| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi, mạch nguồn nông nghiệp xanh: [Bài 1] Trồng lúa thông minh

Thứ Tư 23/04/2025 , 07:57 (GMT+7)

Với lợi thế dồi dào nguồn nước từ hệ thống thủy lợi, Tây Ninh đang hướng tới sản xuất xanh, phát thải thấp để ngành hàng lúa gạo trở thành thế mạnh của tỉnh.

Từ thay đổi tư duy đến chuyển đổi thực tiễn

Nếu ĐBSCL là vựa lúa cả nước thì Tây Ninh được xem là vựa lúa của miền Đông Nam bộ nhờ lợi thế nguồn nước dồi dào từ hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Ðông cùng hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh. Địa phương này đang hướng đến mục tiêu sản xuất xanh, giảm phát thải carbon nhằm nâng tầm mặt hàng lúa gạo, hướng tới trở thành thế mạnh của tỉnh.

Tây Ninh có lợi thế phát triển ngành hàng lúa gạo xanh, giảm phát thải carbon. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh có lợi thế phát triển ngành hàng lúa gạo xanh, giảm phát thải carbon. Ảnh: Trần Trung.

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp Tây Ninh, cùng với việc tăng cường triển khai ứng dụng kỹ thuật canh tác “1 phải - 5 giảm” trên cơ sở kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, mô hình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ đang được trung tâm triển khai cùng nông dân, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên nước.

“Đặc điểm của sản xuất lúa nước là đất ruộng thường xuyên ngập nước, dẫn đến quá trình phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện yếm khí, tạo ra khí CH₄. Đây là một trong những tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất lúa phát thải thấp nhờ hệ thống công trình có khả năng kiểm soát tốt lượng nước”, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp Tây Ninh chia sẻ.

Mô hình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp Tây Ninh triển khai thí điểm. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp Tây Ninh triển khai thí điểm. Ảnh: Trần Trung.

Theo chân cán bộ Trung tâm đến HTX dịch vụ nông nghiệp An Bình tại huyện Châu Thành, một trong những HTX tiên phong ứng dụng mô hình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ, dù giá lúa đang chiều hướng giảm, bà con nơi đây vẫn không lo lắng.

Khảo sát thực tế tại các mô hình cho thấy, phương pháp canh tác tưới ướt khô xen kẽ không chỉ giảm được số lần bơm nước vào đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất, mà còn hạn chế được sâu bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt, năng suất cao.

Đang tất bật tháo nước để chuẩn bị thu hoạch 1,2 ha lúa của gia đình, anh Nguyễn Văn Lành, thành viên HTX An Bình phấn khởi cho biết, nông dân từ xưa đến nay thường giữ nước trên mặt ruộng hầu như suốt quá trình canh tác. Tuy nhiên, qua thực hiện mô hình cho thấy, trong một số giai đoạn, lúa có thể phát triển tốt mà không cần tưới ngập, năng suất vượt trội.

“Khi canh tác theo phương pháp truyền thống, chi phí trung bình khoảng 15 triệu đồng/ha. Khi áp dụng mô hình tưới ướt khô xen kẽ, chi phí giảm xuống còn khoảng 10 triệu đồng, giúp tăng lợi nhuận thêm 5 triệu đồng/ha. Ngoài ra phương pháp này tiết kiệm khoảng 40% lượng nước sử dụng, năng suất tăng hơn 15%.  Tùy theo giống lúa, giá lúa hiện nay dao động từ 5.500-6.100 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ 1.000-1.500 đồng/kg nhưng chúng tôi vẫn có lợi nhuận tốt”, anh Lành phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Văn Luôn, Giám đốc HTX An Bình cho biết thêm, HTX hiện có 50 thành viên với tổng diện tích sản xuất lúa trên 100 ha. Nhờ quan tâm của nhà nước, hầu hết hệ thống kênh mương thủy lợi đã được bê tông hóa hoàn toàn, đảm bảo cung cấp nước kịp thời trong mùa vụ, giúp nông dân chủ động trong canh tác mà không lo thiếu nước. Nhà nước cũng hỗ trợ 100% chi phí sử dụng nước, do đó rất thuận lợi áp dụng phương pháp canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ.

Ông Nguyễn Văn Luôn (bìa trái) chia sẻ giải pháp và thành quả canh tác mô hình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Văn Luôn (bìa trái) chia sẻ giải pháp và thành quả canh tác mô hình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Luôn, phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ rất dễ thực hiện, mỗi mùa vụ nước được rút 3 lần, mỗi lần rút nước kéo dài khoảng 3 ngày, nếu ruộng giữ khô được liên tục trong 3 ngày, việc rút nước được xem là thành công. Nông dân có thể xác định thời điểm cấp nước bằng cách theo dõi ống đo mực nước trên ruộng. Khi mực nước xuống thấp hơn 15cm so với mặt ruộng, nước cần được bổ sung trở lại.

