành, chiều nay là tiêu hủy lần 2 với 103 con của dãy chuồng bên trong”.

Theo anh Huỳnh Văn Thạnh, cán bộ thú y thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn (cũ), biểu hiện của heo bệnh dịch tả heo Châu Phi không như trước đây là bị xuất huyết rất dễ nhận biết; bây giờ, có lẽ do độc lực đã giảm nên heo không còn xuất huyết, mà chỉ lừ đừ, bỏ ăn, có biểu hiện sốt.

Sau khi lấy 1 mẫu gộp (3 mẫu đơn) chuyển về Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai để đưa đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng IV. Kết quả cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nên ngành chức năng động viên chủ hộ chăn nuôi tiến hành tiêu hủy 99 con heo đã đạt trọng lượng 80-90/kg/con trong dãy chuồng bên ngoài.

Heo bệnh được bỏ xuống hố để tiêu hủy. Ảnh: V.Đ.T.

Heo bệnh được bỏ xuống hố để tiêu hủy. Ảnh: V.Đ.T.

Trong khi đó, dãy chuồng phía trong còn 103 con heo cũng đã đến thời điểm xuất chuồng, những con heo này cũng được ngành chức năng lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm, nếu kết quả âm tính thì sẽ để chủ nuôi tiếp tục nuôi, nhưng qua 2 lần xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cũng cho kết quả dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên chiều 3/7 đã tổ chức tiêu hủy lần 2 với toàn bộ 103 con heo còn lại.

“Chúng tôi đã tìm đất để tiêu hủy heo nhưng không có đất, may là đất trong vườn anh Thơ còn rộng nên vận động anh tiêu hủy tại chỗ. Nếu phải vận chuyển heo bệnh đi nơi khác tiêu hủy càng thêm rắc rối, theo sau xe vận chuyển heo bệnh phải có xe phun thuốc khử trùng những nơi xe vận chuyển heo bệnh đi qua, nhưng chưa chắc đã an toàn. Một điều may khác là khu vực Háo Đức người dân ít chăn nuôi, chỉ chủ yếu trồng mai cảnh, nên đến giờ này ngoài hộ anh Thơ chưa phát hiện thêm heo bệnh ở hộ khác”, anh Bình, cán bộ thú y địa phương chịu trách nhiệm giám sát đàn heo bệnh của anh Thơ suốt một tuần nay chia sẻ.

Vận chuyển heo bệnh ra hố tiêu hủy. Ảnh: V.Đ.T.

Vận chuyển heo bệnh ra hố tiêu hủy. Ảnh: V.Đ.T.

Cuối tháng 6 vừa qua, dù đang rất bận bịu chuyện sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã và dừng hoạt động cấp huyện, nhưng Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định (cũ) đã ban hành văn bản số 3073/SNNMT-VP ngày 30/6/2025 về việc “Tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện”.

Theo đó, thực hiện Phương án số 01/PA-UBND ngày 4/6/2025 của UBND tỉnh về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 28/6/2025 của UBND tỉnh về việc chuyển giao các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện về Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý.

Trong thời gian chờ UBND tỉnh ban hành chức năng, nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và Môi trường, để nhiệm vụ không bị gián đoạn, Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định (cũ) đề nghị các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện tiếp tục hoạt động thực hiện nhiệm vụ, chức năng bình thường, cho đến khi Sở Nông nghiệp và Môi trường có quyết định thành lập trạm theo kế hoạch.

Nhờ đó, công tác chuyên môn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn (cũ) vẫn hoạt động bình thường nên mới kịp thời phát hiện đàn heo bệnh và dập dịch.

Tự tay đốt tiền tỷ của mình

Ngồi dưới bóng cây, nhìn qua dãy chuồng đang nhốt những con heo còn sống nhưng đã mang mầm bệnh đang được cán bộ thú y tiến hành những bước tiêu hủy, nghe tiếng những con heo kêu eng éc mỗi khi bị chích điện, gương mặt anh Nguyễn Đình Thơ cứ nhíu lại vẻ đau xót.

Không gì xót xa hơn khi chính tay anh Thơ (chủ nuôi) khuân củi để tiêu hủy đàn heo của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Không gì xót xa hơn khi chính tay anh Thơ (chủ nuôi) khuân củi để tiêu hủy đàn heo của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Huỳnh Văn Thạnh, cán bộ thú y địa phương, những con heo dù đã nhiễm virus gây bệnh dịch tả heo Châu Phi nhưng vẫn còn sống, muốn tiêu hủy phải làm cho chúng chết đi chứ không thể đốt tiêu hủy khi chúng còn sống.

“Đó là điểm mới trong Luật Chăn nuôi, gọi là “phúc lợi động vật”. Nếu lười biếng nghĩ rằng đằng nào cũng tiêu hủy, lùa hết chúng xuống hố rồi chế xăng đốt là vi phạm. Cách đây hơn 10 năm, thời điểm dịch tả heo Châu Phi mới xâm nhập địa bàn, trước khi tiêu hủy chúng tôi phải tiêm thuốc để cho heo chết trước khi đốt, thế nhưng dù đã tiêm thuốc nhưng nhiều con heo không chết, cứ đứng dật dờ, sau đó chích điện chúng mới chết”, anh Thạnh nhớ lại.

