| Hotline: 0983.970.780

Temasek Foundation đồng hành cải tiến kỹ thuật canh tác lúa tại ĐBSCL

Thứ Năm 24/07/2025 , 19:10 (GMT+7)

CẦN THƠ Đại diện Temasek Foundation kêu gọi cá nhân, tổ chức đề xuất sáng kiến canh tác lúa bền vững để được hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh, có trách nhiệm

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Công ty cổ phần Hóa Nông AHA tổ chức hội thảo sơ kết và chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, góp phần thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa ở ĐBSCL.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các đơn vị, tổ chức, các đối tác liên quan và tổ chức Temasek Foundation (Singapore) - đơn vị tài trợ tài chính trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới.

Bà Heng Li Lang, Giám đốc bộ phận Khí hậu và Sức sống của Temasek Foundation cho biết sẽ tiếp tục đồng hành nếu mô hình chứng minh được hiệu quả thực tế. Ảnh: Minh Sáng.

Bà Heng Li Lang, Giám đốc bộ phận Khí hậu và Sức sống của Temasek Foundation cho biết sẽ tiếp tục đồng hành nếu mô hình chứng minh được hiệu quả thực tế. Ảnh: Minh Sáng.

Đột phá về kỹ thuật

Tại sự kiện, ông Lê Thanh Tùng – nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nhiều nông dân tham gia mô hình kỳ vọng gạo sản xuất ra sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, giá cao chỉ dành cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn thực sự, không chỉ về phát thải mà còn bao gồm dư lượng hóa chất, an toàn thực phẩm và nhiều tiêu chí kỹ thuật khác.

“Có những lô gạo xuất khẩu sang châu Âu đạt giá 800–1.000 USD/tấn là nhờ đáp ứng tới 252 chỉ tiêu kỹ thuật chứ không chỉ đơn thuần vì là 'gạo giảm phát thải'. Các hợp tác xã và cán bộ địa phương cần truyền thông đúng tinh thần Đề án 1 triệu hecta lúa, đó là không chỉ dừng ở mục tiêu giảm phát thải mà phải hướng đến nền sản xuất xanh, sạch, chất lượng, giảm chi phí sản xuất. Nông dân muốn nâng cao thu nhập cần thay đổi tư duy, chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật thay vì trông chờ sự ưu ái về giá từ doanh nghiệp”, ông Tùng lưu ý.

Thực tế, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới đã chứng minh hiệu quả thực tiễn. Từ năm 2025, Công ty cổ phần Hóa nông AHA đã phối hợp triển khai 7 mô hình thí điểm tại ĐBSCL, mỗi mô hình 50 hecta trong 2 vụ hè thu và thu đông, kết quả bước đầu rất khả quan.

Cụ thể, chi phí sản xuất giảm từ 8–24%, giảm 30–50% lượng giống gieo sạ, giảm 30–70 kg phân bón hóa học/hecta, giảm 1-4 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 30–40% lượng nước tưới. Phát thải khí nhà kính giảm trung bình 2–12 tấn CO₂/hecta. Giá lúa được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn so với mặt bằng thị trường.

Ghi nhận thực tế tại mô hình ở xã Đại Ngãi (TP Cần Thơ), Hợp tác xã Hưng Lợi triển khai kỹ thuật phun khoáng bằng dây bay do Công ty cổ phần Hóa Nông AHA triển khai trên diện tích 50 hecta lúa với 42 hộ tham gia.

Ông Lý Công Chức – Giám đốc kỹ thuật của Hợp tác xã cho biết: “Tuy mới vụ đầu áp dụng, mô hình cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cây lúa trổ bông đều, lá xanh mướt, chống đổ ngã tốt. Nhiều xã viên rất phấn khởi, bà con chưa tham gia cũng đến học hỏi”.

Mỗi hecta được bón khoảng 500 kg phân khoáng (gồm lân nung chảy, kali, canxi – magiê...) chia làm 5 lần phun theo các giai đoạn sinh trưởng. Lớp khoáng bám trên lá giúp điều chỉnh vi môi trường, hạn chế dịch hại phát triển. Bên cạnh đó, sáng kiến sử dụng bèo hoa dâu (Azolla) tạo phân hữu cơ ngay tại ruộng, hỗ trợ diệt cỏ dại và ốc bươu vàng cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa – Giám đốc Công ty cổ phần Hóa Nông AHA cho biết: Mô hình cho hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các bên, hộ dân liên kết sản xuất nhận hỗ trợ 100.000 đồng/hecta, hợp tác xã vận chuyển 300.000 đồng/hecta, cán bộ khuyến nông cộng đồng và doanh nghiệp bao tiêu mỗi bên 300.000 đồng/hecta, đơn vị cung ứng vật tư và HTX làm dịch vụ đều nhận 1 triệu đồng/hecta. Như vậy, tổng mức hỗ trợ cho gói kỹ thuật trị giá 6,5 triệu đồng, gần tương đương với mức hỗ trợ 100% chi phí sản xuất.

