| Hotline: 0983.970.780

Sắp xếp hệ thống ngành dọc nông nghiệp, cần tính toán giữ các trạm chuyên môn

Thứ Năm 10/07/2025 , 16:26 (GMT+7)

Việc duy trì các trạm chuyên môn ngành dọc nông nghiệp tại địa phương là yêu cầu cấp thiết, để thực thi chính sách, cầu nối giữa quản lý nhà nước và thực tiễn.

Khoảng trống lớn ở cơ sở

Đặc thù ngành nông nghiệp và môi trường là có một số lĩnh vực phạm vi quản lý rộng, đối tượng phức tạp và nhạy cảm như: trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi và thú y; thủy sản và kiểm ngư; lâm nghiệp và kiểm lâm; quản lý đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai; bảo vệ môi trường… Điều này đặt ra yêu cầu lực lượng chuyên môn tuyến cơ sở đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Mặc dù trước đây các trạm này được đặt tại cấp huyện, nhưng trực thuộc các chi cục chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đảm nhận nhiệm vụ vừa quản lý nhà nước chuyên ngành, vừa trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật cho người dân.

Đặc thù ngành nông nghiệp và môi trường cần một lực lượng cán bộ chuyên môn đóng tại cơ sở. Ảnh: Kim Anh.

Đặc thù ngành nông nghiệp và môi trường cần một lực lượng cán bộ chuyên môn đóng tại cơ sở. Ảnh: Kim Anh.

Thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, trước đây nhiều địa phương đã có chủ trương thí điểm giải thể hệ thống trạm chuyên môn tại cấp huyện để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Nhìn từ thực tiễn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp với nhiều viên chức đã có sáng kiến mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các chương trình tập huấn, tư vấn kỹ thuật cũng thường xuyên được tổ chức, qua đó hỗ trợ ngày càng nhiều hơn cho bà con nông dân.

Thế nhưng, chức năng của trung tâm là cung ứng dịch vụ, chưa đảm bảo đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành. Trong khi đó, một lực lượng cán bộ kỹ thuật tuyến cơ sở lại bị thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiểm tra, giám sát, xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn sản xuất.

Điển hình tại Đồng Tháp - một trong những địa phương từng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, do Quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị là: Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và Trạm Thủy sản. Việc mất đi lực lượng “chân rết” ở cơ sở, đã tạo ra khoảng trống lớn trong công tác kiểm dịch, giám sát dịch bệnh cũng như xử lý khẩn cấp.

Đối với lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật cũng để lại khoảng trống trong chuyển giao kỹ thuật, nhất là với những hộ sản xuất nhỏ lẻ, nông dân vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, kiểm soát an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp trong bối cảnh vùng ĐBSCL đẩy mạnh xuất khẩu như hiện nay.

Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật ở TP Cần Thơ thời gian qua đã ghi nhận những đóng góp của trạm chuyên môn trong chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật ở TP Cần Thơ thời gian qua đã ghi nhận những đóng góp của trạm chuyên môn trong chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều địa phương đang chủ động rà soát, tổ chức lại hệ thống quản lý ngành dọc.

Tại TP Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi Sở Nội vụ thành phố báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy sau hợp nhất và đề xuất giữ lại hệ thống trạm chuyên môn, tái tổ chức theo hướng lập liên trạm hoặc trạm khu vực, phù hợp với địa giới hành chính cấp xã mới.

Việc giữ lại hệ thống trạm chuyên môn ở cơ sở không chỉ giúp đảm bảo hiệu quả quản lý, phản ứng nhanh với tình huống phát sinh, mà còn duy trì lực lượng kỹ thuật nòng cốt phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Từ thực tế các mô hình Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp từng được một số tỉnh thí điểm nhưng hoạt động không hiệu quả, do cơ chế tự thu tự chi, không đảm đương được nhiệm vụ chuyên môn.

Trong khi đó, việc duy trì các trạm hiện có không làm phát sinh thêm biên chế công chức, viên chức, không tốn chi phí đầu tư mới vì tận dụng được các trụ sở hiện hữu. Quan trọng nhất là vẫn giữ được đội ngũ kỹ thuật thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại cơ sở.

