| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai bệnh nặng được chữa lành bằng nông nghiệp sinh thái

Thứ Năm 10/07/2025 , 19:33 (GMT+7)

Nhìn Quang dẫn khách thoăn thoắt đi lại giữa vườn nho để giới thiệu đặc tính của từng giống tôi không ngờ rằng trước đây anh từng phải chống nạng tới 7 tháng ròng

Nguyễn Ngọc Quang ngày đêm bên những cây nho. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nguyễn Ngọc Quang ngày đêm bên những cây nho. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hồi sinh cánh đồng hoang

Chỉ trong vòng hơn 20 tháng, từ cánh đồng hoang cỏ dại mọc um tùm của xã Thạch Thất, TP Hà Nội đã biến thành trang trại nho kiêm du lịch trải nghiệm đẹp đẽ và bề thế. Theo lời hẹn trước, một ngày cuối tuần tôi đến thăm Nguyễn Ngọc Quang-chủ trang trại ấy rồi cùng ngồi dưới bóng mát của những tàng cây để nhẩn nha thưởng thức những quả nho Hạ Đen ngọt, giòn và vỏ có hậu vị hơi chát.

Anh kể: “Từ hôm mở vườn tới giờ đã hơn hai tuần, chưa ngày nào mà không có mưa, không mưa ngày thì mưa đêm, nhiều đoàn khách đã đặt lịch rồi lại không đến nữa. Mưa nhiều cũng phát sinh lắm nấm bệnh khiến cho nho bị giảm cả về sản lượng lẫn chất lượng. Làm nông nghiệp vất vả là thế nhưng nếu được cho chọn lại em vẫn chọn đi con đường này thôi”.

Vốn xuất thân nông thôn, lúc còn nhỏ Quang được giáo dục phải học để thoát khỏi cảnh chân lấm, tay bùn. Sau này, khi theo nghề công nghệ thông tin, sáng xe công ty đón đến chỗ làm rồi ngồi máy tính cả ngày tới tối xe đón về nhà anh lại cảm thấy nhàm chán. Công việc đó kết thúc vào năm 2015 khi anh bị mắc bệnh u tuyến yên.

Khu vực trồng nho sữa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu vực trồng nho sữa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bệnh thì bệnh nhưng ở nhà anh vẫn chăm sóc một vườn đào hoa, đầu năm trồng, cuối năm bán cho người ta chơi Tết để trả nợ tiền đi viện, tiền thuốc thang. Cùng cực nhất là năm 2019, do uống nhiều thuốc giảm đau khiến cho anh bị loãng xương nặng đến nỗi không đi lại được, phải chống nạng suốt 7 tháng liền. Đôi lúc chán nản, bi quan Quang đã bảo với vợ rằng: “Kiếm cho anh một chiếc xe lăn chứ chống nạng nhiều người đau lắm”.

Ông bà nội thì cầm cố sổ đỏ để hỗ trợ tiền cho anh đi viện, ông bà ngoại thì hỗ trợ tiền ăn cho cả nhà và tiền đóng học cho con. Có những lúc vợ nhờ đi mua cốc cháo dinh dưỡng cho con chỉ có giá 7.000đ thôi nhưng trong túi không có đồng nào, anh phải lấy cơm nguội đổ nước vào đun lên, quấy thành cháo.

Nghĩ mình tuổi đời hãy còn trẻ, không thể nào cứ dựa dẫm mãi vào người khác được như thế nên anh quyết tâm ăn kiêng, kiên trì tập luyện để đến một ngày hạnh phúc trào dâng khi có thể bỏ nạng, trở lại làm vườn được. “Suy tuyến thượng thận là bệnh hiểm nghèo nhưng càng làm vườn em lại càng cảm thấy yêu cây hơn, khỏe người hơn”. Anh tâm sự.

Mở lối đi du lịch nông nghiệp

Đang trồng đào rồi trồng bưởi, cho thu nhập cũng khá tới cuối năm 2021 tình cờ một người bạn kể với Quang chuyện mình trồng nho trên sân thượng ra rất nhiều quả nên anh tò mò tìm hiểu về loại cây trồng này trên mạng và đến tham quan một số nhà vườn. Thế rồi cây nho đã cuốn anh vào cuộc lúc nào không hay.

Dù bị bố can ngăn nhưng anh vẫn quyết chặt bưởi trong vườn để chuyển sang trồng nho. Khi trồng nho ở vườn nhà thành công thì anh lại gặp những người bạn cùng chí hướng nên cùng nhau thuê một cánh đồng hoang ở xã Đại Đồng cũ nay là xã Thạch Thất mới với mục đích mở rộng diện tích trồng nho và làm cả du lịch trải nghiệm.

Cắt tỉa nho. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cắt tỉa nho. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quá trình đàm phán để thuê lại những thửa ruộng hoang của họ với 100 hộ dân cũng rất gian nan. Cũng may là nhờ có chính quyền đồng hành, thuyết phục dân; đồng thời họ phải cam kết không được bê tông hóa, không được vi phạm Luật đất đai thì việc mới thành.

