Những năm gần đây, khi chất lượng sống của con người chuyển dịch dần từ “ăn no” sang “ăn ngon” thì việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp thân thiện môi trường được Chính phủ Việt Nam khuyến khích, kích cầu mạnh mẽ.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, các đối tượng cây trồng chủ lực như: Lúa, cam, bưởi, chè, dứa… đã kêu gọi được nhiều “ông lớn” như Tập đoàn Quế Lâm; Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty KC Hà Tĩnh… vào liên kết đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tham vọng của các doanh nghiệp này là xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để hình thành nhà máy chế biến sâu phục vụ nhu cầu thực phẩm trong nước và xuất khẩu.

Áp dụng triệt để biện pháp kỹ thuật vào sản xuất lúa hữu cơ đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Ảnh: Thanh Nga.
Tín hiệu phấn khởi trong khoảng 5 năm qua là cuộc cách mạng tích tụ đất đai, phá ô thửa nhỏ hình thành cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ghi nhận tại xã Kỳ Anh, Kỳ Khang và Kỳ Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, trong khoảng thời gian ngắn, hai địa phương này đã tích tụ được hơn 1.150 ha đất ruộng/5 vùng.
“Trên diện tích đất tích tụ này chúng tôi kêu gọi Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm vào liên kết sản xuất giống lúa ST25 theo tiêu chuẩn hữu cơ. Vụ xuân năm 2025 vừa qua toàn bộ 52,5 ha thắng lớn với sản lượng đạt trên 260 tấn, tổng giá trị đạt trên 3,5 tỷ đồng. Kết quả này tạo tiền đề để địa phương tiếp tục mở rộng diện tích, phát triển thành vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu”, lãnh đạo phòng Kinh tế thông tin.

Sản lượng lúa chất lượng tại các xã Kỳ Anh, Kỳ Xuân, Kỳ Khang... tăng lên theo từng mùa vụ. Ảnh: Thanh Nga.
Năm 2023, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Tĩnh ngày 18/11/2021 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, xã Kỳ Phú cũ (nay là xã Kỳ Anh) đã tập trung dồn điền, đổi thửa, tạo nên cánh đồng mẫu lớn gần 60ha để xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại thôn Phú Minh, liên kết Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, với gần 60 hộ tham gia. Đến nay, qua 5 vụ sản xuất, mô hình đã khẳng định hiệu quả khá toàn diện.
Mỗi một mùa vụ địa phương căn cứ thời tiết, thổ nhưỡng để lựa chọn bộ giống, trong đó vụ xuân lựa chọn giống ST25, vụ hè thu thường sử dụng giống Khang Dân, Xuân Mai (để liên kết cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở chế biến bún, bánh). Quá trình sản xuất không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, phân khoáng hữu cơ, phân chuồng được ủ bằng chế phẩm vi sinh… Nhờ vậy, sản phẩm luôn đảm bảo an toàn, chất lượng.
“Năng suất vụ xuân thường đạt từ 5,2-5,4 tấn/ha, bán với giá lúa 12.000-13.000 đồng/kg, nông dân thu lãi cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống”, thôn trưởng thôn Phú Minh, xã Kỳ Anh nói.
Vị trưởng thôn cho biết thêm, chính quyền xã đang vận động người dân tiếp tục chuyển một số diện tích kém hiệu quả sang trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập, tạo nguồn sản phẩm an toàn, sản xuất thân thiện môi trường; tham gia chuỗi cung ứng nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP của tỉnh và xã.

Các doanh nghiệp liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Thanh Nga.
Quy mô không lớn như ở thôn Phú Minh nhưng mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” ở thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang cũng đang phát huy hiệu quả thiết thực cả về năng suất, sản lượng và đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình được triển khai từ vụ xuân 2022, với diện tích 5 ha, 8 hộ làm thí điểm. Đến vụ xuân 2025, diện tích được mở rộng lên gần 20ha, với 40 hộ dân tham gia sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Huấn, hộ dân sản xuất 1,5 ha chia sẻ: “Sau khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, con rươi vốn tưởng đã bị tuyệt chủng nay xuất hiện trở lại ngày càng nhiều cùng với các loại sinh vật khác như: cá, tôm, ốc… Đặc biệt, với việc áp dụng triệt để kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, chỉ sau vài vụ, năng suất lúa đã tăng từ 40 tạ/ha lên 55 tạ/ha, giá bán cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với không làm hữu cơ”.