| Hotline: 0983.970.780

Ô nhiễm 'bóp nghẹt' kênh thủy lợi: Ao nuôi thủy sản 'đầu độc' nguồn nước

Thứ Sáu 23/05/2025 , 09:23 (GMT+7)

Nhiều kênh thủy lợi tại Tây Ninh bị ‘đầu độc’ bởi các cơ sở nuôi trồng thủy sản xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và nhiều hệ lụy.

Xả thải - Chuyện thường ngày ở Phước Minh

Xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu được xem là vùng trọng điểm nuôi thủy sản của tỉnh Tây Ninh, nổi bật với mô hình nuôi cá lóc và ba ba thương phẩm. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ phát triển ồ ạt, thực trạng nhức nhối đang diễn ra: nước thải từ các ao nuôi ngày ngày chảy thẳng ra kênh thủy lợi, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.

Một tuyến kênh thủy lợi tại xã Phước Minh đổi màu vì hàng loạt cơ sở nuôi trồng thủy sản xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Một tuyến kênh thủy lợi tại xã Phước Minh đổi màu vì hàng loạt cơ sở nuôi trồng thủy sản xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Theo chân cán bộ Xí nghiệp Thủy lợi Dương Minh Châu, chúng tôi có mặt tại tuyến kênh thủy lợi nội đồng T08 chạy từ xã Phước Ninh sang xã Phước Minh. Dọc hai bên bờ là hàng chục ao nuôi cá lóc nằm san sát, xen lẫn một số trại nuôi ba ba với quy mô từ vài trăm tới hàng nghìn con.

Không khó để bắt gặp những ống nhựa to bằng cổ tay cắm thẳng từ ao nuôi xuống lòng kênh. Mỗi khi chủ ao thay nước, dòng nước đen ngòm, sủi bọt trắng, mùi tanh nồng nặc lại đổ ra kênh cuồn cuộn.

Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, sống cạnh kênh, không khỏi bức xúc: “Tôi ở đây mấy chục năm rồi. Trước kênh này nước trong veo, tụi nhỏ bắt cá, tắm mát. Giờ không ai dám bén mảng tới. Cá thì không sống nổi. Nước thải từ mấy trại cá, ba ba cứ thế tuôn ra”.

Ghi nhận tại ấp B4, xã Phước Minh hiện có hàng chục trại nuôi thủy sản tập trung quanh khu vực này. Mỗi ao rộng từ 2.000-5.000m², sử dụng nước từ kênh thủy lợi để bơm vào ao và sau một chu kỳ nuôi, nước lại được xả ngược về kênh. Không có hệ thống xử lý, không bể lọc sinh học, toàn bộ chất thải theo dòng nước chảy về hạ lưu.

Nhiều hệ lụy

Có hàng chục năm nuôi cá lóc cạnh kênh thủy lợi, ông Nguyễn Văn Trí thản nhiên cho biết, toàn ấp B4 có hàng trăm hộ nuôi cá, ba ba. Nghề này tồn tại hàng chục năm nay và cũng là nguồn sống chính của bà con. Bởi vì diện tích nhỏ, hầu hết bà con đều không có điều kiện đầu tư hệ thống xử lý nước thải, dù biết xả thải là không đúng nhưng vì mưu sinh, chúng tôi không còn cách nào khác.

Cán bộ Xí nghiệp Thủy lợi Dương Minh Châu truy vết nguồn xả thải từ khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Trí. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ Xí nghiệp Thủy lợi Dương Minh Châu truy vết nguồn xả thải từ khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Trí. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản cũng rất đáng ngại. “Tôi mong Nhà nước và chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ để người dân vừa duy trì sản xuất, vừa có điều kiện bảo vệ môi trường”, ông Trí chia sẻ.

Theo phân tích của chuyên gia ngành thủy sản, đặc trưng của mô hình nuôi cá lóc và ba ba là mật độ nuôi cao, thức ăn chủ yếu là cá tạp, thịt xay hoặc cám công nghiệp, nên lượng chất thải trong ao rất lớn. Nếu không được xử lý, lượng hữu cơ trong nước thải sẽ gây phú dưỡng, làm giảm hàm lượng oxy, dẫn tới chết cá, thối nước và bốc mùi.

“Với mật độ khoảng 70-80 con/m² như ở Phước Minh, chỉ sau 2-3 tuần là nước ao phải thay một lần. Mỗi lần thay như vậy, vài chục khối nước thải lại đổ thẳng xuống kênh”, ông Đào Phạm Minh Hòa, cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Tây Ninh nhận định.

Ngoài nước thải, xác cá cũng được người dân thải trực tiếp ra kênh thủy lợi để lại nhiều hệ lụy. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài nước thải, xác cá cũng được người dân thải trực tiếp ra kênh thủy lợi để lại nhiều hệ lụy. Ảnh: Trần Trung.

Từ Phước Minh, nước thải theo các tuyến kênh chảy về hệ thống kênh Đông, cấp nước cho hàng trăm ngàn ha đất nông nghiệp và cả các khu công nghiệp. Việc để tình trạng ô nhiễm tiếp diễn ở đầu nguồn như Phước Minh không chỉ là vấn đề của địa phương, mà còn đe dọa đến an ninh nguồn nước cấp vùng.

Nuôi cá lóc, ba ba giúp cải thiện thu nhập cho người dân Phước Minh, nhưng không thể đánh đổi bằng sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Đã đến lúc địa phương và các cơ quan chức năng cần hành động mạnh mẽ hơn.

Xem thêm
Cần một chỉ thị quyết liệt để ngăn chặn ô nhiễm môi trường

Chiều 21/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp xây dựng Chỉ thị xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các điểm nóng, đặc biệt là ở hai thành phố lớn.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện tinh thần ‘phân cấp, phân quyền triệt để’

Bộ Nông nghiệp và Môi trường quyết liệt thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị về việc phân quyền, phân cấp tối đa cho địa phương, chỉ giữ lại thẩm quyền thật cần thiết thuộc trách nhiệm Trung ương.