Hố tiêu hủy heo cũng được xe múc đào sâu đúng quy cách. Khi đã dồn hết heo bệnh xuống hố, bên trên được bỏ đầy củi do UBND xã An Nhơn Đông hỗ trợ, sau đó chế xăng lên và châm lửa thiêu hủy. Ngọn lửa thiêu hủy heo cháy suốt đêm trong sự giám sát của cán bộ thú y địa phương. Sáng hôm sau xe múc cào đất lấp lại, trên đất được rắc lớp vôi dày, trên lớp vôi còn được phun thuốc khử trùng để ngăn chặn virus phát tán.

Đứng nhìn anh Thơ cùng các cán bộ thú y khuân củi bỏ xuống hố và tự tay châm lửa thiêu hủy những con heo mình nuôi mà tôi không khỏi chạnh lòng. Bởi, hình ảnh này chẳng khác gì anh Thơ đang tự đốt tiền của mình, mà là tiền tỷ.

Theo kiểm kê của cán bộ thú y tỉnh, tổng số lượng heo của anh Thơ bị tiêu hủy cả 2 đợt là 202 con, có con nặng trên 110kg, có con nặng 80-90kg/con, tính bình quân trọng lượng mỗi con là 100kg. Như vậy, với 202 con heo bị tiêu hủy, anh Thơ mất đứt hơn 20 tấn heo. Tính giá heo hơi bình quân hiện nay là 60.00đ/kg, vị chi hơn 1,2 tỷ đồng của anh Thơ bị thiêu theo đàn heo.

103 con heo của anh Thơ bị tiêu hủy đợt sau bắt đầu bắt lửa. Ảnh: V.Đ.T.

103 con heo của anh Thơ bị tiêu hủy đợt sau bắt đầu bắt lửa. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Thơ nghẹn ngào cho hay, đây là lứa heo đầu tiên anh khởi nghiệp với nghề chăn nuôi, tính đến khi bị tiêu hủy còn đúng 2 ngày nữa là tròn 3 tháng. Do anh mua heo giống siêu nạc được sản xuất trong những trang trại công nghệ cao nên anh tự tin để heo trên 100kg/con mới bán. Chưa kịp bán thì heo dính bệnh lúc nào anh không hề hay biết, đến khi ngành chức năng kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và đưa cho anh phiếu trả lời kết quả xét nghiệm anh mới tá hỏa vì biết đàn heo của mình đã dính bệnh nguy hiểm không thể cứu chữa. Vậy là anh Thơ cam lòng đứng nhìn hơn 1,2 tỷ đồng của mình tưởng như đã cầm trong tay giờ bị thiêu rụi theo 202 con heo.

Khi tôi hỏi tính tất tần tật từ chi phí mua con giống đến chi phí thức ăn tính cho đến giờ này anh đã đầu tư hết bao nhiêu tiền, với gương mặt buồn rười rượi, anh Thơ nói trong tiếng nấc nghẹn: “Bây giờ đầu em rối tung không thể nhớ được đâu, em ghi hết trong sổ để theo dõi, mà cuốn sổ bây giờ nằm đâu em cũng không nhớ, vợ em thì không thể nhìn đàn heo của mình bị tiêu hủy nên đã về nhà nằm khóc rồi”.

Hiện, ngành chăn nuôi và thú y Gia Lai đang nỗ lực dập điểm dịch ở xã An Nhơn Đông, đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra tại các vùng có nguy cơ cao và hướng dẫn cho hộ chăn nuôi trong việc tái đàn đảm bảo điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học.

Xem thêm
Người chăn gà du mục và ước mơ thay đổi hình ảnh nông dân Việt

Sáng đó sương dâng ngập trời Tân Sơn, tôi lên núi chăn gà du mục để nghe Đức kể về ước mơ thay đổi hình ảnh 'cổ cày, vai bừa' của nông dân Việt.

Sâu bệnh xuất hiện sớm trên lúa hè thu

HÀ TĨNH Lúa hè thu gieo cấy sớm tại tỉnh Hà Tĩnh đang bị sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại trên diện rộng.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Hải Phòng tìm cách phát huy các 'mỏ vàng' nông nghiệp

Sở hữu tiềm năng lớn từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đến con người, nhưng phát triển sản xuất nông nghiệp Hải Phòng được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng.

Biến phụ phẩm quả xoài thành phân hữu cơ

ĐỒNG THÁP Biến phế phẩm xoài thành phân hữu cơ không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở ra mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị cho nông nghiệp Đồng Tháp.

Biến vùng đất sâu, trũng thành 'vựa' cá Koi tiền tỷ

HẢI PHÒNG Từ bỏ lối canh tác truyền thống, anh Vũ Văn Quân táo bạo chuyển đổi sang nuôi cá Koi Nhật Bản kết hợp kinh tế tuần hoàn, tạo ra giá trị bất ngờ.

Vườn Quốc gia Vũ Quang - tương lai du lịch xanh

HÀ TĨNH Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Vũ Quang, giai đoạn 2025 - 2030.

Bình luận mới nhất