“Nhờ phương pháp rút và bổ sung nước hợp lý, đất không bị nhiễm phèn, rễ lúa phát triển tốt, cây lúa khỏe, đẻ nhánh mạnh, bông lúa dài và chắc hạt. Đặt biệt, đến giai đoạn thu hoạch, lúa ít bị đổ ngã, tránh thất thoát sau thu hoạch. Phát huy kết quả đạt được, vụ hè - thu, HTX sẽ triển khai đến tất cả các thành viên cùng thực hiện để giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập”, ông Nguyễn Văn Luôn nhấn mạnh.

Xây dựng nông nghiệp xanh từ đồng lúa chất lượng cao

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, diện tích gieo trồng lúa hàng năm của tỉnh hiện đạt khoảng 145.000 ha/3 vụ. Năm 2024, sản lượng lúa của tỉnh đạt 821.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy mặc dù diện tích trồng lúa có xu hướng giảm theo định hướng tái cơ cấu, nhưng sản lượng vẫn được duy trì và tăng nhẹ nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật và canh tác thông minh.

Phương pháp canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ không chỉ tiết kiệm nước, cây lúa sinh trưởng phát triển mạnh, năng suất cao, thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Trung.

Phương pháp canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ không chỉ tiết kiệm nước, cây lúa sinh trưởng phát triển mạnh, năng suất cao, thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh cho biết thêm, để hiện thực hóa mục tiêu này, Tây Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng thủy lợi. Ngoài ra, Tây Ninh cũng đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, nhà khoa học và tổ chức quốc tế đồng hành cùng địa phương.

Bà con nông dân Tây Ninh từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Bà con nông dân Tây Ninh từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh giao Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp làm nòng cốt xây dựng phương án và là trung tâm tập hợp thu hút người nông dân, HTX tham gia các chuỗi liên kết sản xuất.

 “Việc đào tạo kỹ năng kinh tế nông nghiệp cho nông dân là yếu tố quan trọng, giúp họ tự tin hơn trong quản lý, tính toán chi phí và lợi nhuận một cách khoa học, hiệu quả. Nông dân không chỉ là người sản xuất mà còn là những người quản lý tài ba trên chính mảnh ruộng của mình. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm giúp bà con không chỉ tăng thu nhập mà còn nâng cao vị thế của ngành lúa gạo trên thị trường”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Dù không nằm trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, song Tây Ninh đặt ra mục tiêu chuyển đổi xanh toàn bộ diện tích trồng lúa truyền thống thành các giống lúa chất lượng cao, sản xuất theo quy trình giảm phát thải, giảm thiểu tác động môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và nâng cao giá trị thu nhập từ hạt lúa.

Xem thêm
Đầu tư dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm trên 900 tỉ đồng

QUẢNG TRỊ Dự án có diện tích mặt đất, mặt nước dự kiến sử dụng trên 63 ha, công suất thiết kế 1.200 nái ông bà, 5.000 nái bố mẹ và 80.000 lợn thương phẩm.

Không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến phòng, chống dịch bệnh

HÀ TĨNH Đó là một trong những chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm khống chế dịch tả lợn Châu Phi và một số dịch bệnh đang xảy ra trên đàn vật nuôi.

Những hứa hẹn ở Quỳnh Nhai

SƠN LA 7 năm trôi qua, diện tích trồng cây mắc ca ở Quỳnh Nhai ngày càng mở rộng, sản lượng tăng dần, doanh nghiệp chế biến sâu đã liên kết đầu tư để nâng giá trị.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đắk Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn

ĐẮK NÔNG Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chủ động định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Báo Nông nghiệp và Môi trường giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững hơn

'Tôi mong Báo sẽ tiếp tục giúp truyền tải đến người dân những thông tin để giúp họ hạn chế các hoạt động sản xuất còn gây tổn hại cho môi trường'.

Tàu cá thiếu lao động trầm trọng: [Bài 3] Cần hiện đại hóa nghề cá

Hiện đại hóa nghề cá là giải pháp giảm thiểu lao động để giải quyết vấn nạn thiếu lao động nghề biển nhưng đòi hỏi thuyền viên phải qua đào tạo.

Sếu đầu đỏ Thái Lan đã về Tràm Chim

Đồng Tháp Tỉnh Đồng Tháp đã chính thức tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực bảo tồn loài chim quý hiếm tại Vườn quốc gia Tràm Chim.