Sức ép từ những công trình cũ kĩ
Thực tiễn đã cho thấy, là một lĩnh vực có vai trò huyết mạch đối với an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sự phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về thay đổi cách vận hành cũng như tăng cường chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thủy lợi ngày càng cấp bách. Đây không chỉ là một lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong xu thế hiện nay.

Một công trình thủy lợi của Công ty Đa Độ được vận hành hoàn toàn bằng các thiết bị công nghệ số từ xa. Ảnh: Đinh Mười.
Câu chuyện tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Công ty Đa Độ) ở TP Hải Phòng là một minh chứng điển hình và đầy cảm hứng của việc chủ động vượt qua thách thức về hạ tầng lạc hậu và nguồn lực hạn hẹp để trở thành những điểm sáng tiên phong bằng ý chí, sáng tạo và quyết tâm đổi mới.
Ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty Đa Độ chia sẻ, nền tảng mà công ty cũng như phần lớn các đơn vị thủy lợi trên địa bàn TP Hải Phòng tiếp quản là một “di sản” được quy hoạch và xây dựng từ những năm 1970-1980.
Đây đều là những công trình có tính lịch sử, từng đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển nông nghiệp trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, trước sự biến đổi sâu sắc của kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu, những công trình thủy lợi đã cũ kĩ đang bộc lộ những hạn chế, nhiều nơi không còn đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất, cũng như phục vụ đời sống dân sinh.
“Hệ thống thủy lợi của chúng ta được hoàn thiện từ mấy chục năm trước, quá trình đầu tư lại rất manh mún, nên hầu hết các công trình, trang thiết bị đều lạc hậu. Từ trước đến nay, việc quản lý hơn 1.200 công trình trải dài trên 5 quận, huyện chủ yếu là thủ công, dữ liệu thì lưu trữ bằng giấy tờ”, ông Trãi thông tin.

Ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty Đa Độ giới thiệu cho phóng viên về việc quản lý hệ thống từ chiếc điện thoại di dộng cá nhân. Ảnh: Đinh Mười.
Chủ động số hóa
Chia sẻ của ông Đỗ Văn Trãi đã nói lên thực trạng chung của các công ty khai thác công trình thủy lợi tại Hải Phòng nói chung. Việc vận hành một hệ thống thủy lợi ngày nay không còn đơn thuần chỉ tưới và tiêu mà còn là bài toán tối ưu hóa nguồn tài nguyên nước quý giá, đòi hỏi sự chính xác, kịp thời và khả năng dự báo. Đồng thời là mệnh lệnh buộc ngành thủy lợi phải chuyển đổi số.
“Mô hình cống điều khiển từ xa bằng năng lượng mặt trời không chỉ hiệu quả về mặt kỹ thuật mà còn có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo vận hành an toàn trong các điều kiện thời tiết cực đoan, khi điện lưới có thể bị gián đoạn", ông Phạm Duy Trung - Trạm trưởng Trạm khai thác thủy lợi An Lão khẳng định.
Chính từ nhận thức sâu sắc đó, một cuộc “cách mạng” từ nội tại đã được khởi xướng tại Đa Độ. Không chờ đợi các dự án lớn, họ bắt đầu bằng những bước đi thông minh, thực tế và hiệu quả. Tận dụng công nghệ miễn phí như Google Maps. Công ty đã xây dựng nên một cơ sở dữ liệu số nền tảng, trực quan hóa toàn bộ hệ thống công trình, giúp công tác quản lý, phân công nhiệm vụ trở nên khoa học hơn.
Bước tiến đột phá nhất, thể hiện rõ tầm nhìn và năng lực tự chủ công nghệ, đến vào năm 2019, công ty đã tự nghiên cứu và lắp đặt thí điểm “Thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để vận hành cống thủy lợi từ xa”. Đây không chỉ là một giải pháp tình thế, mà là một mô hình công nghệ hoàn chỉnh, giải quyết đồng thời ba vấn đề gồm: Tự động hóa, điều khiển từ xa và độc lập về năng lượng.
Với việc ứng dụng công nghệ này, thay vì phải có người đến tận nơi kéo van trong mọi điều kiện thời tiết, giờ đây, nhân viên kỹ thuật có thể ngồi tại văn phòng, dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh để đóng mở cống. "Trước đây muốn có số liệu phải lưu cả một gian nhà tài liệu giấy. Bây giờ tất cả nằm trong điện thoại, muốn trích xuất bao nhiêu năm cũng được. Đây chính là dữ liệu quý để chúng tôi nghiên cứu, cảnh báo và đưa ra các quyết định điều hành chính xác hơn", ông Đỗ Văn Trãi cho hay.

Việc theo dõi, quản lý hệ thống thủy lợi tại Công ty Đa Độ hiện nay cơ bản đã có thể được thực hiện qua điện thoại di động có kết nối mạng internet. Ảnh: Đinh Mười.
Điểm sáng có thể nhân rộng
Song song đó, một mạng lưới cảm biến nhỏ nhưng hiệu quả gồm 11 điểm quan trắc mực nước, 5 điểm quan trắc độ mặn và 1 trạm đo mưa tự động đã được thiết lập. Dữ liệu được truyền về theo thời gian thực.
"Trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa bão thất thường, cùng với vai trò mới của ngành thủy lợi không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn cho công nghiệp, dân sinh, cân bằng hệ sinh thái, việc phải chuyển đổi mình, ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện bắt buộc, không thể khác được”, ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty Đa Độ chia sẻ thêm.
Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Bá Tiến – nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng (cũ) cho biết: “Khi còn làm việc, tôi đánh giá cao tinh thần chủ động, sáng tạo của Công ty Thủy lợi Đa Độ. Họ đã không ngồi chờ đợi mà tự tìm tòi, ứng dụng công nghệ để giải quyết chính những bài toán cấp bách của mình”.
Thành công của Đa Độ có thể xem như một điểm sáng để cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang loay hoay để tồn tại và phục vụ sản xuất. Tiếng lành đồn xa, hiện nay, doanh nghiệp này không chỉ phục vụ tốt cho việc vận hành phục vụ sản xuất tại địa phương mà còn trở thành một địa chỉ tin cậy, được nhiều đơn vị thủy lợi từ các tỉnh thành khác đã tìm đến để học hỏi và đặt hàng chuyển giao công nghệ.
TP Hải Phòng mới hiện có 7 hệ thống thủy lợi gồm: Đa Độ, An Hải, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Tiên Lãng và Bắc Hưng Hải. 6 hệ thống thủy lợi thuộc TP Hải Phòng (cũ), phục vụ tiêu nước cho 100.000 ha, cấp nước tưới cho 58.253 ha đất canh tác, cấp nước cho sinh hoạt đô thị, khu vực nông thôn, khu công nghiệp và 213 nhà sản xuất nước sạch với khối lượng nước thô trên 90 triệu m3 mỗi năm.
Còn tại Hải Dương (cũ), hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đi qua 7 huyện, thành phố của Hải Dương, với chiều dài 124 km, bao gồm 8 tuyến kênh trục chính, phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, bao gồm cả 3.576 ha ngoài đê và 43.123 ha trong nội đồng, tổng cộng là 46.699 ha.