Đại diện Công ty cổ phần Hóa Nông AHA giới thiệu quy trình phun khoáng cho lúa bằng dây bay. Ảnh: Hồ Thảo.

Đại diện Công ty cổ phần Hóa Nông AHA giới thiệu quy trình phun khoáng cho lúa bằng dây bay. Ảnh: Hồ Thảo.

Kêu gọi sáng kiến mới

Hiện mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác mới được triển khai trên tổng diện tích 500 hecta với kinh phí hỗ trợ 220.000 USD (khoảng 5,2 tỷ đồng) từ Temasek Foundation, Công ty cổ phần Hóa Nông AHA thực hiện nhằm góp phần vào sự thành công của Đề án 1 triệu hecta lúa.

Đại diện Temasek Foundation chia sẻ, việc tài trợ cho dự án không chỉ dừng lại ở hỗ trợ ban đầu mà còn kiểm chứng hiệu quả thực tế như giảm phát thải và tăng thu nhập. Đồng thời tiếp tục đồng hành khi mô hình chứng minh được hiệu quả.

Bà Heng Li Lang, Giám đốc bộ phận Khí hậu và Sức sống của Temasek Foundation chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng mô hình canh tác lúa bền vững dựa trên khoa học và đổi mới, đây sẽ là tương lai của ngành nông nghiệp ĐBSCL. Sự kết hợp này vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam cần mạnh dạn đề xuất các sáng kiến bền vững để được hỗ trợ, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, hiệu quả và có trách nhiệm".

Nông dân kỳ vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa mới. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân kỳ vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa mới. Ảnh: Hồ Thảo.

Bà Huỳnh Kim Định – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục làm đầu mối kết nối kỹ thuật, tổ chức nhân rộng mô hình. Đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý canh tác, khuyến khích hợp tác công – tư và kêu gọi sự đồng hành của các tổ chức quốc tế để mở rộng quy mô mô hình.

Với sự chung tay của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp công nghệ và sự chủ động của nông dân, con đường tiến tới nền nông nghiệp xanh, hiệu quả và có trách nhiệm tại ĐBSCL đang dần trở thành hiện thực.

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Giám đốc Công ty cổ phần Hóa Nông AHA cho hay, sắp tới Công ty sẽ giới thiệu các sáng kiến bổ trợ như vi sinh nội sinh Neo-Bacter giúp tăng sức sống rễ lúa, thiết bị gieo sạ bằng Neo-Drone giải quyết thiếu hụt lao động, phần mềm Neo-App giúp minh bạch quản lý chuỗi, theo dõi vật tư và lợi nhuận.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi rất cao

Tỉnh Khánh Hòa đã xuất hiện một ổ dịch tả lợn Châu Phi vào ngày 4/7 và đến nay cơ bản đã kiểm soát tuy nhiên nguy cơ lây lan vẫn rình rập.

Một xã trồng 40 hecta hoa thiên lý, tạo việc làm cho hơn 200 lao động

THANH HÓA Hoa thiên lý đang dần trở thành cây trồng chủ lực ở xã Công Chính (Thanh Hóa). Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển cây trồng truyền thống kém hiệu quả sang trồng thiên lý.

Thiếu sổ đỏ, thiếu dữ liệu, nông hộ cà phê khó đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Để ngư dân đồng hành đấu tranh với nạn đánh bắt tận diệt

LÀO CAI Tuyên truyền, vận động bằng lời chưa đủ sức nặng, doanh nghiệp sẽ chứng minh bằng hiệu quả kinh tế để ngư dân đồng hành đấu tranh với nạn đánh bắt tận diệt.

Trồng rừng bền vững, gặt lợi đa tầng

Vĩnh Long Với người dân, rừng không chỉ là 'lá chắn' gió biển, mà còn là sinh kế thiết thân của những phận đời miệt biển.

Bình luận mới nhất