| Hotline: 0983.970.780

7.000 cây cau mỗi năm cho thu nhập 700 triệu đồng

Thứ Năm 10/07/2025 , 19:36 (GMT+7)

THANH HÓA Với 14.000 gốc cau, trong đó 7.000 cây đã cho thu hoạch, tốn ít công chăm sóc, thương lái thu mua tại vườn, ông Dũng có thu nhập mỗi năm trên 700 triệu đồng.

1 sào cau bằng 1 ha keo

Ông Hà Văn Dũng, người dân tộc Mường ở làng Trô, xã Giao An, tỉnh Thanh Hóa từng thử trồng hàng chục loại cây trồng trên diện tích 5 ha đất của gia đình nhưng tất cả đều cho hiệu quả kinh tế không cao. Có thời điểm ông trồng tới 500 gốc chanh, 5.000 cây gấc nhưng thị trường bấp bênh, không có thương lái tới thu mua, việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn.

HIện ông Hà Văn Dũng đã trồng 14.000 cây cau, cho lợi nhuận cao và ổn định. Ảnh: Thanh Tâm.

HIện ông Hà Văn Dũng đã trồng 14.000 cây cau, cho lợi nhuận cao và ổn định. Ảnh: Thanh Tâm.

Đã có kinh nghiệm hàng chục năm đi thu mua dược liệu ở khắp các bản làng vùng cao trong tỉnh, ông Dũng nhận thấy cây cau cho thu hoạch quả lâu dài, thương lái đến thu mua tận vườn. Nếu cau quả không bán được, có thể để già rồi tách lấy hạt bán cho các cơ sở chế biến dược liệu.

Năm 2006, ông trồng thử nghiệm 1.200 cây cau, sau 5 năm cho thu hoạch, thời điểm đó dù giá cau chưa cao nhưng ông Dũng nhận thấy việc trồng cau tốn ít công chăm sóc, vốn không nhiều, tới vụ thu hoạch không phải lo lắng tìm nơi bán.

Trong 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019, ông Dũng mở rộng diện tích trồng cau của gia đình lên 5 ha với 14.000 cây. Hiện 7.000 cây đã cho thu hoạch.

Ban đầu ông Dũng ươm giống cau phục vụ nhu cầu của gia đình, dần tích lũy kinh nghiệm, ông làm vườn ươm cung ứng giống ra thị trường. Đầu tiên là cung cấp giống cho các hộ dân trong thôn trồng, sau đó bán cho khách hàng ở khắp các tỉnh. Năm 2024, ông bán ra thị trường 30.000 cây cau giống với giá trung bình 25.000 đồng/cây, cộng với tiền bán 5 tấn cau quả, ông thu về lợi nhuận 700 triệu đồng.

Mỗi năm ông Dũng bán ra thị trường 30.000 cây cau giống. Ảnh: Thanh Tâm.

Mỗi năm ông Dũng bán ra thị trường 30.000 cây cau giống. Ảnh: Thanh Tâm.

Ông Dũng chia sẻ: "Gia đình tôi có 5 ha đất sản xuất, đã trồng rất nhiều loại cây như vải, cam, bưởi, chanh, gấc, mía… nhưng đều cho hiệu quả kinh tế thấp, trong khi đó vốn đầu tư lớn. Từ kinh nghiệm thực tế, tôi nhận thấy cây cau cho thu nhập bền vững, không cần nhiều vốn để tái sản xuất. Mỗi năm chỉ cần bón phân một lần và phát cỏ khi rậm rạp, tốn rất ít công chăm sóc.

“Từ khi cây cau cho thu hoạch quả, chưa khi nào không có thương lái tới thu mua tại vườn, chỉ cần giá bán từ 20.000 đồng/kg trở lên đã có lãi. Một 1 sào cau cho thu nhập tương đương 1 ha trồng keo”.

