Cẩn trọng từ những việc nhỏ nhất
Những ngày đầu tháng 7, thời tiết Lâm Đồng thay đổi thất thường, lúc nắng gắt, lúc mưa lớn, độ ẩm cao, đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh, gây hại cho đàn vật nuôi.

Chị Mai Thị Hương ở thôn Tân Hiệp, phường Nam Gia Nghĩa (Lâm Đồng) chăm sóc đàn bò để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: PC.
Tại thôn Tân Hiệp, phường Nam Gia Nghĩa, gia đình chị Mai Thị Hương đang chăm sóc đàn bò lai gần 10 con. Chuồng trại được vệ sinh kỹ mỗi ngày, vôi bột được rắc đều, nước uống thay mới thường xuyên. Chị Hương cho biết, nhờ cẩn trọng từ những việc nhỏ nhất, đàn bò phát triển ổn định dù thời tiết bất lợi.
“Năm ngoái, tôi chủ quan không tiêm phòng sớm, đến lúc bò bị lở mồm long móng thì thiệt hại hơn 20 triệu đồng. Năm nay, tôi chủ động liên hệ cán bộ thú y để tiêm đủ vaccine, tăng khẩu phần dinh dưỡng để bò không bị suy giảm sức đề kháng”, chị Hương chia sẻ.
Không riêng chị Hương, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng nâng cao cảnh giác. Các trang trại lớn đã lên kế hoạch tiêm phòng vaccine theo định kỳ, bổ sung vitamin và men tiêu hóa để tăng đề kháng cho vật nuôi. Trong khi đó, các hộ nuôi nhỏ lẻ bắt đầu quan tâm đến vệ sinh chuồng trại, không để nước ứ đọng và xử lý phân thải đúng cách nhằm giảm thiểu mầm bệnh trong môi trường.

Người dân chủ động phòng dịch cho đàn gà. Ảnh: PC.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lâm Đồng, thời điểm giao mùa, từ tháng 7 đến tháng 10 là giai đoạn dễ xảy ra các bệnh truyền nhiễm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả heo cổ điển, cúm gia cầm H5N1, H5N6… Nếu người dân không chủ động tiêm phòng và phòng dịch đúng cách, nguy cơ phát sinh ổ dịch là rất cao.
Cơ quan thú y địa phương đã phối hợp chính quyền các xã, phường rà soát tổng đàn, tổ chức các đợt tiêm phòng vaccine bắt buộc. Đồng thời, ngành đã cấp phát hóa chất tiêu độc, hướng dẫn hộ dân vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng và thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Các xã trọng điểm như Đức Trọng, Đinh Văn Lâm Hà, Đạ Tẻh… cũng được bố trí lực lượng thú y túc trực, sẵn sàng xử lý nếu có ổ dịch xuất hiện.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận dịch bệnh nguy hiểm trên diện rộng. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn và người dân, nhất là trong việc không giấu dịch và kịp thời xử lý vật nuôi ốm chết bất thường.
Kiểm soát chặt từ vận chuyển đến giết mổ
Để phòng ngừa dịch bệnh từ bên ngoài, lực lượng thú y tăng cường kiểm tra các điểm thu gom, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm. Hàng loạt xe chở gia cầm giống từ các tỉnh phía Nam lên Lâm Đồng đã bị xử lý do không có giấy tờ kiểm dịch hoặc vận chuyển trong điều kiện mất vệ sinh. Tại các chợ đầu mối, tổ kiểm soát lưu động cũng được thiết lập để xử lý hàng hóa động vật không rõ nguồn gốc.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần tập trung tăng sức đề kháng vật nuôi, theo dõi sát sao sức khỏe đàn, không để lây lan trong chuồng. Ảnh: PC.
Song song đó, công tác tuyên truyền được chú trọng. Cán bộ thú y địa phương tổ chức truyền thông lưu động, phát tờ rơi, phối hợp với Hội nông dân và Hội phụ nữ tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ. Một số địa phương tổ chức tập huấn về kỹ thuật nhận biết bệnh, vệ sinh chuồng trại, cách xử lý khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm chết đột ngột.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân không nên tăng đàn ồ ạt trong mùa mưa, tránh tạo áp lực cho hệ thống phòng dịch. Thay vào đó, cần tập trung tăng sức đề kháng vật nuôi, theo dõi sát sao sức khỏe đàn, không để lây lan trong chuồng.
Đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lâm Đồng nhấn mạnh: “Thời điểm này, mỗi người dân là một chốt chặn dịch bệnh hiệu quả nhất. Nếu chủ động tiêm phòng, báo tin sớm khi có dấu hiệu bất thường, ngành chuyên môn sẽ vào cuộc kịp thời, ngăn chặn dịch từ đầu”.
Lâm Đồng hiện đang xây dựng kế hoạch tăng cường phối hợp liên ngành giữa thú y, Công an, Quản lý thị trường và chính quyền cấp xã nhằm xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, kiểm soát vận chuyển và chăn nuôi không đúng quy định.