| Hotline: 0983.970.780

Tuyến kênh bê tông nổi xanh hóa vùng đất ‘khát'

Thứ Tư 09/07/2025 , 10:01 (GMT+7)

Vĩnh Long Tuyến kênh nổi ở ấp Cầu Tre không chỉ cung cấp nước cho hơn 345 ha đất canh tác, mà còn thúc đẩy tư duy sản xuất tập thể, gắn kết cộng đồng bền vững.

Giữa trưa tháng bảy, trời nắng như đổ lửa. Tôi có mặt tại ấp Cầu Tre, xã Tiểu Cần, tỉnh Vĩnh Long. Trên con đường bê tông thẳng tắp, xe cộ thong dong đi lại giữa cánh đồng xanh mướt. Khó ai hình dung, nơi đây từng là vùng gò cao khô hạn, thiếu nước quanh năm, đất đai bạc màu, sản xuất bấp bênh.

Nhờ có đường giao thông nông thôn, người dân có thể chở lúa thẳng vào tận ruộng. Ảnh: Hồ Thảo.

Nhờ có đường giao thông nông thôn, người dân có thể chở lúa thẳng vào tận ruộng. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Thạch Rim, đồng bào Khmer, kể lại: “Hồi chưa có kênh, nước hiếm lắm, nhà nào cũng phải sắm máy bơm, đào mương kéo ống, có khi bơm 2-3 ngày chưa đầy mặt ruộng. Nước ít nên giành nhau từng cữ, mạnh ai nấy lo. Ruộng xa kênh thì đành bỏ khô, không trồng được. Vụ hè thu hay đông xuân đều bấp bênh. Mưa ít thì hạn, mưa nhiều lại úng. Có năm, chỉ trồng được một vụ, lúa thu về không đủ ăn. Nhiều hộ đành bỏ ruộng, đi làm thuê xa nhà, để lại những thửa đất hoang, nhà cửa tiêu điều".

Đến năm 2006, Nhà nước đầu tư tuyến kênh nổi đầu tiên bằng bê tông trên nền đất gò cao xã Phú Cần (nay là Tiểu Cần). Kênh chính dài gần 1.650m, thêm 18 nhánh phụ vươn ra khắp cánh đồng, tổng chiều dài hơn 6.700m.

Khác với kênh truyền thống, toàn bộ hệ thống được xây nổi ngang mặt ruộng, cho nước chảy tự nhiên, không phụ thuộc vào độ dốc như trước. Trạm điện giúp đưa nước đến từng ruộng hộ dân, đảm bảo việc cấp và thoát nước hoàn toàn chủ động.

Ruộng lúa của ông Thạch Rim luôn xanh tốt nhờ được cấp đủ nước. Ảnh: Hồ Thảo.

Ruộng lúa của ông Thạch Rim luôn xanh tốt nhờ được cấp đủ nước. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Huỳnh Văn Phép, nguyên cán bộ Nông nghiệp và Môi trường xã Phú Cần (nay là xã Tiểu Cần), cho biết thêm: “Có nước là ruộng lúa khác liền. Trước đây làm 3-4 tấn/ha là mừng, giờ 7 tấn là bình thường. Nhiều nhà làm ba vụ đều đặn, từ sạ tới thu hoạch đều chủ động. Nhờ vậy đời sống bà con Khmer nâng lên thấy rõ”.

Không chỉ giúp chủ động tưới tiêu, tuyến kênh còn đảm bảo tiêu thoát úng nhanh khi mưa lớn. Mỗi hộ có tuyến thoát nước riêng. Dọc bờ kênh được đầu tư lộ giao thông, để xe chở lúa vào tận ruộng. Xã còn lắp hệ thống đèn năng lượng mặt trời, giúp nông dân gặt ban đêm, tránh nắng, giảm thất thoát.

Ông Thạch Sóc ở ấp Cầu Tre bộc bạch: “Giờ xe vô tận ruộng, mua 6.600 đồng/kg lúa tươi, trừ chi phí còn lời hơn 2 triệu đồng/công (1.000m2). Nhờ vậy tui sửa được nhà, sắm máy làm đất, sống khỏe hơn”.

Chính quyền địa phương cho biết, từ chỗ có 18 hộ nghèo năm 2007, đến nay ấp chỉ còn 2 hộ khó khăn. Trên 345 ha đất sản xuất, phần lớn tham gia mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học).

Các doanh nghiệp như Lộc Trời, An Giang, Giống cây trồng Miền Nam, Lương thực Trà Vinh… cùng tham gia cung ứng vật tư, giống trả chậm và thu mua tận ruộng. Bà con chỉ cần chăm ruộng tốt, đến ngày có doanh nghiệp thu hoạch tận nơi. Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Cần cũng được thành lập, đứng ra ký hợp đồng bao tiêu, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Nhiều hộ còn chuyển sang làm lúa hữu cơ, vừa tăng giá trị vừa bảo vệ môi trường.

Tuyến kênh bê tông nổi ở ấp Cầu Tre. Ảnh: Hồ Thảo.

Tuyến kênh bê tông nổi ở ấp Cầu Tre. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Võ Quang Cường, nguyên Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tiểu Cần (cũ), nhìn nhận: Hiệu quả của tuyến kênh không chỉ nằm ở việc tăng năng suất lúa, mà quan trọng hơn là giúp bà con thay đổi tư duy làm nông. Do đó ngoài việc bảo dưỡng công trình hiện hữu, địa phương còn chú trọng việc duy tu, nạo vét hệ thống thủy lợi.

Những năm qua, xã Tiểu Cần đã nạo vét 34 tuyến kênh nội đồng với tổng chiều dài gần 38km. Ngoài ra, còn phối hợp với công ty thủy lợi để nạo vét thêm 3 tuyến kênh cấp hai dài gần 4km, lắp đặt 34 nắp cống mới, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu ổn định.

Xem thêm
Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV được cấp tối đa 10 năm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 193/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và khoáng sản.

San hô vịnh Nha Trang mất gần 200 ha, ảnh hưởng lớn đến du lịch biển

Theo nghiên cứu mới được công bố của Trung tâm Nhiệt đới Việt -Nga, 20 năm qua, vịnh Nha Trang đã mất khoảng 191 ha rạn san hô, tương đương 12% diện tích khảo sát.

Bình luận mới nhất