
Trạm bơm giúp đưa nước về hồi sinh vùng biên viễn
Với những trạm bơm hiện đại, Tây Ninh đang từng bước giải cơn khát cho vùng cao biên giới, phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp và đa mục tiêu.
Lê Bình - Trần Trung | 16:35 07/07/2025
KB Phát thanh dự án Thủy lợi: Trạm bơm giúp đưa nước về hồi sinh vùng biên viễn
Với những trạm bơm hiện đại, Tây Ninh đang từng bước giải cơn khát cho vùng cao biên giới, phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp và đa mục tiêu.
MC 1:
Mến chào quý vị và bà con,
Thưa quý vị, Tây Ninh được biết đến như “chảo lửa” miền Đông Nam bộ với khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn và mùa khô kéo dài triền miên. Suốt nhiều thập niên, Tây Ninh phải vật lộn với bài toán thiếu nước tưới, năng suất nông nghiệp bấp bênh và sinh kế phụ thuộc vào thời tiết. Trong khi đó, tiềm năng phát triển nông nghiệp lại rất lớn nay đang từng bước thay da đổi thịt. Sự đổi thay ấy không chỉ đến từ nỗ lực của người dân mà còn nhờ những quyết sách chiến lược trong đầu tư hạ tầng thủy lợi.
Trong hành trình đồng bộ hóa hệ thống thủy lợi, Tây Ninh không chỉ chú trọng đầu tư các hồ chứa và kênh mương lớn mà còn từng bước “đánh thức” vùng biên bằng những trạm bơm công suất lớn. Đây là những cánh tay nối dài, đưa nước sạch lên vùng cao, vùng xa - nơi mà người dân từng chỉ biết trông vào nước trời và những chiếc giếng đào thủ công.
Trong số phát thanh ngày hôm nay, mời quý bà con cùng đến với những cánh đồng, vùng canh tác đất nông nghiệp của Tây Ninh để thấy rõ hơn hiệu quả của những trạm bơm thủy lợi nơi đây.
MC 2:
Nằm ở vị trí đặc biệt trên bản đồ Tây Ninh, các xã vùng biên như Hòa Hội, Long Thuận, Long Chữ từ lâu đã đối mặt với tình trạng khan hiếm nước vì địa hình cao, hạ tầng thủy lợi chưa vươn tới. Trước thực trạng ấy, tỉnh Tây Ninh đã chủ trương đầu tư 10 trạm bơm công suất lớn, đặt tại những điểm “cổ chai” thủy lợi - nơi dòng nước không thể tự chảy đến được. Các trạm bơm có nhiệm vụ lấy nước từ dòng chảy tự nhiên như sông, suối bơm lên vùng cao.
Một trong những dự án trọng điểm là Trạm bơm Tân Long, với tổng vốn đầu tư hơn 218 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ cuối năm 2023, hiện đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm phục vụ tưới tiêu cho hơn 730 ha đất nông nghiệp cho xã biên giới Hòa Hội.
Điểm đặc biệt của Trạm bơm Tân Long là hệ thống lấy nước từ rạch Nàng Dình - một dòng chảy tự nhiên tại địa phương. Từ đây, nước được dẫn qua tuyến kênh dài hơn 1.600 mét, rồi bơm lên bởi 4 tổ máy ly tâm trục ngang, mỗi máy có công suất 1.600 m³/giờ. Nước sau đó được phân phối qua hệ thống kênh tưới chính dài gần 3,6 km và kênh cấp I dài gần 10 km. Không chỉ cấp nước, trạm còn tích hợp hệ thống tiêu thoát nước hơn 11 km, giúp bảo vệ cây trồng mùa mưa.
Sau khi đi vào hoạt động, Trạm bơm Tân Long đã giúp hồi sinh hàng trăm hecta đất ruộng trước kia bỏ hoang hoặc canh tác bấp bênh. Không chỉ riêng cây trồng phát triển tốt hơn, năng suất tăng rõ rệt mà người dân cũng có nước để sinh hoạt, chăn nuôi, cải thiện thu nhập. Một số hộ trước đây thuộc diện nghèo nay đã vươn lên khá giả nhờ chủ động được sản xuất.
Có hơn 7.000m2 tre lấy măng, ông Nguyễn Khắc Sinh, người dân sống gần trạm bơm phấn khởi cho biết: Trồng tre lấy măng cần rất nhiều nước thì tre mới cho thu hoạch nhiều măng. Do đó, vào những tháng nắng, để có đủ nước tưới thì khá vất vả. Người dân phải tự chạy các máy mô-tơ để đưa nước về, bất kể ngày đêm. Điều này khiến phát sinh nhiều khoản chi phí, công sức. Tuy nhiên, từ khi có tuyến kênh thủy lợi mới, nước tự chảy về tận vườn, ông Sinh không còn phải tốn tiền điện để bơm nước, tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất.
Không chỉ mang nước về với ruộng đồng, hệ thống kênh còn góp phần giữ người, giữ đất biên cương. Người dân không còn phải bỏ ruộng đi làm thuê xa, mà có thể sống và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Ông Lê Hồng Phúc cho biết, tình hình sản xuất nông nghiệp ở đây chủ yếu là cây lúa. Trước đây, vấn đề nước tưới cho sản xuất của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Nay được Nhà nước quan tâm đầu tư trạm bơm này, người dân dự định sẽ phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả.
Giám đốc quản lý Xí nghiệp các trạm bơm ở Tây Ninh, ông Lê Thành Nhân cho biết, công trình trạm bơm Tân Long được đầu tư xây dựng nhằm đạt ba mục tiêu chính. Thứ nhất là giữ vững an ninh quốc phòng ở khu vực vành đai biên giới, cụ thể là ấp Tân Long, xã biên giới. Thứ hai là để phát triển nông nghiệp cho khu vực biên giới nói riêng và cho cả tỉnh Tây Ninh nói chung. Và thứ ba, trong tương lai, công trình này sẽ được khai thác đa mục tiêu, không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn cung cấp nước cho các cụm công nghiệp sắp hình thành tại khu vực này.
Không chỉ riêng Tân Long, các trạm bơm khác tại Bến Cầu, Gò Dầu, Tân Châu cũng đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Hàng ngàn hecta đất sản xuất đã được “hồi sinh” nhờ nguồn nước ổn định. Sự hiện diện của các Trạm bơm không chỉ là một công trình cấp nước, mà còn là lời khẳng định cho cam kết của tỉnh trong việc không để vùng sâu, vùng xa bị bỏ lại phía sau.
Các trạm bơm đóng vai trò như mắt xích chiến lược trong hệ thống thủy lợi Tây Ninh. Bên cạnh tưới tiêu nông nghiệp, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang hướng tới mục tiêu cao hơn là cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ. Tây Ninh cũng đang tính toán tích hợp công nghệ số vào vận hành các trạm bơm, hướng tới hệ thống điều khiển thông minh, tiết kiệm nhân lực, ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.
Trạm bơm giúp đưa nước về hồi sinh vùng biên viễn
Với những trạm bơm hiện đại, Tây Ninh đang từng bước giải cơn khát cho vùng cao biên giới, phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp và đa mục tiêu.
Lê Bình - Trần Trung
Tin liên quan
Các chương trình
Nếu được áp dụng hiệu quả, Hệ thống đặt cọc hoàn trả bao bì đồ uống - DRS sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải nhựa, cắt giảm CO₂.
Phát triển hệ thống khuyến nông ở mọi địa phương phù hợp bối cảnh mới; Thủ phủ chanh ĐBSCL lao đao vì giá thấp; Liên kết bảo vệ đa dạng sinh học vùng ĐBSH.