75 năm góp phần quan trọng vào phát triển chăn nuôi bền vững
Sáng 11/7, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Thú y Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, trong 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thú y đã để lại những dấu ấn đậm nét trên nhiều phương diện. Ảnh: Hồng Thắm.
Phát biểu khai mạc, Giáo sư danh dự (GSDD).TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam chia sẻ, trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thú y Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, từ những đội phòng dịch nhỏ bé trong kháng chiến, đến một hệ thống tổ chức chuyên nghiệp, đông bộ, có mặt ở mọi địa phương, từ vùng sâu, vùng xa đến các cửa khẩu, biên giới; từ trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến chuỗi sản xuất hiện đại.
Trong hành trình ấy, ngành Thú y đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chăn nuôi bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người - thể hiện đúng vai trò là một mắt xích không thể thiếu trong tiếp cận Một sức khỏe - One Health.
Ngày hôm nay, đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ. Công cuộc chuyển đổi số, tái cơ cấu nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hội nhập quốc tế đòi hỏi ngành Thú y phải thích ứng nhanh, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy, công nghệ và cách làm.

Giáo sư danh dự (GSDD).TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Hồng Thắm.
“Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam, với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, kết nối sức mạnh của hệ thống viện - trường - doanh nghiệp - quản lý nhà nước; đồng hành cùng từng người làm nghề trên khắp mọi miền để lan tỏa tri thức, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp”, GSDD.TS Nguyễn Thị Hương khẳng định.
Được cộng đồng quốc tế đánh giá cao
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng, kể từ khi được hình thành, ngành Thú y đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển chung của ngành nông nghiệp và của đất nước.
Về công tác quản lý chuyên ngành Thú y, đã đạt được những thành tích quan trọng như: Xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật về thú y khá đồng bộ, hoàn chỉnh, phù hợp với yêu cầu, thực tiễn phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
Cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; đã thanh toán và loại trừ hoàn toàn được bệnh dịch tả trâu bò vào năm 1978, đặc biệt đã kiểm soát và ngăn chặn được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, lây lan sang người như bệnh nhiệt thán, cúm gia cầm, dại, liên cầu khuẩn, lao bò, kiểm soát tốt các bệnh đỏ ở lợn, dịch tả lợn cổ điển, tai xanh, tổ chức xây dựng thành công hơn 3.780 chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong việc đăng ký và giải quyết thủ tục kiểm dịch trên hệ thống hải quan một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính, thúc đẩy xuất, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát biên giới để ngăn chặn nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam.
Công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đã được đẩy mạnh, cả nước đã có 440 cơ sở giết mổ tập trung được quy hoạch và đi vào hoạt động, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, ngành Thú y đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển chung của ngành nông nghiệp và của đất nước. Ảnh: Hồng Thắm.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, với tổng số 218 loại vaccine đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm. Đặc biệt, có 3 đoanh nghiệp đã nghiên cứu thành công 3 loại vaccine dịch tả lợn Châu Phi, đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành.
Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thú y Thế giới từ năm 1951. Từ đó đến nay, Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng, được trao tặng “Kỷ niệm chương về thành tích cống hiến”. Vai trò và vị thế của Việt Nam về thú y luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và chọn làm mô hình điểm trong nhiều lĩnh vực.
Việt Nam cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sang các nước trên thế giới, tiêu biểu như: Xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản; xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang Trung Quốc, nhiều mặt hàng chăn nuôi khác như tổ yến, mật ong… được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.
Ngành Thú y đã để lại những dấu ấn đậm nét trên nhiều phương diện
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định, trong 75 năm qua, ngành Thú y Việt Nam đã bám sát các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử, để từng bước xây dựng, phát triểm mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Ngành đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước, cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và ngành chăn nuôi nói riêng.
Trong 75 năm xây dựng và phát triển, ngành thú y đã để lại những dấu ấn đậm nét trên nhiều phương diện như: Xây dựng được hệ thống thế chế, chính sách khá toàn diện; Công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục được triển khai đồng bộ và hiệu quả; Đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu kỹ thuật khắt khe...
Thứ trưởng nhấn mạnh, có được thành công trên là nhờ vào tinh thần không quản ngại khó khăn, thách thức, kể cả nguy hiểm đến tính mạng do thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều loại mầm bệnh lây từ động vật sang người của bậc thế hệ ngành Thú y trong suốt 75 năm qua.
Trong thành công ấy là tâm huyết, trí tuệ và công lao đóng góp của biết bao thế hệ cán bộ ngành Thú y, từ những người đặt nền móng đầu tiên, những nhà khoa học, quản lý, giảng viên, bác sĩ thú y tuyến cơ sở, đến những người âm thầm làm việc ở các chốt kiểm dịch, trạm thú y vùng sâu, vùng xa.
“75 năm là một chặng đường đáng tự hào, nhưng phía trước còn nhiều thách thức. Quá trình hội nhập đòi hỏi chúng ta phải chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn. Do đó, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, ngành Thú y sẽ quyết liệt đổi mới, đoàn kết thống nhất, trách nhiệm, hiệu quả và chủ động hội nhập”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.