Bởi các trạm chuyên môn trực thuộc chi cục ngành dọc của thành phố, hoàn toàn có thể tiếp tục đóng quân tại khu vực để phụ trách các xã, phường. Đặc biệt, sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh, thành và tổ chức chính quyền 2 cấp, địa bàn quản lý của cấp tỉnh sẽ rộng lớn hơn. Như vậy, nếu không tiếp tục duy trì và tổ chức các trạm chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Tổ chức lại không đồng nghĩa xóa bỏ

Khẳng định tầm quan trọng của hệ thống trạm chuyên môn ở cơ sở, từ tháng 5/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, định hướng giữ lại hệ thống trạm, hạt thuộc các chi cục chuyên ngành, nhất là trong các lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi và thú y; thủy sản…

Việc tiếp tục duy trì hệ thống trạm chuyên môn ở cấp xã, phường là cần thiết trong bối cảnh nông nghiệp ĐBSCL đứng trước nhiều yêu cầu đổi mới. Ảnh: Kim Anh.

Việc tiếp tục duy trì hệ thống trạm chuyên môn ở cấp xã, phường là cần thiết trong bối cảnh nông nghiệp ĐBSCL đứng trước nhiều yêu cầu đổi mới. Ảnh: Kim Anh.

Đồng thời, Bộ đề nghị các tỉnh, thành căn cứ đặc thù của địa phương, cần tiếp tục duy trì, bố trí các trạm, hạt trực thuộc chi cục để thực hiện các nhiệm vụ quản lý và thực thi pháp luật theo khu vực liên xã, phường để bảo đảm kịp thời giải quyết các công việc, phù hợp với điều kiện thực tế.

Tuy vậy, hiện nay một số địa phương vẫn đang lúng túng trong việc thống nhất mô hình, khiến nhiều cán bộ công tác tại các trạm chuyên môn đang hết sức hoang mang, lo lắng nguy cơ mất việc.

Theo phương án sắp xếp các trạm chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư có 28 viên chức. Sở đã lên phương án tái bố trí thành 3 trạm tại các khu vực: TP Cần Thơ (cũ), Hậu Giang (cũ) và Sóc Trăng (cũ), để tăng hiệu quả điều phối, giám sát.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y hiện có 573 nhân sự và 28 trạm. Đây là lực lượng chủ lực thực hiện giám sát, hướng dẫn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, kiểm soát thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất. Vào ngày 1/7, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định tổ chức lại các Trạm Chăn nuôi và Thú y quận, huyện thành 7 Trạm Chăn nuôi và Thú y khu vực. Các trạm này là tổ chức thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang quản lý 25 trạm được phân bố tại các huyện cũ, với tổng số 189 viên chức. Dự kiến, Chi cục sẽ sắp xếp, tinh gọn lại thành 18 trạm khu vực, mỗi trạm phụ trách 6-8 xã. Như vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã giảm 7 đầu mối và 7 cán bộ so với hiện trạng trước đây, nhưng vẫn đảm bảo khối lượng công việc chuyên môn theo hướng hiệu quả hơn.

Hiện nay, các địa phương ĐBSCL đang tiến hành sắp xếp lại các trạm chuyên môn ngành dọc nông nghiệp, vấn đề thực tiễn hoạt động ở cơ sở cần được tính toán. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, các địa phương ĐBSCL đang tiến hành sắp xếp lại các trạm chuyên môn ngành dọc nông nghiệp, vấn đề thực tiễn hoạt động ở cơ sở cần được tính toán. Ảnh: Kim Anh.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ mong muốn và đã kiến nghị UBND thành phố giữ nguyên hiện trạng các trạm, đảm bảo không phát sinh thêm biên chế công chức, viên chức, sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc. Đặc biệt là vẫn đảm bảo được nhiệm vụ chuyên môn một cách hiệu quả.

Việc tiếp tục duy trì hệ thống trạm chuyên môn ở cấp xã, phường có thể giữ cho hệ thống cơ sở không bị đứt gãy trong bối cảnh nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước nhiều yêu cầu đổi mới.

Việc sắp xếp lại tổ chức ở các địa phương là cần thiết, tuy nhiên cần được thực hiện một cách linh hoạt, khoa học và trên hết là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Các địa phương cũng cần tính toán, cân nhắc để tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao năng lực cho các trạm để phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững và hội nhập.

Xem thêm
Chủ động chuẩn bị từ sớm cho kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Phiên họp 47 của UBTVQH được xác định là bước chuẩn bị sớm cho kỳ họp cuối nhiệm kỳ, khẳng định vai trò kiến tạo, dẫn dắt của Quốc hội.

Bình luận mới nhất