Trong trang trại rộng 3,5 ha ấy họ quy hoạch 1,5 ha để trồng ba giống nho gồm nho sữa (nho Mẫu Đơn), nho Hạ Đen và nho Hoàng Đế Đen. Vừa kiến thiết vườn được một thời gian thì cơn bão Yagi ập đến khiến cho hơn 2.000m2 nhà màng bị giật sập, cây cối đổ nghiêng, đổ ngả. Cả đêm hôm trước nghe gió hú u u anh Quang đã không ngủ được, sáng ra nhìn thấy cảnh tượng tang thương của trang trại, mắt cay xè muốn khóc mà vẫn phải tự động viên mình và động viên những người khác đứng dậy mà khắc phục.

Cơn bão đó đã cho họ một bài học nhớ đời. Cũng may là lúc bấy giờ cây đang ở thời kỳ phát triển nên cơn bão như một bài test để đánh giá mức độ chống chịu của trang trại, từ đó anh cho sửa sang, gia cố lại chắc chắn hơn; nếu cây đã ở thời kỳ cho quả rồi thì thiệt hại khi gặp bão sẽ vô cùng lớn.

Sau một năm tập trung vào sản xuất, anh bắt đầu thiết kế cảnh quan phục vụ cho du lịch nông nghiệp như đồi chong chóng, ao cá, chuồng dê cừu, chuồng chim, vườn ngô, vườn cây ăn quả, đường đi lối lại, chòi nghỉ mát…

Khách đến trải nghiệm bắt cá tại trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khách đến trải nghiệm bắt cá tại trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

HTX Du lịch và Dịch vụ Nông nghiệp Xanh cũng được thành lập. Anh giải thích, chữ xanh gồm sản phẩm xanh và môi trường xanh. Trang trại không dùng những vật liệu công nghiệp mà là những vật liệu tự nhiên như chòi nghỉ mái lợp cọ, khung, sàn bằng bương, tre để khách tới đây cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên.  

Có những ngày cuối tuần trang trại tiếp số lượng khách đông tới 300-400 người. Nếu như nho sữa thu hút khách bởi thơm, ngon, ngọt khác biệt thì nho Hạ Đen lại giòn, ngọt và hậu vị hơi chát, còn nho Hoàng Đế Đen lại ngọt kiểu dễ ăn. Với giá bán nho sữa hiện 300.000đ/kg, nho Hạ Đen 150.000đ/kg và tổng sản lượng hàng chục tấn vụ này thì doanh thu của họ sẽ đạt trên dưới 2 tỉ đồng.

Ngoài ra trang trại còn khoản thu từ du lịch nông nghiệp nhờ bán vé trải nghiệm 50.000đ/người nhưng khi mua hàng trị giá từ 300.000đ trở lên sẽ được hoàn lại. Nếu như mua nho ở chợ không biết nguồn gốc ra sao, chất lượng thế nào thì ở đây mọi người sẽ thấy hết những công đoạn sản xuất theo chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn thực phẩm ra sao nên rất tin tưởng…

Tôi hỏi có lời khuyên nào dành cho những ai muốn khởi nghiệp nông nghiệp, thì anh đáp rằng: “Nếu chỉ nhìn vào bức tranh trồng nho để làm du lịch thì sẽ thấy rất đẹp, rất thích nhưng thực tế lại khác. Trồng nho không khó tuy nhiên phải dành thời gian, tâm huyết để ăn ngủ cùng nó chứ chỉ thuê người về làm thì không nên đầu tư. Có những người bạn của em cũng bỏ tiền tỉ vào trồng nho, khi bị đuối về đầu tư phải lao đi làm việc khác để lấy tiền nuôi vườn nho, thời gian, công sức không dành cho vườn nho nên bị thất bại.

Lúc cây nho ra hoa, đậu quả mà chỉ để bẵng đi một hai hôm không xử lý là mất trắng. Rồi giai đoạn tỉa quả cũng thế, phải thuê 15-20 lao động dồn lực vào làm liên tục. Những ngày ấy, em phải ra vườn từ 6 giờ sáng và tới 10 giờ tối mới trở về nhà nên có khi 2-3 ngày vợ con không nhìn thấy mặt. Em đã dành tất cả những gì mình có vào vườn nho này, từ kinh tế đến tâm huyết nên vụ này dự kiến nho Hoàng Đế Đen sẽ đạt sản lượng hơn 1 tấn, nho Hạ Đen sẽ đạt sản lượng hơn 3 tấn, còn nho sữa sẽ đạt sản lượng khoảng 10 tấn”.       

Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Xem thêm
Lời giải công nghiệp hóa ngành chăn nuôi: [Bài 1] Nuôi bò thông minh giảm phát thải

Tây Ninh đang đẩy mạnh chăn nuôi thân thiện môi trường với mô hình chăn nuôi bò thông minh, giảm phát thải đang mở ra hướng đi mới ngành chăn nuôi bò địa phương.

Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi

LÂM ĐỒNG Người chăn nuôi ở Lâm Đồng nâng cao cảnh giác, chủ động tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa.

7.000 cây cau mỗi năm cho thu nhập 700 triệu đồng

THANH HÓA Với 14.000 gốc cau, trong đó 7.000 cây đã cho thu hoạch, tốn ít công chăm sóc, thương lái thu mua tại vườn, ông Dũng có thu nhập mỗi năm trên 700 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Thấp thỏm xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng dù tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lo ngại suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Bình luận mới nhất