Giữ vai trò phòng dịch, các trạm thú y liệu có còn?
Thứ Ba 08/07/2025 , 15:38 (GMT+7)
Khi chính quyền hai cấp vận hành, tương lai của hệ thống thú y cơ sở vốn là 'lá chắn' phòng dịch và an toàn thực phẩm đang là vấn đề khiến nhiều địa phương trăn trở.
Giữ vai trò phòng dịch, các trạm thú y liệu có còn?
Khi chính quyền hai cấp vận hành, tương lai của hệ thống thú y cơ sở vốn là “lá chắn” phòng dịch và an toàn thực phẩm đang là vấn đề khiến nhiều địa phương trăn trở.
Sau khi các địa phương triển khai tổ chức chính quyền hai cấp, trạm thú y trước đây vốn trực thuộc cấp huyện đang đứng trước ngưỡng cửa thay đổi lớn về cơ cấu. Tại Tây Ninh, địa phương này đang tính toán các phương án bố trí lại lực lượng thú y, nhưng vẫn chờ hướng dẫn thống nhất từ cấp Trung ương.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh:Bây giờ cấp huyện không còn thì các trạm thú y này cũng sẽ phải thay đổi, có thể theo hướng là làm theo khu vực nhiều xã hoặc là chia nhỏ và đưa về từng xã nhưng mà vào phòng chung của xã. Những cái này cũng đang giai đoạn mà tham khảo và chờ hướng dẫn của cấp trên.
Thực tế cho thấy, nếu không còn lực lượng thú y chuyên trách tại cơ sở, sẽ xuất hiện khoảng trống lớn trong toàn bộ chuỗi giám sát, phát hiện, khoanh vùng và xử lý dịch bệnh ngay từ tuyến đầu. Đây chính là lực lượng từng bám địa bàn, nắm chắc tình hình đàn vật nuôi ở từng thôn, từng xã và phản ứng nhanh với các dấu hiệu bất thường.
Việc thiếu hụt đội ngũ này không chỉ khiến công tác phòng chống dịch chậm trễ mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến hiệu quả tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm… những công đoạn vốn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và liên tục.
PGS.TS Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, trường Đại học Nông lâm TP.HCM:Nếu không còn lực lượng thú y cơ sở nữa thì sẽ không còn được những người có chuyên môn về thú y để theo dõi tình hình dịch bệnh ở tại địa phương. Công việc của bác sĩ thú y thì đòi hỏi về cái tính chuyên môn cao và được trang bị những cái kiến thức và cũng như là những cái kỹ năng đặc thù liên quan tới cái ngành nghề.
Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiến hành rà soát, đánh giá lại mô hình tổ chức hệ thống thú y địa phương. Mục tiêu là tìm giải pháp hài hòa giữa tinh gọn bộ máy với việc đảm bảo năng lực chuyên môn, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát an toàn thực phẩm. Đồng thời củng cố mạng lưới cộng tác viên cơ sở để không làm gián đoạn chuỗi giám sát dịch bệnh và hỗ trợ sản xuất.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường:Hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo Bộ bàn và kiến nghị về cái chính quyền hai cấp, hệ thống thú y theo quy định 44 của Thủ tướng Chính phủ. Phải giải quyết như thế nào để vừa đảm bảo được tinh gọn nhưng vẫn quán xuyến một công việc đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm, để chúng ta có thể có cái tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi duy trì được từ 4,5 - 6 % như năm vừa qua.
Bài toán đặt ra hiện nay là phải tìm được mô hình tổ chức vừa đủ linh hoạt trong quản lý, vừa đảm bảo tính chuyên môn cao trong thực thi nhiệm vụ. Việc giữ hay chuyển hóa các trạm thú y không chỉ là câu chuyện bộ máy, mà còn là vấn đề an toàn sinh học, an sinh xã hội và phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong tương lai.