Vừa nhàn, vừa không lo đầu ra

Ông Dũng nhớ lại thời điểm trồng 500 gốc chanh và 5.000 cây gấc, tới mỗi vụ thu hái, bán tại địa phương không hết, ông từng bắt xe khách xuống thành phố, mang theo mỗi loại quả một ít tới các nhà hàng chào bán với giá rẻ. Cũng có một số một số nơi đồng ý nhập hàng, ông đóng bao tải gửi xe khách xuống thành phố. Nhưng việc tiêu thụ nhỏ lẻ rất tốn công, lại không ổn định nên ông không duy trì được lâu dài.

Những gốc chanh cũng dần bị chặt bỏ để tìm cây trồng khác thích hợp hơn. Từ khi chuyển sang trồng cau, vợ chồng ông Dũng sống khỏe từ thu hoạch quả, lại đỡ phải chạy khắp nơi tìm đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2022 ông trồng thêm 600 cây cốt toái bổ sống bám trên thân cây cau. Hiện củ cây cốt toái bổ thương lái đang thu mua với giá 30.000 đồng/kg. Ông Dũng đang trong quá trình nhân giống cây cốt toái bổ để trồng trên diện tích cau còn lại.

Ông Dũng đang nhân giống cây cốt toái bổ trên thân cau để tạo thêm nguồn thu. Ảnh: Thanh Tâm.

Ông Dũng đang nhân giống cây cốt toái bổ trên thân cau để tạo thêm nguồn thu. Ảnh: Thanh Tâm.

Các hộ dân ở làng Trô nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cau của ông Dũng nên đã mua giống từ vườn ươm của ông để chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả. Hiện ở làng Trô diện tích trồng cau đã trên 20 ha.

Theo ông Dũng, cây cau lấy quả làm giống phải là cây trên 15 năm tuổi. Ông bảo hành cho các hộ mua giống cho đến lúc cau ra quả đạt chất lượng. "Cây cau cũng rất cần nước, mùa khô cần tưới nước và thường bị rệp gây hại, khi phát hiện cần thuê máy bay phun thuốc. Cây cau cho thu hoạch bền vững, mưa bão không sợ gãy đổ, tỷ lệ rủi ro thấp, mùa ra hoa đậu quả ko phải phun thuốc như lúc trồng chanh, gấc", ông Dũng chia sẻ.

Ông Hà Văn Oanh, sinh năm 1964 ở làng Trô cũng có 2.600 gốc cau, năm 2024 đã cho quả bói. Diện tích này trước đây trồng mía rồi chuyển sang keo nhưng vì sức khỏe yếu, lại tốn công chăm sóc nên ông đã mua giống cau của ông Dũng để trồng thay thế. Từ khi trồng cau, vợ chồng ông rất nhàn vì cau tốn ít công chăm sóc.

Ông Hà Văn Oanh chuyển đối 1 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cau, hiện đã cho quả bói. Ảnh: Thanh Tâm.

Ông Hà Văn Oanh chuyển đối 1 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cau, hiện đã cho quả bói. Ảnh: Thanh Tâm.

Ông Ngô Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ VAC - Hội Làm vườn và trang trại tỉnh Thanh Hóa cho biết: Những năm qua, nhiều mô hình trồng cau phát triển ở các xã miền núi tỉnh Thanh Hóa. Hiện giá trị kinh tế cây cau mang lại tương đối cao so với những cây trồng khác. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc. Thời gian tới, Hội Làm vườn và trang trại tỉnh sẽ nghiên cứu, xin chỉ đạo làm mô hình điểm trồng cau, đánh giá lại hiệu quả kinh tế để có định hướng nhân rộng.

Xem thêm
Lời giải công nghiệp hóa ngành chăn nuôi: [Bài 1] Nuôi bò thông minh giảm phát thải

Tây Ninh đang đẩy mạnh chăn nuôi thân thiện môi trường với mô hình chăn nuôi bò thông minh, giảm phát thải đang mở ra hướng đi mới ngành chăn nuôi bò địa phương.

Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Thấp thỏm xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng dù tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lo ngại suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Hoa Kỳ.

Bình luận mới nhất