Những người gác rừng
Theo chân anh Trần Văn Hải - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 4 (Ban QLRPH Lang Chánh), chúng tôi phải vượt qua quãng đường gần 10 km lởm chởm đá mới tới được khu vực trồng dược liệu ở dãy núi Pù Ring. Anh Hải chia sẻ, phải vào sâu trong tán rừng, ở độ cao thích hợp thì các cây dược liệu mới có thể phát triển tốt nhất.
Đang vào mùa mưa, đường đi trơn trượt, tán rừng ẩm ướt nhưng cũng là thời tiết phù hợp để cây cối sinh sôi, nảy nở. Đón chúng tôi là bác Vũ Thị Tú, sinh năm 1964 (xã Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Bác Tú đã ở dưới tán rừng Pù Rinh gần 5 năm nay, ban đầu là trồng lan kim tuyến rồi chuyển sang trồng sâm Ngọc Linh; từ khi mô hình trồng thử nghiệm sâm Lai Châu được Ban QLRPH Lang Chánh triển khai, vợ chồng bác là người trực tiếp trồng và chăm sóc.

Bác Vũ Thị Tú (bên trái) say sưa nói về kĩ thuật trồng, chăm sóc cây sâm Lai Châu. Ảnh: Thanh Tâm.
Băng qua nhiều tán rừng rậm rạp để vào khu trồng dược liệu, vừa đi vừa dùng dao quắm phát cây dây leo, bụi rậm, bác Tú nói: Vợ chồng tôi đã có kinh nghiệm hàng chục năm sống ở rừng, trước là ở huyện Thường Xuân cũ, mấy năm nay chuyển sang Lang Chánh. Từng loại cây rừng, cây nào ăn được, cây nào có thể làm thuốc tôi đều thuộc như lòng bàn tay. Chúng tôi dựng lán ở ngay dưới khu trồng dược liệu để tiện cho việc chăm sóc, trông coi.
"Khi cây dược liệu đã trồng được trên 1 năm, thì việc quan trọng nhất đối với cây sâm Lai Châu là tưới nước, nếu phát hiện cây bị rệp thì cần xử lý bằng thuốc sinh học hoặc nước vôi pha loãng. Còn với khôi tía và sâm cau cần phát quang dây leo, bụi rậm xung quanh để cây vươn tán lên đón ánh sáng", bác Tú chia sẻ.
Cùng chăm sóc dược liệu với bác Tú còn có ông Ngân Văn Phúc, người xã Linh Sơn, tỉnh Thanh Hóa. dựng lán ở dưới tán rừng, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của các cây dược liệu từng ngày. Hàng tháng mọi người trở về nhà lấy gạo, nhu yếu phẩm cần thiết, còn lại thức ăn dựa vào rừng là chính.
Ông Phúc kể rằng vào mùa hè thời tiết thuận lợi, cuộc sống trong rừng tạm ổn; nhưng khổ nhất là mùa đông, hay những đợt mưa rả rích cả tuần. Khi ấy, quần áo phơi cả tuần không khô, xung quanh giường ngủ phải che bằng áo mưa, vì sương vào dày đặc ướt hết chăn gối.
Mưa lâu ngày thì đường sá lầy lội, rồi lũ về, khi đó ở trong khu trồng dược liệu sẽ bị cô lập hoàn toàn. Thời điểm ấy, rau rừng chính là nguồn thức ăn chính, cứu đói cho những người gác rừng như ông.

Ông Ngân Văn Phúc bên những luống sâm Lai Châu đang ươm giống. Ảnh: Thanh Tâm.
Những người như bác Vũ Thị Tú hay ông Ngân Văn Phúc đã gắn bó với rừng, sống dựa vào rừng, hiểu được hơi thở của rừng.
Lần đầu tiên tôi được nâng niu bông hoa sâm trên tay, loài hoa quý và rất đẹp, tựa như một chùm hạt, có bông vừa ra hoa lại phất phơ như những cánh bồ công anh trong gió.
Anh Trần Văn Hải chia sẻ rằng, anh có cơ hội đi khắp các tỉnh miền núi, nhìn thấy người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên rất tốt, nhiều hộ khá giả rồi giàu lên từ rừng. Trở về quê hương anh nhận thấy tài nguyên rừng rất giàu có, hệ sinh thái trù phú nhưng người dân chưa khai thác được tiềm năng.
Các hộ dân chủ yếu hưởng lợi từ tiền giao khoán, bảo vệ rừng còn ít ỏi. Vì vậy, anh Hải trăn trở và thôi thúc mong muốn đưa về trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Anh Hải đã nghiên cứu kĩ điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái của khu vực rừng mình được giao quản lý, nhận thấy phù hợp với cây sâm Lai Châu, khôi tía và sâm cau.

Những cây sâm di thực từ Lai Châu về đã cho ra hoa. Ảnh: Thanh Tâm.
Qua 1 năm trồng thử nghiệm dưới tán rừng tự nhiên, hiện 1 ha sâm Lai Châu, 1,5 ha sâm cau và cây khôi tía sinh trưởng, phát triển tốt. Một số cây sâm có độ tuổi 3-4 năm được di thực từ Lai Châu về phát triển tốt, đã ra hoa.
Anh Hải cho biết, sẽ tiếp tục hướng dẫn các hộ nhận giao khoán cách thức chăm sóc, để tiến tới đánh giá toàn diện hiệu quả của mô hình. Nếu thành công, mô hình trồng sâm Lai Châu, sâm cau, khôi tía dưới tán rừng tự nhiên sẽ là hướng đi mới và có tính bền vững với người dân các xã miền núi tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, quản lý và khai thác hệ sinh thái rừng bền vững, giảm áp lực vào rừng tự nhiên.
Linh Sơn là xã miền núi của tỉnh Thanh Hóa, có điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển các loài dược liệu; nơi đây có dãy núi Pù Rinh cao 1.200 m so với mặt nước biển, tài nguyên rừng còn giàu, giữ được cấu trúc rừng nguyên sinh. Dãy núi Pù Rinh có khí hậu luôn luôn mát mẻ, sương mù bao phủ. Đây là vùng có thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho trồng và phát triển cây dược liệu quý, đặc biệt là cây sâm Lai Châu, khôi tía, sâm cau.
Nhằm bảo tồn, khai thác hệ sinh thái rừng bền vững, đặc biệt phát triển kinh tế dưới tán rừng cần phát triển cây dược liệu quý như cây sâm Lai Châu Việt Nam và các loại dược liệu bản địa, tạo thành sản phẩm phục vụ cho khu du lịch sinh thái thác Ma Hao tại bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (nay là xã Linh Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Từ đó, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, nâng cao thu nhập, từng bước giảm áp lực vào rừng tự nhiên.
Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Lang Chánh đã triển khai trồng thử nghiệm 1 ha sâm Lai Châu và 1,5 ha sâm cau, khôi tía dưới tán rừng tự nhiên (khu vực núi Pù Rinh tại trạm bảo vệ rừng số 4, Ban QLRPH Lang Chánh thuộc địa giới hành chính xã Linh Sơn).