Chặn dịch tả lợn châu Phi bằng vacxin và an toàn sinh học
Thứ Tư 14/05/2025 , 14:46 (GMT+7)
Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có thể bùng phát, Đồng Nai đang tăng cường các biện pháp phòng dịch bệnh bằng bộ đôi ‘vũ khí' vacxin và an toàn sinh học.
Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có thể bùng phát, Đồng Nai đang tăng cường các biện pháp phòng dịch bệnh bằng bộ đôi ‘vũ khí” vacxin và an toàn sinh học.
Trang trại của bà Loan từng là một trong những điểm nuôi lớn ở xã Thạnh Phú, mỗi lứa nuôi cả ngàn con lợn giống, lợn thịt. Nhưng rồi, dịch tả lợn châu Phi ập đến, cả trại bị ảnh hưởng nặng nề. Đến nay, bà Loan vẫn chưa thể mạnh dạn tái đàn, chỉ dám nuôi cầm chừng vài trăm con mỗi vụ như một cách "níu giữ" nghề. Nhưng với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, ngay cả việc giữ cũng không hề dễ.
Bà Lê Ngọc Phi Loan, Xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai: Dịch tả châu Phi phải nói là rất là ghê gớm. Nếu mà trại nào mà có dịch tả châu Phi vào là coi như là hầu như là phá sản, số lượng heo thực tế là bây giờ cũng giảm đáng kể. Tại vì khi mà có dịch tả châu Phi vào rồi thì năng suất nó giảm. Ví dụ những con còn lại thì cái năng suất nó cũng đâu có được như ngày xưa được. Người chăn nuôi rất là khó khăn. Bây giờ không biết làm như thế nào luôn.
Tại Đồng Nai, nhiều hộ chăn nuôi đã buộc phải chuyển hướng chăn nuôi hoặc bỏ nghề trước nguy cơ dịch bệnh. Người chăn nuôi ngày càng ý thức phòng chống và kiểm soát dịch bệnh bằng các biện pháp an toàn sinh học hơn.
Bên cạnh đó, tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi đang được xem là tia hy vọng của người chăn nuôi. Đây được xem là công cụ chủ động đầu tiên giúp đàn lợn có khả năng kháng lại virus. Thay vì bị động "chờ dịch tới đâu, dập tới đó", người nuôi có thể từng bước tạo được "lá chắn" trong đàn. Tại một số trang trại, các lứa lợn được tiêm vacxin đã cho thấy hiệu quả với tỷ lệ sống cao hơn, số ca mắc và chết do dịch giảm rõ rệt.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai:Vacxin cũng là một cái cứu cánh để cho người chăn nuôi tiếp tục có thể tái đàn được và để cung ứng sản phẩm cho thị trường, tránh tình trạng là không chích vacxin, để rồi cái đàn heo bị hao hụt quá lớn, dẫn đến thị trường bị thiếu hụt. Các trang trại người ta cũng đang có những cái chiều hướng là sẽ chích vacxin để ít nhất là cũng được bảo vệ đàn heo là 50% hoặc có những trại may mắn 70 - 80 % thì điều đó là điều rất là may mắn.
Trước thời điểm giao mùa với khi độ ẩm không khí tăng cao, nhiệt độ thay đổi thất thường khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tả lợn châu Phi, luôn rình rập. Đây là giai đoạn virus dễ phát tán, sức đề kháng của đàn vật nuôi lại giảm, chỉ cần một lỗ hổng nhỏ trong khâu phòng dịch cũng có thể khiến cả trang trại lao đao. Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản cũng đang tăng cường triển khai các biện pháp ứng phó sớm, triển khai tiêm phòng và giám sát tình hình dịch tễ tại các địa phương.
Ông Thân Văn Cẩn, Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản Đồng Nai:Chúng tôi đã tiến hành tổ chức tham mưu cho Sở Nông nghiệp ban hành văn bản và trình UBND tỉnh ban hành một số cái văn bản về phòng trong cái thời điểm giao mùa. Tôi hi vọng rằng là các địa phương triển khai tích cực thì sẽ mang lại cái hiệu quả rất là cao về cái phòng bệnh.
Dịch tả lợn châu Phi vẫn luôn là mối đe dọa lớn đối với ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, với việc triển khai vacxin và an toàn sinh học, người chăn nuôi đã có thêm hy vọng trong việc duy trì và tái đàn. Nhờ vào những giải pháp chủ động, ngành chăn nuôi sẽ phục hồi và phát triển bền vững.