Hiện, tại Hà Tĩnh, dịch tả lợn Châu Phi tại 7 xã thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê và thành phố Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày. Trong khi đó, thời điểm này giá lợn hơi tăng cao, nhu cầu tái đàn của người dân lớn; lưu lượng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển qua địa bàn tăng càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, khó khống chế.

Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
Chưa kể, thời tiết thời điểm giao mùa làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi nhưng ý thức chấp hành quy định tiêm vacxin phòng dịch của một bộ phận người dân chưa cao khiến tỷ lệ tiêm phòng đợt 1 năm 2025 đạt thấp.
Để đôn đốc công tác tiêm phòng, chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu các địa phương đang có các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là dịch tả lợn Châu Phi tại các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê và TP. Hà Tĩnh.
Tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng, xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh chết kịp thời, đảm bảo chính xác về số lượng, khối lượng tiêu hủy, hồ sơ, thủ tục, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh.
Tổ chức kiểm tra, rà soát dịch bệnh của đàn vật nuôi trên toàn địa bàn đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các ổ dịch. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đẩy nhanh tiến độ tiêm vacxin phòng bệnh đợt 1 năm 2025, đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vacxin tại thời điểm tiêm phòng, hoàn thành trước ngày 30/5/2025.
Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tác dụng, hiệu quả của tiêm phòng vacxin đối với sức khoẻ của đàn vật nuôi, bảo vệ thành quả sản xuất chăn nuôi.
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi, tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

Các địa phương đang tập trung tiêm phòng vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục trâu bò. Ảnh: Thanh Nga.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao ngành chuyên môn và địa phương thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đợt 1 năm 2025, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Người đứng đầu sở ngành, các huyện, thành phố, thị xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu lơ là, thiếu tập trung chỉ đạo để dịch bệnh phát sinh diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
Đợt 1 năm 2025 toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 97.000 con trâu bò, hơn 184.000 con lợn, hơn 88.700 con chó và gần 2,2 triệu con gia cầm thuộc diện phải tiêm phòng. Hiện, các địa phương đang tập trung tiêm vacxin dại chó và viêm da nổi cục trâu bò. Các mũi như lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò phải chờ cách 7 - 10 ngày sau mũi viêm da nổi cục nên cần thời gian.