Hành động của chính quyền
Hệ thống kênh thủy lợi tại huyện Dương Minh Châu nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung vốn là nguồn cung cấp nước quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân. Trước thực trạng hệ thống kênh thủy lợi đang bị “bức tử” bởi rác thải, chính quyền các địa phương, trong đó, xã Phước Minh (được xem là một trong những “điểm nóng” về ô nhiễm) đã bắt đầu triển khai hàng loạt giải pháp nhằm làm “sống lại” những dòng kênh.

Chính quyền xã Phước Minh phối hợp Xí nghiệp Thủy lợi Dương Minh Châu ra quân dọn rác kênh thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.
Quyền Chủ tịch UBND xã Phước Minh, ông Đỗ Hoàng Phúc cho biết: Ngay từ đầu năm 2025, chính quyền xã đã chủ động triển khai nhiều biện pháp xử lý, trong đó đặc biệt chú trọng phối hợp các lực lượng địa phương và vận động người dân cùng vào cuộc.
“Chúng tôi xác định giải quyết ô nhiễm kênh mương là vấn đề không thể chậm trễ. Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Công ty Khai thác thủy lợi để xây dựng mô hình bảo vệ kênh mương".
Một trong những điểm sáng là việc vận động 86 hộ dân sinh sống dọc các tuyến kênh ký cam kết không xả rác xuống kênh và không thải nước thải chưa qua xử lý. Đồng thời, chính quyền hỗ trợ tuyên truyền, vận động người dân trang bị thùng chứa rác sinh hoạt tại nhà, tránh vứt ra kênh như trước.
Là người kinh doanh dịch vụ nấu ăn hơn 15 năm tại ấp 4B, xã Phước Minh, ông Triệu Văn Bình hiểu rất rõ đặc thù ngành nghề của mình: “Một lần nấu ăn cho đám tiệc, rác thải sinh ra rất nhiều. Bao bì, túi nilon, đồ thừa, mỡ chiên, nước thải… nếu không xử lý cẩn thận là ảnh hưởng ngay đến nguồn nước kênh bên cạnh”.

Ông Bình chủ động phân loại và xử lý rác thải đúng quy định. Ảnh: Trần Trung.
Thay vì đổ rác ra các bãi đất trống hay tiện tay ném xuống kênh như trước, ông Bình đã đầu tư thùng chứa rác có nắp đậy, đặt tại khu vực sơ chế và nấu nướng. Rác hữu cơ như thức ăn thừa, rau củ hỏng được gom riêng; các loại chai lọ, nhựa được phân loại để bán phế liệu. Dầu mỡ thừa sau khi chiên nấu được thu gom lại, không đổ ra kênh như trước.
“Tôi đóng phí rác một tháng 100 ngàn đồng, trong khi người khác chỉ 50 ngàn thôi. Nhưng đó là chuyện nên làm. Người ta làm ăn mà gây ô nhiễm thì trước sau gì cũng bị ảnh hưởng lại thôi”, ông Bình chia sẻ.

Xí nghiệp thủy lợi Dương Minh Châu phối hợp chính quyền xã Phước Minh tổ chức cho người dân ký cam kết không xả thải trực tiếp xuống kênh thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.
Từ khi ông làm gương, nhiều người dân sống ven kênh cũng bắt đầu thay đổi nhận thức. Một số hộ đã mua thùng rác, bắt đầu phân loại rác. Những buổi vệ sinh định kỳ do xã tổ chức cũng ngày càng có nhiều người tự nguyện tham gia.
Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm
Theo ông Trần Như Thạch, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Dương Minh Châu, đơn vị hiện đang quản lý 12 tuyến kênh cấp I, 170 tuyến kênh cấp II, cấp III và khoảng 40 tuyến kênh tiêu trên toàn huyện, mạng lưới thủy lợi có vai trò quan trọng phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều địa bàn.

Tuyến kênh thủy lợi cơ bản thông thoáng. Ảnh: Trần Trung.
“Từ trước đến nay, xí nghiệp đã lập biên bản đối với 32 hộ dân có hành vi vi phạm, chủ yếu là xả thải, đổ rác ra kênh. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ có thể phối hợp với chính quyền xã để nhắc nhở, vận động, lập cam kết”, ông Thạch chia sẻ.
Chính quyền xã Phước Minh kiến nghị cấp trên xem xét ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính cho xã, phường trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thủy lợi.