Theo Nghị định 131/2025/NĐ-CP quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND xã, Chủ tịch UBND cấp xã được giao nhiều thẩm quyền để chủ động quản lý lĩnh vực chăn nuôi, thú y.
Thẩm quyền của UBND xã
Cụ thể, UBND xã có thẩm quyền tổ chức quản lý, phát triển chăn nuôi tại địa phương; thống kê, đánh giá và hỗ trợ thiệt hại cho cơ sở chăn nuôi sau thiên tai, dịch bệnh; Bố trí kinh phí và tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật; thống kê, đánh giá, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau dịch bệnh động vật; Bố trí kinh phí xử lý ổ dịch bệnh động vật; chỉ đạo các phòng, ban, ngành có liên quan xác định ổ dịch bệnh động vật, thông báo trên phương tiện truyền thông của địa phương và hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.

Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất để phát triển chăn nuôi. Ảnh minh họa.
Đồng thời, quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ động vật tập trung; hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn; Kiểm tra điều kiện chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ; Hỗ trợ bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho những đối tượng di dời.
Thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã
Cũng theo Nghị định 131/2025/NĐ-CP, Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất theo thẩm quyền để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; Công bố dịch bệnh động vật trên cạn khi có đủ điều kiện công bố và dịch bệnh xảy ra trong phạm vi xã; Công bố hết dịch động vật trên cạn xảy ra trong phạm vi xã;
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND xã sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật vượt quá khả năng của địa phương; Thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, khắc phục hậu quả do dịch bệnh động vật gây ra và khôi phục nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Chủ tịch UBND xã sẽ quyết định hỗ trợ chi phí về vật tư phối giống nhân tạo gia súc gồm tinh đông lạnh, Nitơ lỏng, găng tay và dụng cụ dẫn tinh để phối giống cho trâu, bò cái; chi phí về liều tinh để thực hiện phối giống cho lợn nái, công cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò); Quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; chi phí cho cá nhân được đào tạo về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò); chi phí mua bình chứa Nitơ lỏng bảo quản tinh cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò) đối với các chính sách sử dụng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước.