Nghẽn dòng vì rác
Theo chân cán bộ Xí nghiệp Thủy lợi Dương Minh Châu kiểm tra các tuyến kênh trọng điểm về rác thải do đơn vị quản lý, chúng tôi không khỏi xót xa khi dòng nước tại các tuyến kênh thủy lợi trở thành dòng rác. Đặc biệt, tại các miệng cống, rác bịt kín, bóp nghẹt dòng chảy.

Rác bít kín, bóp nghẹt dòng chảy tại kênh thủy lợi T08. Ảnh: Trần Trung.
Theo Ban Quản lý Xí nghiệp Thủy lợi Dương Minh Châu, nhiều người dân vẫn giữ thói quen “tiện tay là quăng”, coi kênh mương như nơi xử lý rác tự nhiên. Từ túi nylon đựng cơm thừa đến băng vệ sinh, chai nhựa, xác động vật… tất cả đều bị ném xuống dòng nước mà không hề nghĩ đến hậu quả.
Gần trưa, trời nắng gắt như đổ lửa. Chúng tôi có mặt tại tuyến kênh thủy lợi T08 thuộc địa bàn xã Phước Minh, một trong những điểm đen về vấn nạn rác thải. Trên đoạn kênh chưa đầy 500 mét, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến hàng đống rác thải sinh hoạt đủ loại: bao nylon, chai nhựa, thậm chí cả xác động vật đang phân hủy. Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Ông Phan Thành Mãi, Tổ trưởng Tổ thủy nông xã Phước Minh, cho biết tổ hiện quản lý hai tuyến kênh chính và 84 cống, mương, đoạn kênh nhỏ. Tình trạng rác thải ở xã Phước Minh hiện rất nghiêm trọng. Đơn vị nhiều lần tổ chức vớt rác, nạo vét kênh, nhưng đâu lại vào đấy, chỉ vài tuần là đầy rác trở lại.

Ông Phan Thành Mãi ngán ngẩm trước thực trạng xả rác bừa bãi xuống kênh thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.
“Mỗi năm chúng tôi tổ chức 3-4 lần ra quân dọn rác trên tuyến kênh này. Tuy nhiên, kinh phí rất hạn chế, thậm chí có năm ngân sách không cấp. Tôi kiến nghị cấp trên cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xả rác bừa bãi để răn đe, chấm dứt tình trạng này”, ông Phan Thành Mãi bức xúc nói.
Cám cảnh vì rác
Không chỉ ở Phước Minh, hiện tượng xả rác bừa bãi xuống kênh mương diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương có hệ thống thủy lợi chạy qua khu dân cư, khu chợ, cụm công nghiệp nông thôn.
Chúng tôi tiếp tục có mặt tại tuyến kênh TN2A7 ở xã Truông Mít và T03 ở xã Chà Là. Đập vào mắt là hình ảnh không mấy dễ chịu: dòng nước kênh đổi màu, rác thải nổi lềnh bềnh, mùi hôi tanh nồng nặc bốc lên khiến người đi ngang phải bịt mũi, bước vội.
Bà Trần Thị Thu Minh, sống cạnh kênh, bức xúc cho biết gia đình bà đến Dương Minh Châu lập nghiệp từ sau giải phóng. Trước đây, kênh rất sạch, gia đình thường đem mùng mền, chiếu gối xuống kênh giặt. Dòng kênh cũng là nơi bơi lội của học sinh vào ngày hè. Nhưng 10 năm trở lại đây, dòng kênh không còn như trước. Ngoài rác sinh hoạt, có lúc bà còn bắt gặp cả xác heo, gà lềnh bềnh trên kênh.
“Chúng tôi đã làm đơn lên ấp, báo chí cũng nhiều lần xuống phản ánh. Thế nhưng đâu lại vào đấy. Chúng tôi mong muốn chính quyền có giải pháp mạnh tay để trả lại dòng kênh sạch cho người dân”, bà Minh nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Huyền chủ động vớt rác nhưng không cứu nổi dòng kênh thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Kim Huyền bức xúc cho biết thêm, nguồn nước kênh bị ô nhiễm đã khiến cuộc sống gia đình bà và người dân ở đây bị đảo lộn. Ngoài ra, dùng nước ô nhiễm để tưới cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng đất và nông sản.
“Tôi tha thiết kiến nghị chính quyền các cấp cần có biện pháp mạnh hơn, nhất là xử phạt nghiêm các trường hợp vứt rác thải xuống kênh để răn đe và chấn chỉnh. Không chỉ vì trẻ em, mà tất cả người dân ở khu vực này hiện giờ đều rất lo sợ mỗi khi đi ngang con kênh này”, bà Huyền nói.
Thực trạng ô nhiễm kênh mương do rác thải không còn là vấn đề cục bộ, mà đang trở thành bài toán cấp thiết mang tính toàn tỉnh. Trong thời điểm biến đổi khí hậu, việc bảo vệ dòng kênh và nguồn nước phải được xem như nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.